Mong được học lễ nghĩa nhiều hơn

Ngày 28-3, 160 học sinh tiêu biểu của các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP đã tham dự buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM về chủ đề “Học sinh TP với văn hóa ứng xử học đường”. Ngoài việc nêu những trăn trở, bức xúc về các hành vi, cách ứng xử thiếu văn hóa, học sinh còn hiến kế tạo dựng văn hóa học đường thân thiện, chuẩn mực hơn.

Ngày 28-3, 160 học sinh tiêu biểu của các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn TP đã tham dự buổi đối thoại với lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM về chủ đề “Học sinh TP với văn hóa ứng xử học đường”. Ngoài việc nêu những trăn trở, bức xúc về các hành vi, cách ứng xử thiếu văn hóa, học sinh còn hiến kế tạo dựng văn hóa học đường thân thiện, chuẩn mực hơn.

Em Đỗ Trọng Hiếu, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, phát biểu tại buổi đối thoại. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Học lễ nghĩa ít hơn học văn hóa?

Từ quan sát thực tế và cảm nhận về môi trường học đường nơi mình đang theo học, nhiều học sinh đã thẳng thắn nêu ra các hành vi ứng xử giữa học sinh với học sinh và giữa thầy cô giáo, nhân viên trường học với học sinh chưa đúng chuẩn mực. Một học sinh ở Trường THPT Lê Quý Đôn đặt vấn đề: “Phải chăng câu khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn ở trường học đang đi ngược với thực tế, vì học sinh phải học văn hóa nhiều hơn lễ nghĩa?”. Không chỉ đề xuất mong muốn được học lễ nghĩa nhiều hơn để ứng xử có văn hóa, nữ sinh này cũng nêu thực trạng còn nhiều hành vi, hình ảnh không đẹp của học sinh ở trong và ngoài trường học, chẳng hạn như cảnh học sinh chen lấn, không chịu xếp hàng ở căn tin của trường cũng như nơi công cộng… Không chỉ bức xúc với một số hành vi ứng xử thiếu văn hóa như nói bậy, chửi thề diễn ra ở môi trường học đường, mà học sinh còn nêu ra những tật xấu khác như thích đả kích, bôi nhọ bạn bè trên mạng xã hội hoặc tỏ thái độ ganh ghét, soi mói người khác vì học giỏi hơn mình… Nêu quan điểm cần đả phá thói xấu này, bạn Lã Thị Kim Thư (Trường THPT Võ Thị Sáu) trăn trở: “Làm thế nào để tạo dựng môi trường thân thiện và bạn bè cùng học với nhau phải biết yêu thương, sẻ chia, chứ không nên soi mói, ganh ghét?”.

Một vấn đề khiến các em quan tâm và bức xúc nhiều nhất là việc định hướng sử dụng mạng xã hội, facebook như thế nào cho hiệu quả, tránh ảnh hưởng xấu lan rộng. Trước thực tế bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, trong đó có nhiều nội dung, video xấu lẫn tốt chưa được thẩm định, một số học sinh thiếu ý thức, thậm chí vô cảm đã bình luận và tiếp tay lan truyền nó rộng hơn. Vì thế, nhiều ý kiến mong muốn nhà trường định hướng, giáo dục kịp thời để ngăn chặn thông tin xấu gây ảnh hưởng đến lối sống, hành vi của học sinh. Nói về thói vô cảm đang tồn tại trong nhà trường, bạn Ngô Mỹ Uyên, Trường THPT Phú Nhuận, cho rằng bạo lực học đường nảy sinh do không biết cách ứng xử, giải quyết linh hoạt. “Nếu biết cách giải quyết thỏa đáng thì chúng ta không đẩy bạn bè vào con đường cùng, thậm chí phải dùng đến bạo lực. Cũng theo em, hiện nay có nhiều bạn học sinh vô cảm trước nỗi đau của người khác. Điển hình như vụ án xảy ra gần đây, một nữ sinh lớp 9 bị bạn học giết hại ở chung cư quận Gò Vấp, rồi bỏ vào thùng xốp phi tang. Chuyện đau lòng như thế nhưng một số bạn lại đem ra đùa giỡn, bình phẩm bằng những lời lẽ thiếu văn hóa…”, Ngô Mỹ Uyên bức xúc.

Tăng thời lượng học về ứng xử văn hóa

Tuy chưa mạnh dạn nêu cụ thể về cách ứng xử chưa thật chuẩn mực, thiếu kỹ năng sư phạm của một số giáo viên, nhân viên trong trường học, nhưng cũng có ý kiến đề cập đến vấn đề luôn gây bức xúc ở học đường này. Theo bạn Nguyễn Thị Thùy Linh, học sinh lớp 11 Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thủ Đức, còn có một số giáo viên khi đứng lớp thiếu kiềm chế cảm xúc, sử dụng ngôn từ phản cảm xúc phạm học trò. Điều này khiến cho môi trường giáo dục thiếu thân thiện và học sinh thiếu tôn trọng thầy cô.

Phản ánh thực tế ngày càng có nhiều học sinh thiếu đạo đức và vi phạm pháp luật, bạn Mai Anh, học sinh Trường THPT Lam Sơn, chỉ ra những bất cập trong dạy và học môn Giáo dục công dân hiện nay. Theo em, kiến thức trong chương trình Giáo dục công dân ở bậc THPT cao siêu, khó hiểu và chưa phù hợp với thực tế. Vì vậy, em đề xuất nhà trường nên dạy những kiến thức pháp luật cơ bản, gần gũi dễ ứng dụng và tăng thời lượng dạy về kỹ năng sống, văn hóa ứng xử học đường.

Gần đây, trong những tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần hoặc tiết sinh hoạt chủ nhiệm, nhiều trường đã lồng ghép chương trình giáo dục kỹ năng sống, nét đẹp học đường, trong đó có chú trọng chủ đề ứng xử văn hóa học đường. Thế nhưng, theo nhiều ý kiến và đề xuất của học sinh, các em mong muốn được học lễ nghĩa, văn hóa ứng xử học đường nhiều hơn và bằng những hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn hơn. Để từ cầu nối nhân văn này, học trò biết yêu thương bạn bè, thầy cô và gắn bó với trường học nhiều hơn. Hơn nữa, hành trang này cũng giúp các em hình thành nhân cách tốt, biết ứng xử ở nơi công cộng chuẩn mực hơn, phù hợp với xu thế TPHCM phát triển văn minh, hiện đại và hội nhập nhanh với quốc tế.

 Đây là năm thứ 9 liên tiếp, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại với học sinh tiêu biểu để lắng nghe suy nghĩ, chia sẻ của các em về văn hóa ứng xử giữa thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên trong trường học, bạn bè. Trên cơ sở ghi nhận những đóng góp hiến kế của các em, sở sẽ chú trọng đổi mới giáo dục, lồng ghép, tích hợp chương trình để trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho học sinh. Từ nền tảng xây dựng văn hóa học đường chuẩn mực sẽ tạo ra môi trường học đường thân thiện, dân chủ hơn, góp phần khai sáng tài năng, trí tuệ của học sinh.

 
KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục