Hướng nghiệp phải sát với nhu cầu

Mới đây, Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, Công ty Esuhai và Trường THPT Việt Nhật đã ký thỏa thuận hợp tác 3 bên phối hợp trong công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT.
Hướng nghiệp phải sát với nhu cầu

Mới đây, Trường Đại học (ĐH) Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, Công ty Esuhai và Trường THPT Việt Nhật đã ký thỏa thuận hợp tác 3 bên phối hợp trong công tác hướng nghiệp cho học sinh THPT.

Theo đó, mô hình hướng nghiệp - đào tạo - việc làm cho học sinh được khởi động ngay từ khi học sinh còn đang học phổ thông. Trường THPT Việt Nhật sẽ phối hợp với Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM triển khai công tác hướng nghiệp cho học sinh ngay trên ghế nhà trường. Người học sẽ được tham gia các chương trình thực tế tại các xưởng thực nghiệm, phòng thực hành của Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM và sự cọ xát, trải nghiệm thực tế này sẽ giúp học sinh có sự lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Song song đó, học sinh của Trường THPT Việt Nhật sẽ được học các khóa học tiếng Nhật, văn hóa Nhật Bản để chuẩn bị  tiền đề, kỹ năng cần thiết cho các chương trình việc làm tại Nhật Bản. Từ mô hình hợp tác thí điểm này, trong thời gian tới chương trình sẽ mở rộng đến các trường THPT trên toàn quốc để lan tỏa hiệu quả của công tác hướng nghiệp - việc làm cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường THPT.

Sinh viên đăng ký tuyển dụng tại ngày hội việc làm. Ảnh: T.L

Thực tế cho thấy, công tác hướng nghiệp chọn nghề sát với năng lực của người học và nhu cầu của thị trường lao động còn nhiều khoảng cách, thậm chí là tù mù vì thiếu thông tin dự báo chuẩn xác. Phần đông, học sinh phổ thông chưa hiểu rõ về bản thân, năng lực cũng như thiếu thông tin dự báo về thị trường lao động trong nước cũng như nước ngoài, nên chọn sai ngành nghề. Một số khác thì nhắm mắt học đại những ngành nghề đã dư thừa và hệ quả là ra trường khó tìm việc làm, chấp nhận làm trái ngành học hoặc chịu cảnh thất nghiệp. Tại các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, nhiều học sinh lớp 12 đưa ra những câu hỏi quen thuộc và khó trả lời như “học ngành nghề nào dễ kiếm việc làm”, “4 năm nữa ngành học này có nhu cầu hay không?” …

Do thiếu thông tin về việc làm ngoài nước nên học sinh phổ thông chỉ nhắm đến thị trường lao động trong nước và chưa chuẩn bị tay nghề, kỹ năng cũng như hành trang ngoại ngữ ngay từ khi còn học phổ thông. Trăn trở trước lỗ hổng thiếu định hướng về nghề nghiệp, việc làm cho giới trẻ Việt Nam, mới đây tại hội nghị đổi mới hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đặt vấn đề: “Phía Nhật Bản cần tuyển 10.000 điều dưỡng viên với thu nhập cao nhưng các trường dạy nghề của Việt Nam không thể cung ứng. Như thế phải xem lại năng lực đào tạo nghề của các trường nghề”. Muốn làm việc tại thị trường này, ngoài đòi hỏi về trình độ tay nghề, chuyên môn đạt chuẩn, điều dưỡng viên phải biết tiếng Nhật. Nếu không chuẩn bị học ngoại ngữ từ khi ngồi trên ghế phổ thông thì làm sao sinh viên các trường nghề có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng.

Nhiều năm qua, câu chuyện chọn nghề, hướng nghiệp để có việc làm ngay luôn là vấn đề nóng và hiệu quả của nó không như mong muốn, cũng như con số 30% học sinh tốt nghiệp THPT đi vào trường nghề, trở thành kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật vẫn là mục tiêu khó đạt. Vì thế, việc kết nối giữa trường phổ thông với doanh nghiệp, tạo cầu nối cho học sinh trải nghiệm thực tế, hiểu rõ ngành nghề mình sẽ chọn và quan trọng hơn là đầu tư ngoại ngữ để làm việc ở nước ngoài sẽ là hướng mở hiệu quả. Thay vì học đại một nghề hoặc một trường ĐH mà không biết rõ tương lai mình sẽ làm gì, học sinh sẽ cân nhắc kỹ việc chọn nghề để có việc làm phù hợp với năng lực, không lãng phí thời gian, tiền bạc.

HÀ ANH

Tin cùng chuyên mục