Phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học trẻ, bệ phóng cho những thành công

Phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học trẻ, bệ phóng cho những thành công

(SGGPO).- Năm học 2010-2011 bắt đầu với một sự kiện thật đáng mừng: GS Ngô Bảo Châu của Việt Nam được vinh dự nhận Huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới. Đó vừa là niềm tự hào của quốc gia, vừa là động lực thúc đẩy những tài năng toán học trẻ Việt Nam hướng tới mục tiêu phấn đấu trở thành những nhà khoa học xuất sắc đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành giáo dục của Việt Nam nói riêng và đóng góp cho sự phát triển tri thức của đất nước nói chung. Việc phát hiện và bồi dưỡng các tài năng toán học trẻ là nhiệm vụ không chỉ của các thầy cô, gia đình, mà là trách nhiệm chung của xã hội nhằm xây dựng đội ngũ các nhà toán học trẻ của Việt Nam.

Phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học trẻ, bệ phóng cho những thành công ảnh 1

Giáo sư Ngô Bảo Châu nhận giải thưởng toán học Fields

SGGP Online đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với thầy Nguyễn Hoài Chương (Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM), thầy Trần Đức Huyên (Phó Hiệu trưởng trường PTTH Chuyên Lê Hồng Phong); thầy Nguyễn Thanh Hùng (Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Năng khiếu - ĐH Quốc gia TPHCM) và thầy Trần Nam Dũng - GV Toán trường Phổ thông Năng khiếu - Giảng viên ĐH KHTN TPHCM). Sau đây là nội dung của buổi giao lưu:

Mai Kiều Lam - kieulam73@gmail.com  - Quận 3 - TPHCM:  Xin hỏi: Trường Lê Hồng Phong mỗi năm nhận bao nhiêu học sinh chuyên Toán lớp 10, điều kiện để đuợc vào học như thế nào? Xin cám ơn.

Thầy Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Mỗi năm Trường tuyển 600 học sinh lớp 10. Điều kiện tuyển có thông báo của Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM cho tất cả các trường cấp 2 hoặc ghi trên trang web của trường tại địa chỉ: http://www.thpt-lehongphong.edu.vn.

Mai Thị Mỹ Vị  - myvi85@yahoo.com  - Thủ Đức:  Cho em hỏi HLV đội tuyển chuyên toán của trường chuyên Lê Hồng Phong hiện nay là ai? Thầy/cô đó đã từng dự thi toán quốc tế chưa? Có đạt giải gì không ạ?

Thầy Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Hiện nay, huấn luyện viên đội tuyển chuyên toán của Trường chuyên Lê Hồng Phong gồm các thầy Trần Đức Huyên, Trần Nam Dũng, Vũ Vĩnh Thái và Nguyễn Duy Hiếu. Trong đó thầy Trần Nam Dũng đã đoạt huy chương bạc toán quốc tế năm 1983.

Những học sinh của trường đã từng đoạt giải toán quốc tế gồm: Lê Tự Quốc Thắng - Huy chương vàng năm 1981; Nguyễn Thanh Hải - Huy chương bạc năm 1994; Đoàn Hồng Nghĩa - huy chương đồng năm 1995.

Phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học trẻ, bệ phóng cho những thành công ảnh 2

Quang cảnh buổi giao lưu

Nguyễn Vũ Anh - Gò Vấp:  Xin hỏi lãnh đạo Sở Giáo dục – Đào tạo, vì sao nhiều năm qua, TPHCM không có học sinh đoạt giải Toán quốc tế?

Thầy Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: Trong những năm vừa qua TPHCM đã từng có 7 học sinh đoạt giải toán quốc tế, tiêu biểu là học sinh Lê Tự Quốc Thắng, hiện nay là một giáo sư toán tại Mỹ, chỉ có một số năm như năm 2009, TPHCM không có học sinh đoạt giải toán quốc tế.

Trần Thị Phuơng Thảo -  phuongthao72@gmail.com:  Con tôi học lớp 8 trường làng, giáo viên Toán cũng bình thường, chủ yếu dạy và học trong sách giáo khoa, làm sao tôi biết được cháu có năng khiếu toán học hay không?

TS. Trần Nam Dũng - Trường Đại học KHTN - ĐHQG TPHCM & TS. Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu: Chị có thể kiếm tra khả năng học toán của cháu thông qua các cách sau:

1. Cho cháu tham gia một số kỳ thi toán trên mạng trong nước và quốc tế.

2. Chị mua một số sách tham khảo nâng cao của bậc THCS cho cháu thử đọc và làm bài trong đó.

3. Chị có thể liên lạc với một số giáo viên có kinh nghiệm phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi Toán cấp 2 để nhờ kiếm tra khả năng của cháu.

Qua đó có thể đánh giá sơ bộ khả năng học toán của cháu.

Mai Thị Mỹ Vị - myvi85@yahoo.com  - Thủ Đức: Cho em hỏi HLV đội tuyển chuyên toán của trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia) hiện nay là ai? Thầy/cô đó đã từng dự thi toán quốc tế chưa? Có đạt giải gì không ạ?

TS. Nguyên Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu: Mỗi bộ môn Trường PTNK có hai giáo viên phụ trách bộ môn. Bộ môn Toán có Trưởng bộ môn là TS. Lê Bá Khánh Trình đã đạt HCV và giải Đặc biệt Toán quốc tế tại Anh năm 1979. Phụ  trách đội tuyển là Thạc sỹ Nguyễn Thanh Dũng. Một thành viên trong thành phần ban huấn luyện đội tuyển không thể không nhắc tới chính là TS. Trần Nam Dũng, người từng đạt HCB Toán quốc tế năm 1983.

Nguyễn Kim Đính  - kimdinh56@yahoo.com  - Gò Vấp - TPHCM:  Xin hỏi: Công tác phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi nói chung và học sinh giỏi môn Toán nói riêng đã được TPHCM thực hiện như thế nào?

Thầy Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: Ngành Giáo dục - Đào tạo TPHCM luôn quan tâm đến việc phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi nói chung, học sinh giỏi toán nói riêng ngay từ các cấp học dưới (tiểu học, THCS), giáo viên và nhà trường phải quan tâm, phát hiện và bồi dưỡng các học sinh có năng khiếu. Hằng năm Sở Giáo dục có tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố cho tất cả học sinh THCS; tổ chức kỳ thi Olympic các tỉnh phía Nam, nhằm tạo điều kiện để phát hiện những học sinh giỏi; tổ chức các lớp bồi dưỡng trong các trường chuyên, nhằm chuẩn bị cho các em học sinh trở thành những tài năng sau này của đất nước.

Trần Thị Thúy Hậu - Nữ - thuyhau83@yahoo.com  - quận 3 - TPHCM: Tôi có cảm tưởng hình như công tác đào tạo học sinh giỏi của thành phố chúng ta chưa có tính kế thừa. Chẳng hạn một học sinh đạt giải học sinh giỏi lớp 9 môn Toán nhưng chưa chắc em đó đã được tiếp tục bồi dưỡng tiếp theo trong những năm học bậc THPT, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Thầy Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: Hiện nay, việc tuyển chọn các em học sinh vào học các lớp chuyên toán tại các trường chuyên thường phải qua một kỳ thi, chắc chắn các em học sinh thực sự giỏi toán sẽ được tuyển vào học ở các lớp chuyên.

Nguyễn Tuấn Anh - Nam - tuananh78@gmail.com:  Tôi nghe nói Ts Lê Bá Khánh Trình – Người đoạt HCV Toán quốc tế ngày xưa, bây giờ là giáo viên luyện thi đại học phải không? thưa thấy Nguyễn Thanh Hùng?

TS. Nguyên Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu: TS. Lê Bá Khánh Trình hiện là Giảng viên Khoa Toán - Tin học Trường ĐH KHTN và Trưởng bộ môn Toán Trường Phổ thông Năng khiếu. Công việc chuyên môn của Thầy Trình tại Trường PTNK là giảng dạy các lớp chuyên Toán và bồi dưỡng đội tuyển Toán học của Trường. Ngoài ra Thầy còn là một chuyên gia tập huấn cho Đội tuyển Toán học Việt nam tham dự các kỳ thi Toán quốc tế. Theo tôi được biết, tại Trường ĐH KHTN, TS Lê Bá Khánh Trình tham gia giảng dạy môn giải tích phức cho Sinh viên và học viên cao học.

Võ Mai Huy - Nữ - maihuy81@yahoo.com  - Quận 1 - TPHCM: Xin hỏi lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: hiện TPHCM có hướng “nuôi dưỡng” đội ngũ học sinh giỏi ra sao, đặc biệt với học sinh yêu thích và học giỏi môn Toán để không làm mai một những tài năng này?

Thầy Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: Hiện nay, việc tuyển chọn các em học sinh giỏi toán vào học các lớp chuyên toán tại các trường chuyên của TP rất dễ dàng, các em được tạo điều kiện tốt nhất để học môn toán với những thầy cô giáo giỏi nhất, ngoài ra các em còn được miễn học phí và được cấp học bổng.

Diệp Trúc Khuê - Nữ - dieptruckhue@yahoo.com  - Quận 5 - TPHCM:  Xin cho tôi hỏi: Bổ đề cơ bản là gì? Giáo sư Ngô Bảo Châu đã giải nó như thế nào? Thầy có thể nói vắn tắt về Bổ đề cơ bản này được không?

TS. Trần Nam Dũng - Trường Đại học KHTN - ĐHQG TPHCM: Rất khó có thể trình bày ngắn gọn  để bạn có thể hiểu được, dù chỉ là ở mức độ đơn giản nhất, bổ đề cơ bản là gì, vì nó gắn liền với quá nhiều các khái niệm phức tạp mà ngay cả các nhà toán học chuyên nghiệp khác ngành cũng gặp khó khăn. Chỉ có thể nói với bạn rằng bổ đề cơ bản mà GS. Ngô Bảo Châu giải được là một vấn đề rất khó mà các nhà toán học đã phải nghiên cứu mấy chục năm nay nhưng chưa có lời giải hoàn chỉnh. GS. Ngô Bảo Châu cũng đã phải bỏ ra gần 10 năm cho bài toán này. Ý nghĩa của bổ đề cơ bản là xác lập những mối quan hệ sâu sắc giữa hình học và số học, giải quyết được một trong những điểm mấu chốt trong chương trình Langlands.

Một phụ huynh ở quận 6 - Nam -  Quận 6- TPHCM:  Như tôi biết, trước đây TPHCM có báo Toán học và Tuổi trẻ để các học sinh mê Toán đọc, còn bây giờ tôi không biết tìm báo nào có viết nhiều về Toán? Các thầy có xây dựng một website nào cho học sinh mê Toán hay không?

Thầy Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: hiện nay vẫn có báo Toán học và Tuổi trẻ, bạn có thể mua tại các sạp báo hoặc vào http://www.nxbgd.vn/toanhoctuoitre/. Hoặc bạn có thể vào google để tìm diễn đàn toán học, sẽ có rất nhiều thông tin.

Mai Thị Hằng - Nữ - hangthi93@yahoo.com - Quận 7 - TPHCMNếu em thi đậu chuyên Toán trường Phổ thông năng khiếu TPHCM, khi học hết lớp 12 em sẽ được gì?

TS. Trần Nam Dũng - Trường Đại học KHTN - ĐHQG TPHCM & TS. Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu: Chương trình chuyên toán của trường PTNK cung cấp cho học sinh các kiến thức cơ bản, nền tảng giúp các em thi tốt các kỳ thi Đại học, hơn nữa, giúp các em học tốt tại bậc đại học. Chúng tôi không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng giải toán, mà còn rèn luyện khả năng tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề, rèn luyện khả năng tự học và độc lập nghiên cứu. Vì vậy hành trang của một học sinh PTNK khi ra trường không chỉ là một kiến thức vững vàng, mà còn là sự tự tin trước các vấn đề mới, khả năng tự học hỏi - đó chính là những kỹ năng cần thiết để các em có thể học tốt ở các bậc học tiếp theo.

Nguyễn Quỳnh Hoa - Nữ - quynhhoa65@yahoo.com  - Quận 8 - TPHCM: Vấn đề “sân chơi” cho học sinh giỏi Toán không chỉ là đưa vào các “trại luyện gà nòi”, chúng ta cần tổ chức thêm nhiều hình thức sinh hoạt bổ ích không chỉ cho các em học sinh chuyên Toán mà cho cả các học sinh nói chung. Thầy nghĩ sao về vấn đề này?!

Thầy Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: Để đào tạo được một nhà toán học có tầm cở quốc tế như giáo sư Ngô Bảo Châu cần phải có quá trình đào tạo lâu dài từ khi còn là học sinh phổ thông đến đại học; cần có những người thầy xuất sắc; cần có một môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi. Trường hợp của giáo sư Ngô Bảo Châu là một trong những trường hợp mà chúng tôi vừa nêu.

Vũ Minh Hoài Thu -  hoaithu93@yahoo.com  - Quận 5 - TPHCM:  Thưa thầy, em rất mê môn Toán, nhưng do gia đình em không có điều kiện, nên đợt vừa rồi em chỉ chọn nguyện vọng vào học trường Mạc Đĩnh Chi ở gần nhà. Nếu hết lớp 12 em có thể thi vào Trường đại học nào để học ngành Toán? Và sau khi ra Trường em sẽ làm được gì? Em xin cám ơn các Thầy.

TS. Nguyên Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu: Chào bạn Thu!

Khi hết lớp 12 em có thể thi vào Khoa Toán Trường Đại học Sư Phạm TPHCM và sau này trở thành giáo viên dạy Toán, hoặc vào Khoa Toán- Tin học Trường Đại học KHTN - ĐH Quốc gia TPHCM để em có thể tiếp tục được học Toán và sau này có thể trở thành Giáo viên, giảng viên Toán cho các Trường THPT hoặc Đại học cũng như trở thành nhà nghiên cứu Toán làm tại các viện nghiên cứu. Thầy được biết Khoa Toán - Tin học còn mở ngành Toán - tài chính đào tạo sinh viên sau này có thể làm trong nghành tài chính. Chúc em học giỏi.

Phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học trẻ, bệ phóng cho những thành công ảnh 3

TS. Nguyên Thanh Hùng (giữa) - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu và TS. Trần Nam Dũng (bìa trái) - Trường Đại học KHTN - ĐHQG TPHCM

Trần Thanh Hùng - Nam - thanhhung78@gmail.com  - Quận Tân Phú - TPHCM:  Kính chào Thầy Nguyễn Hoài Chương, nhân dịp báo SGGP tổ chức giao lưu về vấn đề phát triển tài năng Toán học VN với các Thầy- những người đào tạo và tìm kiếm tài năng, tôi có trăn trở sau đây: Hiện nay, Chính phủ đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng Viện nghiên cứu Toán cao cấp. Nhưng dường như khi tài lực đã được khơi thông thì nguồn nhân lực còn quá mỏng. Theo thầy, chúng ta cần có lộ trình giáo dục thế nào để có đội ngũ nghiên cứu kế cận, dày hơn cả về lượng và chất. Chân thành cảm ơn và rất mong ý kiến tâm huyết của Thầy.

Thầy Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: Tôi cũng rất mừng khi được tin chính phủ đồng ý cho thành lập viện Toán học cao cấp Việt Nam; đây là cơ hội để cho nền toán học Việt Nam có điều kiện quy tụ được những nhà toán học hàng đầu thế giới, giúp nền toán Việt Nam cất cánh. Đúng là hiện nay, số nhà toán học Việt Nam có công trình tầm cở thế giới còn quá ít, hy vọng rằng trong tương lai  nhà nước sẽ có nhiều chính sách hiệu quả hơn nhằm giúp cho nền toán học Việt Nam phát triển, đặc biệt là sau sự kiện Ngô Bảo Châu.

Võ Nguyễn Lạc Diệu Dung - lacdieudung@yahoo.com  - Quận 3 - TPHCM:  Thưa thầy Trần Đức Huyên, cho em hỏi, với đội ngũ HLV của truờng như vậy, liệu trường có thể đào tạo ra một Ngô Bảo Châu thứ 2 cho Việt Nam không? xin cảm ơn thầy.

Thầy Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng trong tương lai Việt Nam sẽ có thêm nhiều Ngô Bảo Châu. Nếu chúng ta biết cách phát hiện và bồi dưỡng các tài năng toán học trẻ tuổi. Đặc điểm của học sinh Việt Nam là rất hiếu học, biết độc lập suy nghĩ và kiên trì. Đó là những đức tính rất cần thiết của người làm toán. Đặc biệt được khích lệ ban đầu bởi thành quả của Ngô Bảo Châu. Bên cạnh đó, gia đình cũng cần xây dựng cho các em học sinh những ước mơ hoài bão lớn trong học tập.

Riêng đội ngũ giáo viên bồi dưỡng toán của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong không ngừng cải tiến phương pháp để bồi dưỡng một cách có hiệu quả các học sinh chuyên toán của nhà trường. Với mong muốn trong tương lai sẽ có học sinh của trường tiếp bước Ngô Bảo Châu, đem lại vẻ vang cho nước nhà.

Kim Thị Nga Oanh - Nữ - Cần Giờ: Tôi là một phụ huynh bình thuờng nên không biết làm thế nào để phát hiện trẻ có năng khiếu về môn toán để đầu tư? Hơn nữa, thầy cho hỏi, ở VN có trung tâm hay trường nào bồi dưỡng nguời có năng khiếu về môn toán không? Xin cảm ơn Thầy.

TS. Trần Nam Dũng - Trường Đại học KHTN - ĐHQG TPHCM & TS. Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng Khiếu: Với các học sinh cấp PTTH, chúng ta có các hệ thống trường chuyên và trường năng khiếu ở tất cả các tỉnh và ở một số trường đại học lớn như ĐHQG HN, ĐHQG TPHCM, ĐHSP HN, Đại học Vinh... Với các cấp học thấp hơn chúng ta không còn các trường chuyên, nhưng vẫn còn một số trường có những lớp chọn dành cho các học sinh năng khiếu toán. Ở TP Hồ Chí Minh có thể kể đến các trường như Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Du, Vân Đồn, Hồng Bàng, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Văn Tố... Chị có thể tham khảo thêm câu trả lời của chúng tôi ở phần trên về cách phát hiện ra năng khiếu toán của con em mình.

Nguyễn Quang Tuân - Nam - quangtuan86@yahoo.com  - Thủ Đức - TPHCM:  Cũng liên quan tới hiện tượng Ngô Bảo Châu được vinh danh và đang được chờ xét huân chương Hồ Chí Minh (huân chương cao quý thứ 2), với những đóng góp của mình cho toán học nước nhà thì thầy/cô có cảm thấy chạnh lòng khi công lao của mình không được đền đáp đúng mức. Việc phát hiện, bồi dưỡng nhân tài toán học đã khó, nhưng giữ chân các nhà khoa học còn khó hơn nhiều, vậy chúng ta phải làm gì để không chảy máu chất xám?

Thầy Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: tôi cũng thấy rất tự hào vì Việt Nam có một nhà toán học lỗi lạc Ngô Bảo Châu, mọi phần thưởng cho Ngô Bảo Châu đều xứng đáng. Chắc chắn qua sự kiện này, nhà nước ta sẽ có những chính sách nhằm thu hút những tài năng trở về phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Hoàng Công Tâm - Nam - congtam83@yahoo.com - Bình Tân - TPHCM: Thưa thầy, một thực tế như tôi thấy là các em học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi của truờng, thành phố, quốc gia... chỉ tập trung vào môn chuyên của mình nhưng khi kỳ thi học sinh giỏi vừa kết thúc thì kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH - CĐ vừa đến. Và thực tế là kết quả thi của các em ở 2 kỳ thì này là rất thấp. Vậy truờng có những ý kiến gì để hạn chế tình trạng này không? Xin cảm ơn thầy.

Thầy Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Thông tin này là không chính xác. Theo thống kê của Bộ Giáo dục - Đào tạo, kỳ thi đại học vừa qua tại TPHCM xếp hạng nhất là Trường Phổ thông năng khiếu, thứ nhì là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Điều này cho thấy, học sinh trường chuyên vẫn đạt kết quả xuất sắc trong các kỳ thi đại học. Việc được bồi dưỡng nâng cao các môn chuyên không mâu thuẫn mà còn hỗ trợ tốt cho việc thi đại học

Nguyễn Văn Nam -  Hóc Môn - TPHCM:  Kính thưa các thầy. Tôi không dám khẳng định con mình có năng khiếu hay giỏi Toán nhưng tôi thấy cháu rất thích và hứng thú với môn học naỳ. Nhưng con tôi đang học ở truờng huyện của tỉnh Long An, tôi không biết có nên chuyển cháu về học ở truờng lớn hay ở tỉnh học để có điều kiện phát triển tốt nhất hay không. Tôi thấy lo lắng khi các truờng THPT ở nuớc ta không đồng đều, nhất là chênh lệch giữa truờng điểm - truờng thuờng ở huyện... Nhờ các thầy tư vấn giúp. Tôi cảm ơn các thầy rất nhiều!

Thầy Nguyễn Hoài Chương - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM: con của anh thích học toán và giỏi toán là điều đáng mừng, cháu có thể tham khảo thêm trong các sách toán hoặc có thể vào mạng để tìm các trang wed về toán học. Đã có những học sinh xuất sắc nhưng học ở các trường THPT ở các huyện vùng xa.

Thầy Nguyễn Hoài Chương (phải) - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM

Thầy Nguyễn Hoài Chương (phải) - Phó GĐ Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM

Võ Thanh Hùng - Nam - Bình Tân - TPHCM:  Kính thưa Thầy Trần Đức Huyên, những năm truớc truờng THPT chuyên Lê Hồng Phong luôn có số học sinh đạt giải cao ở các kỳ thi HSG. Nhưng gần đây, số này đã giảm, nhất là các môn khoa hco5 cơ bản như Toán, Lý... Dường như HS đang ít mặn mà hơn với các môn chuyên, năng khiếu mà tập trung phát triển để thi ĐH, tìm đuờng vào đời tốt hơn là dự thi HSG đoạt giải rồi cũng thôi. Theo thầy, nguyên nhân do đâu? Chúng ta đang gặp những khó khăn gì để phát hiện và phát triển tài năng khoa học? Chân thành cảm ơn và lắng nghe ý kiến của thầy.

Thầy Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Điều này đúng. Thực tế một, hai năm vừa qua, học sinh trúng tuyển vào trường là do điểm ngoại ngữ (tiếng Anh) cao. Gia đình khuyến khích các em đi du học nên không thiết tha vào học môn chuyên khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, sinh.

Chúng tôi cũng có những biện pháp khắc phục những khó khăn trên chẳng hạn như:

- Khi phát hiện học sinh có năng khiếu các môn cơ bản, giáo viên tích cực bồi dưỡng, nhà trường cấp học bổng trong suốt 3 năm trung học và 4 năm đại học.

- Tổ chức các câu lạc bộ khoa học để kích thích niềm say mê học tập và nghiên cứu khoa học của các em.

- Giảng dạy tăng cường các môn toán, lý, hóa bằng tiếng Anh để các em có thể gặp thuận lợi sau này nếu có đi du học.

Dương Trung Trí - Nam - Bình Chánh:  Kính thưa thầy Huyên, học sinh đoạt Giải học sinh giỏi cấp quốc gia đã không còn đuợc tuyển thẳng vào các truờng ĐH như trước nữa khiến nhiều bạn không còn mặn mà với thi học sinh giỏi nữa. Theo thầy, có cần có thêm chế độ gọi là ưu đãi đối học sinh giỏi để khuyến khích các em không? Chân thành cảm ơn Thầy.

Thầy Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Học sinh có năng khiếu rất say mê học tập các môn chuyên không phải với mục đích được tuyển thẳng vào đại học. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, việc được bồi dưỡng nâng cao các môn chuyên cũng sẽ hỗ trợ các em đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển đại học mà không cần được tuyển thẳng.

Tố Nga - Nữ - 22 tuổi - Quận 6 - TPHCM: Sách ở ngoài bán khá mắc, tôi có thể tìm kiếm trong thư viện hay không? xin các thầy cho biết thư viện nào có thể có những cuốn sách hay chuyên về Toán?

Thầy Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, bạn không phải tìm kiếm trong thư viện hoặc tốn tiền mua sách mà có thể tìm tài liệu trên mạng, ví dụ như: Mathscope, diendantoanhoc, Emath để tải tài liệu miễn phí.

Chúc bạn thành công.

Ngô Công Tâm - Nam - Bình Chánh:  Kính thưa Tiến sĩ Nguyễn Nam Dũng. Để phát triển tài năng Toán học cần có những buớc đi cụ thể. Theo thầy, nguời học Toán cần chuẩn bị những gì và chú trọng vào những yếu tố nào để học giỏi Toán? Chân thành cảm ơn Thầy.

TS. Trần Nam Dũng - Trường Đại học KHTN - ĐHQG TPHCM: Việc phát triển tài năng toán học phải được từ những cấp học dưới: Từ tiểu học; THCS; THPT và tiếp tục ở các bậc đại học, sau đại học.

Người học toán trước hết phải chuẩn bị cho mình một kiến thức cơ bản vững chắc, nắm vững các khái niệm, các vấn đề lý thuyết và ý nghĩa ứng dụng của nó. Nhất thiết phải có tư duy logic, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, kỹ năng trình bày. Cũng đừng nghĩ là học toán không cần đến thuộc lòng, chỉ có điều thuộc bài trong toán mang tính logic hơn mà thôi.Người học toán phải biết và dám đối mặt với khó khăn, đối mặt với những cái mới chứ không chỉ học và làm bài một cách máy móc. 

Tố Nga - Nam 22 tuổi - Q6 - TPHCM: Tôi đã đi làm nhưng đam mê Toán học, tôi có thể tìm tài liệu nghiên cứu Toán học tại đâu?

Thầy Trần Đức Huyên - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong: Bạn có thể tìm tài liệu nghiên cứu toán học ở các website: Mathworld, Mathscope, diendantoanhoc, Emath để tải tài liệu miễn phí.

Chúc bạn thành công trong niềm đam mê toán học của mình.

Thầy Trần Đức Huyên (phải) - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Thầy Trần Đức Huyên (phải) - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong

Loan Nguyễn  - tloan87@gmail.com - TP Hồ Chí Minh:  Thưa thầy Nam Dũng, em được biết thầy là người rất tâm huyết với phong trào dạy toán - học toán. Thầy có thể cho em biết, thời gian qua đã có những hoạt động gì nổi bật của phong trào chuyên Toán ở phía Nam ạ?

TS. Trần Nam Dũng, trường Đại học KHTN Tp Hồ Chí Minh: Dịp hè vừa qua, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hai hoạt động hỗ trợ cho phong trào dạy và học toán ở các tỉnh phía Nam, đó là tổ chức Trường hè bồi dưỡng giáo viên chuyên toán toàn quốc vào dịp đầu tháng 8 và sau đó là chương trình Gặp gỡ Toán học dành cho học sinh các tỉnh phía Nam (tại trường THCS-THPT Âu Lạc).

Trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của các trường THPT Lê Hồng Phong, trường PTNK, chúng tôi cùng một nhóm GV trẻ tiếp tục tổ chức CLB Toán học (tại trường Lê Hồng Phong) và seminar các phương pháp toán sơ cấp (tại trường PTNK) dành cho các bạn học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo giảng dạy toán. Các thông tin về các hoạt động này các bạn có thể tham khảo trên diễn đàn www.mathscope.org

Thanh Nga -Tân Phú - TPHCM: Mọi năm truờng THPT Năng khiếu TPHCM khá mạnh trong lĩnh vực HS dự thi Olympic quốc tế, đặc biệt môn Toán gần như là thế mạnh của truờng. Nhưng một vài năm trở lại đây, cụ thể là năm học 2009-2010, truờng không có học sinh đạt giải Toán quốc tế, giải quốc gia cũng ít và không đoạt giải cao. Xin hỏi, phải chăng càng ngày HS càng ít chú trọng đến những cuộc thi học sinh giói, phát triển năng khiếu chuyên biệt mà tập trung để thi ĐH hơn.

TS. Nguyễn Thanh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường PTNK - ĐHQG TPHCM: Nhiệm vụ trong tâm của nhà trường là phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi và tạo nguồn đầu vào chất lượng cao cho các trường đại học, đặc biệt là các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM. Trong những năm qua Trường PTNK đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo mà Đại học Quốc gia TPHCM giao phó: Thi học sinh giỏi và thi tú tài, đại học. Nhà trường chú trọng cacr hai mục tiêu đó. Tuy nhiên trong vấn đề thi học sinh giỏi thường hay nói vui "phải có số", nên trong năm học 2009-2010 đội tuyển Toán của trường không đạt được kết quả cao, đặc biệt là trong kỳ thi quốc gia, do đó không có học sinh tham dự kỳ thi Toán quốc tế dù năm học qua là năm đội tuyển Toán của trường được đánh giá là một đội tuyển mạnh.

Nguyễn Thị Thanh Huyền - huyenntt11@yahoo.com  - Q.3, TPHCM: Thưa TS. Trần Nam Dũng, hiện nay đang có rất nhiều học sinh đam mê học Toán và muốn tìm hiểu về những ứng dụng của Toán học trong đời sống và trong kinh tế, tài chính... Nhưng lại chưa có một môi trường đào tạo chuyên nghiệp và bài bản cho các học sinh này. Xin thầy cho biết trong tương lai, TP ta có dự định mở trường đào tạo như vậy không ạ?

TS. Trần Nam Dũng, Trường Đại học KHTN TP Hồ Chí Minh: Hiện nay đúng là ở cấp độ phổ thông, chưa có trường nào có đào tạo những kiến thức như vậy cho học sinh phổ thông. Trước mắt, các bạn học sinh phổ thông có thể tìm hiểu về các lĩnh vực này thông qua các buổi tư vấn hướng nghiệp tại các trường đại học. Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa nội dung giới thiệu về các ngành học này vào chương trình CLB Toán học và seminar các phương pháp toán sơ cấp, đưa vào chương trình Gặp gỡ toán học. Theo tôi được biết, hiện nay đang manh nha thành lập Hội toán tài chính TPHCM. Với tình hình hiện nay, cách tốt nhất để tìm hiểu những vấn đề mới là sử dụng mạng Internet. Bạn có thể tham khảo trang web của GS Nguyễn Tiến Zũng, một chuyên gia về toán có nhiều tâm huyết với giáo dục.

Phát hiện và bồi dưỡng tài năng Toán học trẻ, bệ phóng cho những thành công ảnh 6

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (giữa) tặng hoa cho các vị khách mời

Buổi giao lưu đến đây kết thúc, xin cảm ơn các vị khách mời và bạn đọc quan tâm tham gia buổi giao lưu.

SGGP Online

Ảnh: Cao Thăng

Tin cùng chuyên mục