Năm 2017, giáo dục đại học sẽ chuyển mình?

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Trước yêu cầu cấp bách đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2017 sẽ đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDĐH phù hợp với yêu cầu nhân lực của đất nước.
Năm 2017, giáo dục đại học sẽ chuyển mình?

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) là đòi hỏi cấp bách hiện nay. Trước yêu cầu cấp bách đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, năm 2017 sẽ đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDĐH phù hợp với yêu cầu nhân lực của đất nước.

Yêu cầu cấp bách

Đánh giá chất lượng đào tạo đại học thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, chất lượng GDĐH đã có những bước chuyển tích cực; một số trường, ngành có đột phá (đơn cử như chương trình tiên tiến, chất lượng cao). Tuy nhiên xét trong một số trường, một số ngành chất lượng đào tạo vẫn chưa đồng đều. Xét theo yêu cầu của thị trường và nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực chưa theo kịp. Sinh viên ra trường còn thất nghiệp hoặc rất khó tìm việc. Những bất cập yếu kém của chất lượng GDĐH bộc lộ ngày càng rõ khiến xã hội lo ngại và bức xúc.

Lý giải nguyên nhân chính ở góc độ trách nhiệm của nhà cung cấp nguồn nhân lực, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng có 3 nguyên nhân chính: đội ngũ cán bộ giảng viên chưa đáp ứng năng lực, cơ sở vật chất không đảm bảo, kinh phí đầu tư để đào tạo cho một sinh viên quá thấp. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, tính chi phí đào tạo khoảng 500 USD/sinh viên/năm; trong khi các nước chi phí đào tạo khá cao như ở Mỹ khoảng 16.000 USD/sinh viên/năm đối với trường công, 36.000 USD/sinh viên/năm đối với trường tư.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thực tập trên máy bọc màng sản phẩm

Không thể không nhìn thẳng vào một sự thật của GDĐH hiện nay: hệ thống chính sách giáo dục còn bất cập, năng lực quản trị đại học còn kém. Đối với vấn đề đào tạo, hiện nay chủ yếu các trường dựa vào kinh nghiệm, nguồn lực vốn có của mình khi xây dựng các chương trình đào tạo. Điều này dẫn đến việc nhiều ngành đào tạo có thế mạnh trước đây thì hiện nay tuyển sinh khó khăn, còn những ngành mới thị trường đang có nhu cầu lại không đào tạo, khiến sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường thất nghiệp ngày một nhiều. Điều đó cho thấy cách tiếp cận đào tạo hiện nay của các trường không còn phù hợp. Yêu cầu đặt ra là phải nâng cao chất lượng GDĐH, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đã cấp bách, không thể chậm trễ hơn nữa. Nhất là khi Việt Nam đã hội nhập thị trường lao động với các nước ASEAN. Vì lẽ đó, những người trong cuộc phải nhìn thẳng vào sự thật, tìm ra nguyên nhân chủ quan, khách quan để nhìn nhận, đánh giá rút kinh nghiệm, qua đó tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH. Trong lộ trình nỗ lực nâng cao chất lượng GDĐH, cả trường công lập và ngoài công lập đều cùng phải đồng hành.

Bỏ những ngành nghề không cần thiết

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị hiệu trưởng tất cả các trường đại học trong cả nước để cùng tìm giải pháp vực dậy chất lượng GDĐT. Từ những gì của thực tiễn mà các trường nêu lên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã vạch ra 5 nhóm giải pháp để chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống GDĐH, khắc phục những bất cập yếu kém để nâng cao chất lượng, gắn đào tạo với nhu cầu, tạo việc làm cho sinh viên. Trong đó, giải pháp đầu tiên, cũng là giải pháp căn cơ, cấp bách và lâu dài nhất là tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống các trường đại học. Cùng với việc tổng rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh bản thân các trường phải xác định rõ “mình đang đứng ở đâu” để có kế hoạch tập trung nguồn lực khắc phục những điểm yếu.

Năm 2017, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thực hiện kiểm định hết những trường đã đánh giá trong và đăng ký đánh giá ngoài theo bộ tiêu chí đã ban hành; năm 2018, sẽ áp dụng theo chuẩn đánh giá của AUN (mạng lưới các trường đại học ASEAN). Trong đánh giá, phân tầng, xếp hạng sẽ không dùng hành chính và cũng không có sự phân biệt trường công, trường tư. Nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả kiểm định để chọn một số trường có chất lượng để đầu tư “vun cao”. Qua rà soát và kiểm định các cơ sở GDĐH, “nếu trường nào quá yếu, không thể “chữa bệnh” được thì phải chấp nhận các giải pháp giải thể, sáp nhập. Bởi nếu cứ kéo dài sự tồn tại “lâm sàng” thì chưa chắc đã tốt và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Hiện nay, cũng có trường đã muốn “khai tử” để thu hồi phần nào vốn đầu tư. Cùng với đó GDĐH Việt Nam phải tăng cường các yếu tố đảm bảo chất lượng gồm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất. Với tỷ lệ 19% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ như hiện nay là quá thấp. Nếu chúng ta nâng con số này lên thì sẽ tác động nhanh đến chất lượng GDĐH.

Giải pháp đặc biệt quan trọng nữa là đẩy mạnh quản trị đại học theo hướng tự chủ. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tự rà soát lại các ngành đào tạo trên cơ sở bám sát thị trường lao động, quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế của Chính phủ tầm nhìn 5-10 năm tới. Bộ GD-ĐT chủ trương, tất cả các trường đại học phải tự chủ, nhưng là tự chủ có lộ trình. 15 trường đang thực hiện tự chủ đại học là thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm nhằm triển khai và nhân rộng. Cơ quan quản lý nhà nước vẫn cùng đồng hành với các trường thực hiện tự chủ và cấp kinh phí theo nhiệm vụ và chất lượng đào tạo, không phân biệt công lập hay tư thục.

Trong vấn đề tự chủ đại học, đối với những ngành đào tạo có triển vọng, các trường cần tập trung đầu tư giảng viên cả về số lượng lẫn chất lượng. “Các trường hiện nay gần như không có vướng mắc gì nhiều về tự chủ học thuật, tự chủ tài chính. Các trường có thể liên kết với các trường đối tác để nhập khẩu chương trình đào tạo, công nghệ giảng dạy, thậm chí là thu hút giảng viên. Riêng tự chủ tài chính, phải đảm bảo nguyên tắc cân đối với chất lượng đào tạo, tránh đội giá chất lượng và không minh bạch; mỗi trường có thể chọn khoảng 1/4 ngành nghề đào tạo để đầu tư theo hướng chất lượng cao. Hiệu trưởng các trường phải xây dựng và thông báo trước mức học phí để người học có thể lựa chọn. Đây là cơ hội để các trường đa dạng hóa nguồn thu chứ không phải 90%-95%  là trông chờ vào học phí như hiện nay”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục