Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh giao mùa

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh giao mùa

(SGGPO).- Hiện đang là thời điểm nhiều dịch bệnh nguy hiểm đang có chiều hướng bùng phát mạnh. Đặc biệt là các dịch bệnh truyền nhiễm như tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, sốt phát ban, tiêu chảy, hô hấp... Trong những tuần qua và hiện tại, các bệnh viện nhi đồng cũng như các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi quá tải. Không ít bệnh nhi đã tử vong, nhất là dịch bệnh tay-chân-miệng đang có chiều hướng lan rộng, biến chủng virus gây bệnh. Để cung cấp thêm kiến thức phòng và ngừa bệnh, nhất là trong các trường học, cơ sở mầm non cũng như trong mọi gia đình, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở Y tế TPHCM tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Phòng chống dịch bệnh giao mùa”.

Khách mời là các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về các bệnh truyền nhiễm, dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM…

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh giao mùa ảnh 1

Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Cao Thăng

 Sau đây là nội dung của buổi giao lưu:

Nguyễn Ngọc Bình - Quận 12 - TPHCM:  Tôi nghe nói dịch bệnh tay-chân-miệng là do vệ sinh nhà cửa không sạch sẽ. Tôi có 2 đứa con 3 tuổi và 5 tuổi. Vậy phải vệ sinh làm sao để đảm bảo con không bị phát bệnh, thưa bác sĩ?

- BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Cần bảo đảm vệ sinh bàn tay người chăm sóc, bàn tay trẻ và đồ chơi, sàn nhà, vật dụng mà các bé dùng mỗi ngày. Lưu ý nên khử khuẩn bằng dung dịch diệt vi rút đường ruột mỗi tuần.

Mai Kiều Lan - Quận 3 - TPHCM:  Xin Bác sĩ cho tôi hỏi: Trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng mà phát hiện trễ sẽ bị biến chứng gì? Có nguy hiểm tính mạng không?

- BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm BV nhi đồng 1: Rất nguy hiểm nhưng tỷ lệ biến chứng không cao chỉ khoảng 5%. Khi biến chứng trẻ có thể suy tim, suy hô hấp và tử vong rất nhanh trong 24h.

Lâm Diễm Trinh - Quận 12 - TPHCM: Vừa rồi con tôi nhập viện BV Nhi đồng 2 do mắc bệnh tay-chân-miệng. Nay sức khỏe cháu dần bình phục. Xin bác sĩ cho biết cần chế độ dinh dưỡng gì cho cháu chóng khỏe?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Không kiêng cử gì cả, cho trẻ ăn thêm chất dinh dưỡng để nhanh chóng lại sức.

Vũ Minh Hoài Thu - Quận 2 - TPHCM:  Cháu nhà em được 13 tháng rồi. Cháu chưa uống vaccine ngừa tiêu chảy Rota. Bác sĩ có thể cho biết có loại vaccine ngừa tiêu chảy nào khác cho bé quá tháng uống vaccine Rota không? Cháu nhà em rất hay bị tiêu chảy, nên em rất lo. Mỗi lần đi tiêu phân cháu không tốt, em lại cho cháu uống Lactomin Plus. Lactomin Plus và Probio có khác nhau không? Có thể uống cùng lúc 2 loại này được không? Xin cảm ơn bác sĩ.

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 2: Ngoài loại vaccine ngừa tiêu chảy do Rota còn có vaccine ngừa tả. Lactomin Plus là một loại Probiotic cho nên chỉ cho cháu uống hoặc Lactomin Plus hoặc Probio.

Nguyễn Thị Diệu - Quận 12 - TPHCM: Từ 2 hôm nay con tôi (5 tuổi) lên cơn sốt, hôm qua sốt 38 độ, bỏ ăn và quấy khóc. Bữa trước đó cháu có đi tiêu phân đen. Có phải con tôi mắc bệnh sốt xuất huyết? Phải làm cách nào để chạy chữa?

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Bệnh sốt xuất huyết do siêu vi Dengue gây ra, bệnh diễn tiến trong 7 ngày. Bệnh xuất hiện quanh năm và thường tăng cao vào mùa mưa. Tất cả trẻ em sốt liên tục 3 ngày đều phải nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết. Bệnh biểu hiện gồm sốt và xuất huyết da, niêm mạc. Con bạn sốt 2 ngày và có tiêu phân đen, cần phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn kịp thời. Người bệnh cần uống nhiều nước.

Võ Thị Lan Phuơng - Bình Tân - TPHCM:  Cháu gái nhà em được 1 tuổi, cháu hơi biếng ăn. Em nghe người ta mách ngâm B1 với mật ong cho cháu ăn hàng ngày. Xin hỏi bác sĩ cách làm này có tốt không? Cháu 1 tuổi có dùng được không và liều lượng như thế nào?

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 2: Vitamin B1 có tác dụng tốt trong chuyển hóa các chất, đặc biệt là nhóm bột đường. Do đó, việc sử dụng thêm B1 khi trẻ sử dụng nhiều chất bột đường hoặc khi tăng cung cấp dinh dưỡng trong giai đoạn hồi phục bệnh có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, mật ong không được khuyến cáo dùng cho trẻ nhỏ vì trong đó có chứa bào tử của vi khuẩn Botulinum, có thể gây liệt thần kinh. Vì vậy, bạn nên cho bé đi khám dinh dưỡng để xác định biếng ăn do nguyên nhân gì và cách bổ sung các dưỡng chất cũng như vitamin như thế nào cho phù hợp nhé.

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh giao mùa ảnh 2

Chờ khám bệnh tại BV Nhi Trung ương Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Trần Thúy Hậu  - Quận 5 - TPHCM:  Xin bác sĩ cho biết biểu hiện của triệu chứng mắc bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em là gì? Mức độ nào thì phải đi cấp cứu ở bệnh viện? Cho uống thuốc hạ sốt có được không? Xin cảm ơn bác sĩ.

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Trẻ sốt cao khó hạ sau 2 ngày thì có thể mắc sốt xuất huyết. Khi trẻ đau bụng vùng gan (dưới sườn bên phải) nhiều, tay chân lạnh, ói ra máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, tiêu ra máu thì nên đưa trẻ đi bệnh viện.

Nguyễn Hà Minh Thảo - Bình Tân - TPHCM:  Con trai tôi hiện nay được 3 tuổi 4 tháng, cháu nặng 18 kg, cao 104 cm, 3-4 ngày cháu mới đi tiêu 1 lần. Ngoài ra, một tuần trở lại đây tôi thấy trên dương vật của cháu một bên hơi sưng to hơn. Xin hỏi bác sĩ hiện tượng như vậy có gì nguy hiểm không? Và tôi nên cho cháu đi khám hay kiểm tra ở đâu?

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 2: Cháu bé 3-4 ngày mới đi tiêu 1 lần, bạn không cho biết tính chất phân như thế nào như cứng, sệt... Nếu phân cứng đi tiêu có cảm giác đau rát ở hậu môn, có thể xem như cháu bị táo bón.

Trên dương vật của cháu một bên hơi sưng to, bạn nên đưa cháu đến cơ sở y tế như Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 để được thăm khám.

La Vĩnh Thành - Quận 5 - TPHCM:  Xin hỏi dịch bệnh tay-chân-miệng thường xảy ra ở trẻ em, vậy thường rơi vào lứa tuổi nào và người lớn có bị mắc bệnh này không?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, người lớn hiếm gặp hơn.

Mai Kiều Lan - Quận 3 - TPHCM: Bác sĩ cho tôi hỏi: Trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng mà phát hiện trễ sẽ bị biến chứng gì? Có nguy hiểm tính mạng không?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Phát hiện sớm vẫn có thể có biến chứng nặng, trễ thì sẽ khó chữa hơn nhiều. Biến chứng viêm não, viêm cơ tim, phù phổi, suy hô hấp, tử vong nhanh trong 24h.

Nguyễn Ánh Dương -  Quận 1 - TPHCM:  Con em được gần 9 tháng tuổi, hiện tại bé được 10 kg. Từ khi bé được 2 tháng đến nay bé rất hay bị trớ sữa khi bú mẹ và uống sữa ngoài, mặc dù sau khi bú và uống, em có cho bé ợ hơi và bé đã ợ hơi được. Một ngày có khi bé trớ 4-5 lần , có lần trớ hết sữa vừa bú. Khoảng 2 ngày nay, khi em cho núm vú mẹ vào miệng bé thì bé có phản xạ ọe và thế là bé lại trớ hết phần sữa trước đó. Em rất lo lắng không biết bé có vấn đề gì hay không? Xin BS tư vấn giúp.

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2: Con bạn đã dư cân so với lứa tuổi, điều này chứng tỏ bé nhận được đầy đủ, thậm chí là dư các chất dinh dưỡng so với nhu cầu. Nếu chúng ta cố ép bé ăn thêm thì bé sẽ nôn ói ra, lâu ngày thành thói quen không tốt và làm bé sợ ăn. Chúng ta không nên ép trẻ ăn quá mức. Tình trạng ói 2 ngày nay có thể do bé sợ ăn, nhưng với diễn tiến nặng hơn, cấp tính hơn nên có thể do bé đang mắc một bệnh lý cấp tính nào đó như viêm họng hay nhiễm siêu vi. Bạn có thể cho bé đến bác sĩ nhi khoa để khám và điều trị bệnh, bé sẽ giảm ói và ăn uống lại bình thường.

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 2: Con bạn được 9 tháng tuổi cân nặng 10kg, có thể nói tình trạng dinh dưỡng của cháu tốt. Cháu hay bị trớ sữa 4-5 lần một ngày, có thể cháu có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản. Các biện pháp sau đây có thể giúp giảm triệu chứng trớ sữa:

- Tăng cường ăn thức ăn đặc hơn là sữa như bột, cháo xay. Nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.

- Sau khi ăn, nên bế cháu thẳng đứng khoảng 30 phút.

- Khi ngủ, nên đặt cháu nằm đầu cao.

Theo như bạn thấy 2 ngày nay triệu chứng nôn ọe nhiều hơn khi cho bé bú có thể cháu bị viêm họng. Chị nên đưa cháu đến khám tại các cơ sở y tế.

Nguyễn Thu Thủy - Quận Phú Nhuận - TPHCM:  Tôi nghe nhiều nguời bảo bị sốt xuất huyết thì tránh ra gió, uống lá ngải cứu thì khỏi. Có phải đúng vậy không thưa bác sĩ?

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Bệnh sốt xuất huyết do siêu vi gây ra nên sẽ tự giới hạn trong vòng 7 ngày nếu không có biến chứng. Việc điều trị chủ yếu bù lượng nước thiếu hụt trong quá trình bệnh vì vậy uống nhiều nước là điều quan trọng nhất trong điều trị bệnh này. Ngoài ra bạn cần phải theo dõi sát những biểu hiện nặng có thể xảy ra trong quá trình bệnh để kịp thời đưa trẻ đến khám và nhập viện đúng lúc. Cần tăng cường chế độ dinh dưỡng để trẻ đủ sức "lướt" qua bệnh. Không nên uống lá ngải cứu vì chưa có chứng minh nào về hiệu quả của việc điều trị này. 

Nguyễn Thị Mỹ Lan -  Bình Chánh - TPHCM:  Xin hỏi con tôi đã 2 tuổi, mấy hôm nay cháu biếng ăn hẳn và ho về đêm. Tôi cho cháu uống nước cây tần dày lá nhưng không khỏi. Xin hỏi có phải cháu bị bệnh tay-chân-miệng gì không? Cho cháu uống thuốc kháng sinh được không?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Nếu chị nghĩ con mình bị tay-chân-miệng thì phải quan sát lòng bàn tay, bàn chân, mông, lòng gối xem có bóng nước không. Nếu không được thì đi bác sĩ khám. Việc dùng kháng sinh nên đi khám bác sĩ chứ đừng tự mua.

Nguyễn Mỹ Dung - Quận 9 - TPHCM: - Mấy hôm nay con tôi có sốt nhẹ, ít chơi và nổi lấm tấm một vài mụn đỏ trên cổ và tay. Có phải con tôi bị bệnh tay-chân-miệng không? Bệnh tay-chân-miệng có những biểu hiện gì? Phải uống thuốc gì? Xin cảm ơn bác sĩ.

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Coi chừng các mụn này là sảy hay nhiễm trùng da, chị xem thêm lòng bàn tay và lòng bàn chân, mông, gối có không, nếu lo thì khám thêm bác sĩ. Nếu trẻ có giật mình chới với hay quấy, khó ngủ kèm theo thì nên đi khám ngay.

Nguyễn Thúy Nga - Quận Thủ Đức - TPHCM:  Lúc mới sinh bé được 3,2 kg, bé gái. Đến nay bé được 1 tháng rưỡi, nặng 4,7 kg. Bé bú sữa mẹ và sữa Dumex. Một ngày bé bú khoảng 180 đến 240 ml sữa Dumex và khoảng 3 lần bú mẹ. Bé bú như vậy có đủ lượng sữa cho 1 ngày chưa bác sĩ? 2 ngày có khi 3, 4 ngày bé mới đi tiêu 1 lần, phân màu vàng sền sệt vậy có phải bé bị bón không thưa bác sĩ? Nếu bé bón có thể cho bé uống nước cam để bé đi tiêu bình thường được không? Mỗi lần bé tiểu sao thấy bé rặn đỏ cả mặt. Như vậy có bị làm sao không? Xin Bác sĩ chỉ cho cách khắc phục.

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2: Em bé lên cân rất tốt (1,5 kg/1,5 tháng), như vậy là bé đã nhận được đủ lượng sữa. Tuy nhiên, trẻ dưới 3 tháng chưa có khả năng dự trữ năng lượng lâu nên không nên bú cách quá xa. Đồng thời, dung tích dạ dày còn nhỏ nên sẽ ói nếu bú một lần quá nhiều. Tốt nhất bạn chia nhỏ cữ bú hơn, mỗi ngày khoảng 6 bữa bú, ưu tiên sữa mẹ để tăng cường khả năng miễn dịch.

Bé 2-3 ngày đi cầu 1 lần nhưng phân sệt thì không phải táo bón, đơn giản là bé hấp thu tốt nên khối lượng phân còn ít, 3 ngày mới có cảm giác mắc cầu. Trẻ con khi muốn cầu, tiểu hay bị ướt đều có thể rặn hay vặn vẹo, và phản ứng này tăng hơn nếu bé bị còi xương do thiếu vitamin D. Bạn cho bé phơi nắng mỗi ngày để bé nhận được đủ vitamin D nhé! Bé còn quá nhỏ chưa uống được nước cam.

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh giao mùa ảnh 3

Trẻ mắc bệnh chân tay miệng được cấp cứu tại BV Nhi Đồng 1. Ảnh: Tư liệu

Nguyễn Võ Song Nguyên - Quận Gò Vấp - TPHCM:  Mấy ngày hôm nay khí hậu tại TPHCM rất nóng, khó chịu, nhiều gia đình cho con em mình đi bơi. Các hồ bơi luôn trong tình trạng đông người. Xin hỏi bác sĩ như vậy có mất vệ sinh và liệu có những bệnh lây nhiễm qua nước hồ bơi? Có cách nào khắc phục mà vẫn để con em mình đi bơi đuợc? Xin cảm ơn bác sĩ.

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Hồ bơi là dịch vụ công cộng vì vậy rất dễ lây lan những bệnh truyền nhiễm. Để tránh một số bệnh lây nhiễm khi bơi cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, cần chích ngừa các loại bệnh, đặc biệt là viêm màng não do não mô cầu. Hồ bơi phải được kiểm tra định kỳ về vi sinh, súc rửa hồ, thuốc sát trùng để đảm bảo hạn chế thấp nhất mầm bệnh. Vậy bạn cố gắng tìm những hồ bơi đạt tiêu chuẩn đã nêu và chuẩn bị thật tốt sức khỏe cho bé trước khi bơi nhé.

Nguyễn Hà Phuơng - Quận 1 - TPHCM: Có mấy người bạn bảo để ngừa dịch bệnh tay-chân-miệng phải lấy hóa chất diệt trùng Chloramin B lau chùi nhà cửa, đồ chơi cho trẻ. Tôi muốn hỏi chất này mua ở đâu và sử dụng thế nào, có ảnh hưởng đến sức khỏe con nhỏ không? Xin cảm ơn bác sĩ.

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Rất mừng là chị đã có ý thức bảo vệ. Chị có thể xin chất này tại trạm y tế và tại đây họ hướng dẫn cách pha, cách dùng. Nếu pha đúng thì không ảnh hưởng đến  sức khỏe.

Lê Thị Thuơng - Quận 12 - TPHCM: Trẻ em bị nghi ngờ mắc bệnh tay-chân-miệng như thế nào thì cần đưa đến bệnh viện, thưa bác sĩ?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Trẻ sốt cao không hạ, sốt trên 2 ngày. Trẻ ói nhiều, trẻ giật mình chới với, quấy khóc khó ngủ, ngủ li bì, yếu tay chân, đứng không vững, run tay chân, thở mệt thì đi ngay.

Trần Vy Hạ - Quận 3 - TPHCM: Con tôi được 14,5 tháng. Gần đây mỗi lần ăn cháo bé hay ho. Buổi tối bé ngủ được nhưng hơi thở không êm, nghe như có tiếng ngáy nhỏ. Tôi có cho con đi khám bác sĩ Tai Mũi Họng thì có BS nói bé bị trào ngược, có BS nói bé bị viêm mũi. Kính mong quý Bác sĩ cho tôi biết bé bị bệnh gì và cách chữa như thế nào? Nếu cho bé đi khám ở BV thì khám ở khoa Tai Mũi Họng hay Hô hấp? Xin cảm ơn bác sĩ.

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2: Bạn cho bé khám tai mũi họng để phát hiện và điều trị các bệnh lý ở vùng hầu họng, mũi gây ra tắc nghẽn. Đồng thời, bé cũng nên được khám tiêu hóa để xác định có trào ngược hay không, trào ngược dạ dày - thực quản cũng làm viêm đường hô hấp tái diễn.

Nguyễn Thị Tâm -  Quảng Nam: Thưa các bác sĩ, làm sao để các bé không bị mắc các bệnh trong thời tiết như hiện nay? Cảm ơn.

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Đhi Đồng 1: Đây là điều khó, chỉ hạn chế thôi, nên uống nhiều nước. Hạn chế chơi đùa ngoài nắng, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đặc biệt là phải bảo đảm vệ sinh sát trùng hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần để ngừa bệnh tay-chân-miệng.

Nguyễn Hà Lan - Bình Tân - TPHCM: Vừa rồi tôi có đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhưng quá đông. Tôi muốn hỏi ở bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 có dịch vụ nào đáp ứng riêng cho những gia đình có thu nhập cao, sẵn sàng trả chi phí cao để khám bệnh?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Có, nhưng không phải như ý muốn, cũng phải hẹn trước và khu khám riêng. Đôi khi có lúc cũng đông. Chị nên vào 2 website của 2 bệnh viện để tìm hiểu thêm.

Mai Mỹ Vị- Quận Bình Thạnh - TPHCM:  Xin bác sĩ cho tôi hỏi bệnh sốt xuất huyết có lây lan không? Mọi người nói mắc bệnh là do muỗi đốt nhưng nhà tôi không có muỗi. Vậy sao con tôi mới 3 tuổi mà mắc sốt xuất huyết. Hôm trước tôi có đưa cháu đi bệnh viện khám rồi bác sĩ cho về. Vậy cách nào để phòng ngừa, thưa bác sĩ?

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Như tôi đã trình bày ở trên, bệnh sốt xuất huyết do siêu vi Dengue gây ra qua trung gian là muỗi vằn. Muỗi vằn có khắp nơi ở xứ nhiệt đới. Bạn không thể khẳng định nhà bạn không có muỗi mà chúng ta phải làm sao để hạn chế muỗi đốt bé mà thôi. Bệnh sốt xuất huyết không chừa một ai, từ sơ sinh đế người già vì vậy 3 tuổi vẫn có thể mắc bệnh. Bệnh sốt xuất huyết chỉ nhập viện khi có biếng chứng, đa số điều trị tại nhà và theo dõi những dấu hiệu nặng để được chữa trị kịp thời. Hiện chưa có thuốc chủng ngừa. Nên ngủ mùng, thoa thuốc chống muỗi, tránh chơi chỗ tối, mặc áo quần dài, dọn vệ sinh nhà cửa, diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Nguyễn Ngọc Nam - TPHCM: Được biết, để phòng ngừa bệnh tay-chân-miệng và các bệnh khác thì cần vệ sinh khử khuẩn sàn nhà, vật dụng đồ chơi cho trẻ. Tuy nhiên tôi chưa biết phải dùng chất gì để khử trùng và có thể mua ở đâu?

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Để phòng bệnh tay-chân-miệng và các bệnh truyền nhiễm khác, hiện nay trung tâm y tế dự phòng khuyến cáo người dân nên vệ sinh nhà cửa, vật dụng đồ chơi của trẻ bằng Cloramine B.

Nguyễn Thị Tâm - Quảng Nam: Bé nhà tôi thường đi bón, mặc dù cháu cũng ăn cháo có rau hoặc củ, giờ phải làm thế nào? Bị bón có nên cho bé ăn cà rốt không? Cảm ơn.

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2: Bé bị táo bón có thể do chế độ ăn thiếu chất xơ, dư đạm, dư canxi hay thiếu nước. Nếu không tập cho bé thói quen đi vệ sinh đúng giờ và đi cầu hết phân thì bé cũng sẽ bị bón. Những bé đi cầu 1-2 lần bị đau sẽ sợ đi cầu, ráng nín cho đến lúc không thể nhịn nổi mới đi và đi ra phân to cứng nên càng đau, lại càng sợ. Đó là vòng luẩn quẩn. Chúng ta phải cho bé ăn đủ lượng rau, củ, vận động nhiều, làm mềm phân để bé đi dễ dàng. Cà rốt cũng cung cấp chất xơ, nhưng nếu dùng quá nhiều có thể làm bé vàng da do dư beta caroteen. Trong táo bón nhóm thực phẩm có tính nhuận tràng cao là những loại rau có tính nhớt (mồng tơi, rau đay, đậu bắp, nha đam...) và trái cây có chứa sorbitol trong thành phần (đào, mận, cam, quít...).

Nguyễn Vũ Thủy Tiên - Bình Chánh - TPHCM:  Xin các bác sĩ cho hỏi: Con trai tôi năm nay đã 3 tuổi. Tôi nghi cháu có những dấu hiệu của bệnh thận như: - Hay đi tiểu (khoảng 1 tiếng/lần). Biếng ăn. - Đêm ngủ rất hay mơ sau đó giật mình tỉnh giấc khóc thét lên. - Hay kêu mệt. Vậy đó có phải là những dấu hiệu của bệnh thận không? Nếu nghi ngờ của tôi là đúng, tôi muốn đưa cháu đi khám thì cần phải làm những xét nghiệm gì? Xin chân thành cảm ơn các bác sĩ đã quan tâm! Rất mong các bác sĩ sớm hồi âm cho tôi. Trân trọng!

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 2: Chào bạn, con trai bạn hay đi tiểu, biếng ăn, đêm ngủ không yên giấc, thường than mệt... các triệu chứng đó không phải là dấu hiệu bệnh thận. Có thể cháu ăn kém nên đêm bị đói và ngủ không ngon. Cháu hay đi tiểu có thể là triệu chứng của hẹp da qui đầu... không phải là bệnh thận. Tốt nhất, chị nên đưa cháu đến cở sở y tế để thăm khám và tư vấn thêm.

Nguyễn Minh Tâm - Gò Vấp - TPHCM:  Như tôi thấy thì thời tiết nóng bức như thế này thường khiến trẻ nhập viện ngày càng đông với các bệnh gặp chủ yếu như tiêu chảy cấp, sốt siêu vi, sốt phát ban, viêm phế quản, viêm phổi, trong đó có cả những bệnh nặng như viêm não... Vậy xin bác sĩ cho biết cách phòng ngừa những bệnh mùa nắng nóng như thế này? Xin cảm ơn Bác sĩ.

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Thời tiết nắng nóng sẽ có nhiều loại bệnh xuất hiện, tuy nhiên những cơn mưa vừa qua báo hiệu mùa sốt xuất huyết sắp đến vì vậy để phòng ngừa những loại bệnh này cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, "ăn chín, uống sôi", vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, ngủ mùng, diệt muỗi, diệt lăng quăng và chủng ngừa là điều không thể thiếu.

Tiến Đạt - tiendat183@yahoo.com - TPHCM:  Xin bác sĩ cho biết, những triệu chứng khi mắc bệnh tay-chân-miệng. Tôi nghe nói chỉ nên đưa trẻ đến bệnh viện khi phát hiện ra có bóng nước ở chân tay miệng hoặc mông... Vậy khi trẻ không có triệu chứng trên thì sao? Cách xử trí khi trẻ mắc bệnh mà chưa có biểu hiện rõ ràng?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Tìm dấu hiệu của triệu chứng bệnh trên khó, hay thấy nhưng không rõ, tuy nhiên khi đã mắc bệnh thì nặng hơn. Để  không sót theo dõi các dấu nguy hiểm như khó ngủ, li bì, giật mình, yếu tay chân, thở mệt, run chi, đi loạng choạng, ngồi không vững thì nên nghĩ ngay là trẻ đã mắc bệnh tay-chân-miệng mà dấu hiệu không rõ. Cách xử trí các trẻ này là theo dõi các dấu hiệu trên thôi, không có thuốc nào đặc hiệu cả. Việc theo dõi phải thực hiện trong 5 ngày.

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh giao mùa ảnh 4

Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Cao Thăng

Nguyễn Tiến Đạt-  tiendat183@yahoo.com - TPHCM: Được biết bệnh tay-chân-miệng hiện rất nguy hiểm nhưng chủ yếu là xảy ra ở trẻ nhỏ, vậy con tôi đã 6 tuổi liệu có khả năng bị bệnh tay-chân-miệng không? Cám ơn.

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: 6 tuổi vẫn có thể bị nhưng hiếm, anh nên chú ý bảo đảm vệ sinh phòng bệnh, vì vệ sinh phòng bệnh tay chân mệng ngừa được nhiều bệnh khác lắm

Nguyễn Anh Vũ - anhvu@gmail.com - Quận 7, TPHCM:  Thưa các bác sĩ, tôi có con nhỏ 2 tuổi. Mấy ngày qua đọc báo thấy xôn xao dịch bệnh tay-chân-miệng và sốt xuất huyết bùng phát, khiến tôi rất lo. Nghe mấy người bạn bảo để đề phòng nên cho bé uống nước cam để tăng vitamin C đề kháng, nên ngày nào tôi cũng cho bé uống nửa quả cam. Vậy có phòng ngừa được không bác sĩ?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng Khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Nước cam uống thì tốt nhưng phòng ngừa chính là không cho vi rút xâm nhập vào người. Vi rút này cũng mạnh nên dùng dung dịch khử trùng để diệt.

Nguyễn Ngọc Nami - tiendat183@yahoo.com - TPHCM: Gần nhà tôi có một cháu bé vừa mới nhập viện vì mắc bệnh tay-chân-miệng, con tôi lại thuờng sang nhà đó chơi với cháu bé này. Hiện tôi rất lo lắng vì không biết cháu có bị lây nhiễm không? Trong trường hợp này tôi phải xử lý như thế nào?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Anh nên thực hiện ngay khử khuẩn đúng tại nhà mình, nơi trẻ sinh hoạt, đồ chơi của trẻ, sàn nhà. Anh nên cho trẻ đi khám và cố gắng theo dõi phát hiện bệnh sớm trong vòng 10 ngày kể từ khi trẻ kế bên mắc bệnh.

Hoàng Xuân Hương -  huongxuan@gmail.com - Quận 3, TPHCM: Tôi có một cháu nhỏ 19 tháng tuổi nhưng chưa cho đi học mẫu giáo. Do công việc bận rộn nên tôi thường nấu cháu một bữa sáng rồi để dành trong tủ lạnh cho cháu ăn cả ngày. Xin bác sĩ tư vấn giúp cho cháu ăn như vậy có ảnh hưởng gì không?

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2: Do công việc bận rộn nên đôi khi chúng ta không đổi món cho em bé thường xuyên như vậy bé sẽ ngán ăn, nhất là buổi trưa, chiều khi hâm đi hâm lại. Tốt nhất, bạn chuẩn bị sẵn cháo trắng, mỗi bữa sử dụng thức ăn tươi băm nhuyễn để nấu thêm vào sẽ dễ thay đổi, cũng không tốn quá nhiều thời gian, vì chỉ cần nấu thức ăn vừa chín tới giống như hâm lại cháo. Em bé của bạn đã được 19 tháng, có thể ăn cơm nát tán nhuyễn, cùng với thức ăn của người lớn nhưng được xắt nhỏ. Ví dụ: cháo trắng hay cơm nát ăn với thịt cá kho tán nát, trứng chiên, chà bông, đậu hũ... Bé cũng có thể  ăn bún, phở, miến, nui... để đổi món.

Nguyễn Ngọc Nam - TPHCM:  Con tôi bị suy hô hấp phải nhập viện điều trị. Ở đây người ta dùng máy hút đàm hàng ngày cho cháu, nhưng đã hơn 2 tuần rồi bệnh tình của cháu vẫn chưa tốt hơn. Xin hỏi có cách nào khác để điều trị? Liệu việc hút đàm lâu như vậy cháu có bị ảnh hưởng về sau không?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Có lẽ con anh bị viêm phổi nặng. Hút đàm là việc phải làm. Anh có thể hỏi trực tiếp bác sĩ diều trị để biết thêm.

Minh Thư -Bình Chánh - TPHCM: Xin bác sĩ cho tôi hỏi bệnh tay-chân-miệng có xảy ra với người lớn không? Đặc biệt là phụ nữ đang mang thai, nếu có thì gây biếng chứng cho con không?

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Bệnh tay-chân-miệng có thể xảy ra với tất cả mọi người, kể cả người lớn. Phụ nữ mang thai cũng có thể mắc loại bệnh này, và có thể truyền cho con, đặc biệt lúc sinh. Vì vậy phải giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên để hạn chế phần nào mức độ lây lan. Người lớn thường mắc bệnh tay-chân-miệng với chủng nhẹ, ít biến chứng nên cũng không quá lo lắng việc ảnh hưởng đến con.

Lê Thị Phương Dung - phuongdung@yahoo.com - Quận 1: Thưa bác sĩ, 2 hôm nay con của tôi (mới 3 tuổi) có nổi lấm tấm ban đỏ ở cổ, ngực và cánh tay. Cháu vẫn ăn uống và chơi bình thuờng. Tuy nhiên, khi đón cháu ở nhà trẻ về cô giáo bảo cháu bị nổi ban, phải ở nhà điều trị. Tôi muốn hỏi dấu hiệu như vậy có phải con tôi bị phát ban không, hay bị dịch bệnh tay-chân-miệng. Xin cảm ơn bác sĩ nhiều.

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Cô giáo nói ở nhà là đúng, nếu bị sốt phát ban thì ở nhà 3 ngày, nếu tay-chân-miệng thì ở nhà 7 - 10 ngày. Muốn biết tay-chân-miệng hay sốt phát ban phải khám mới chắc.

Sáng nay, Bác sĩ Nguyễn Tấn Phụ, Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết, trong 1 tuần nay, số ca bệnh tay-chân-miệng tăng đột biến.

Chỉ tính riêng ngày hôm qua, 24-5, đã có  hơn 40 bệnh nhân tay-chân-miệng nhập viện.

Hiện Khoa nhi Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi có hơn 120 bệnh nhân nhập viện điều trị. Trong khi đó Khoa này chỉ có 85 giường bệnh. Do đó, bệnh nhân ở Khoa Nhi luôn trong tình trạng quá tải. Một số bệnh nhân đã chuyển viện ra Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng và một số bệnh viện trong khu vực để điều trị.

 Ngày 17-5 vừa qua , Quảng Ngãi đã có một bệnh nhân tay-chân-miệng bị tử vong.

         Anh Vinh

phamsuonghuong - suonghuong@gmail.com - Quận 8 TPHCM: Con gái tôi 14 tháng, từ lúc sinh đến giờ cháu hoàn toàn bú mẹ, không dùng sữa ngoài. Các phương tiện thông tin đại chúng đều tuyên truyền là cho bú mẹ đến 24 tháng tuổi nhưng tôi lại nghe những người lớn tuổi khuyên: bé gái không nên cho bú mẹ quá 12 tháng vì bú mẹ lâu khi lớn bé sẽ hay bị ốm vặt, như vậy có đúng không? Tôi nên cai sữa cho bé vào thời gian nào là tốt?.

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2: Bú mẹ sẽ giúp cho bé khỏe mạnh, không những trước mắt (tránh được các bệnh nhiễm trùng) mà còn lâu dài (béo phì, tiểu đường, tim mạch, một số bệnh lý ung thư...), điều này được chứng minh bằng rất nhiều nghiên cứu khoa học. Do đó, bạn cứ cho bé bú càng lâu càng tốt nhé. Nhưng đến bữa ăn, bạn phải cho bé ăn đúng bữa, không nên để bé bú suốt ngày mà bỏ bữa ăn. Ở tuổi này, cả ăn và bú đều quan trọng.

Nguyễn Thi Thu Lan - Bình Chánh, TPHCM: Mấy hôm nay con tôi hay khóc, đi ngoài nhiều hơn, bú ít. Nhiều người bảo bé có dấu hiệu tiêu chảy. Xin bác sĩ cho lời khuyên.

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 2: Chào bạn, nếu con bạn đi tiêu hơn 3 lần một ngày thì cháu bị tiêu chảy cấp. Bạn cho cháu uống nhiều nước, có thể dùng dung dịch oresol để cháu không bị mất nước. Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu. Bạn không cho biết con bạn bao nhiêu tuổi, nhưng nếu bé nhỏ thì bạn nhận biết một số triệu chứng sau đây để đưa cháu đến cơ sở y tế sớm: tiêu chảy số lượng nhiều, ói nhiều không thể bù nước bằng đường uống, sốt cao, co giật, mệt nhiều, không đi tiểu, lơ mơ.

Nguyễn Thị Thuơng - Gò Vấp - TPHCM:  Xin hỏi bác sĩ các con tôi bị rôm sảy trong mùa hè này và rất ngứa ngáy, tôi nghe nói bị bệnh này chỉ cần ở nơi mát và tắm gội thường xuyên là sẽ hết đúng không? Xin cảm ơn bác sĩ.

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Chào chị, sảy là chuyện không tránh khỏi ở trẻ nhỏ, chỉ hạn chế vào mùa nắng nóng thôi bằng cách mặt quần áo bằng loại vải dễ hút ẩm, thoáng, uống nhiều nước, thuờng xuyên lau khô các vùng dễ nổi sảy. 

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh giao mùa ảnh 5

Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Cao Thăng

Đào Tuấn Anh - tuananh@yahoo.com - Quận 3 TPHCM: Tôi có một cháu gái năm nay được 8 tuổi. Năm vừa rồi cháu bị bệnh, đưa đi khám tại BV Nhiệt Đới thì được chẩn đoán là sốt xuất huyết, phải truyền dịch. Vậy liệu con tôi có thể bị sốt xuất huyết lại không? Bệnh sốt xuất huyết có dễ lây không? Tôi có nghe một số bác sĩ bảo rằng bệnh sốt xuất huyết chỉ kéo dài 7 ngày, qua khỏi 7 ngày này là coi như hết bệnh, như vậy có đúng không?

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Bệnh sốt xuất huyết do siêu vi Dengue gây ra, bệnh lây qua muỗi chích. Bệnh diễn ra trong vòng 7 ngày nếu không có biến chứng. Siêu vi Dengue có 4 type khác nhau vì vậy trẻ có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần. Nên nhớ khẩu hiệu của Sở Y tế: "Không có lăng quăng, không có bệnh sốt xuất huyết". 

Ngọc Tuấn -  tuanngocsg@gmail.com - Quận 6, TPHCM: Con tôi 1 tháng tuổi. Sau khi đi hết phân su, cháu đi ngoài bình thường được 2 ngày, sau đó cháu đi ngoài ít (5 - 6 ngày mới đi 1 lần). Mỗi lần cháu muốn đi ngoài tôi đều phải thụt bằng mật ong, cháu xì hơi rất nhiều. Xin hỏi bệnh của con gái tôi là bệnh gì? Cách điều trị ra sao?

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi Đồng 2: Chào bạn, vì cháu gái còn bé mới 1 tháng tuổi, 5-6 ngày đi tiêu một lần. Không biết cháu có kèm các triệu chứng như: nôn ói, chướng bụng, đang bú sữa gì? Tốt nhất, bạn nên đưa cháu đến Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 để thăm khám và tư vấn. 

Nguyễn Thi Thu Lan - Bình Chánh, TPHCM:  Con tôi 17 tháng tuổi, nặng 12,5 kg. Ăn uống bình thường nhưng cháu vẫn hay bị ho, có đờm. Đi khám bác sĩ bảo cháu bị viêm phế quản và cho thuốc về uống. Tuy nhiên cứ uống hết thuốc thì cháu ho trở lại. Vậy con tôi có phải bị viêm phế quản mãn tính không? Có cách nào để bệnh cháu không bị tái phát?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Trẻ nhỏ lúc đổi mùa thường hay ho, viêm phế quản. Một trẻ hay tái phát có thể do môi trường sinh hoạt dễ mắc hơn, như môi trường nóng ẩm, lạnh úa, khói thuốc hay có thể trẻ có cơ địa suyễn.

Nguyễn Thị Tâm - Quảng Nam:  Thưa bác sĩ dinh dưỡng, tôi được biết để bé vượt qua các bệnh thời giao mùa thì dinh dưỡng cũng có một phần quan trọng, vậy nên cho bé ăn như thế nào là tốt nhất? Xin cảm ơn!

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2: Dinh dưỡng giúp bé tăng khả năng đề kháng với bệnh tật và mau hồi phục. Các bé phải được cung cấp đầy đủ nhu cầu chất dinh dưỡng hàng ngày, tăng cường vitamin và vi lượng để hệ miễn dịch hoạt động tốt (vitamin C, A, D, B... từ rau quả tươi, ngũ cốc). Phải cung cấp đủ nước để chuyển hóa trong cơ thể tốt và hệ thống lông chuyển đường hô hấp hoạt động tốt để loại các tác nhân gây bệnh ra ngoài. Nên hạn chế uống nước đá, nước ngọt, các thức ăn dễ gây tổn thương niêm mạc tiêu hóa như snack, thức ăn chiên xào... Khi bé bệnh, cho ăn thức ăn dễ tiêu hóa, mềm, chia nhỏ bữa ăn.

Ngọc Lam - Gò Vấp - TPHCM:  Bé nhà tôi được 1 tuổi, để phòng ngừa bệnh ở đường hô hấp, mỗi ngày tôi thường cho bé 1 thìa cà phê nhỏ mật ong nguyên chất. Theo các bác sĩ, như vậy, có gọi là "quá lạm dụng" hay không?

- BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1: Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì mật có lợi cho trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi.

lethilinhan - anle@gmail.com - Quận Tân Phú, TPHCM:  Em đọc tài liệu thấy có nói bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm nhất là lúc hạ sốt. Con em bị sốt đã 3 ngày, có ho và sổ mũi, đã uống thuốc theo toa bác sĩ được 2 ngày. Đến hôm nay bé đã hết sốt và chơi bình thường nhưng em vẫn rất lo, làm sao để biết rằng bé bớt bệnh hay đang vào giai đoạn nặng của sốt xuất huyết? Xin bác sĩ tư vấn giúp.

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Bạn lo lắng là đúng vì bạn hiểu chưa hết ý. Bệnh sốt xuất huyết khi hạ sốt thường vào ngày thứ 3 - 5 của bệnh. Có 2 tình huống xảy ra:

1. Nếu trẻ hạ sốt mà trẻ khỏe hơn, chơi vui vẻ, ăn uống khá hơn thì vậy là diễn tiến thuận lợi

2. Nếu trẻ hạ sốt mà mệt hơn, li bì, tay chân lạnh, xuất huyết nhiều nơi, đau bụng, tiểu ít... thì đương nhiên là nặng hơn.

Nếu quá lo lắng nên đưa con bạn đi khám để được bác sĩ tư vấn kỹ hơn. Nên tái khám đúng hẹn.

Nguyễn Diễm Trinh -Tân Bình - TPHCM:  Xin bác sĩ cho biết bệnh tay-chân-miệng đã có vaccine phòng ngừa chưa? Xin cảm ơn bác sĩ.

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa.

Trần Thanh  - Tân Bình - TPHCM:  Nếu một người đã mang thai nhưng chưa tiêm ngừa bệnh rubella, xin hỏi bác sĩ bây giờ có thể tiêm ngừa được không? Và ở tháng thứ mấy của thai kỳ. Xin cảm ơn bác sĩ.

- ThS BS Đỗ Châu Việt - TK Nhiễm, BV Nhi Đồng 2: Khi đang mang thai không nên tiêm ngừa Rubella.

Nguyễn Thị Ngô Chương -  huongrubi@gmail.com - Quận 7, TPHCM:  Con gái tôi đã 18 tháng tuổi. Cháu thường bị bón, đi tiêu khó khăn. Mặc dù tôi cho cháu ăn rau quả khá nhiều nhưng không thấy cải thiện. Mỗi ngày tôi cho cháu ăn 1 hũ yaourt mong cải thiện cho cháu. Như vậy có đúng không bác sĩ?

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2: Tiêu bón có thể do chế độ ăn uống, vận động, cũng như thói quen đi vệ sinh tốt (đi cầu hàng ngày, đi hết phân) hoặc bệnh lý. Bạn có thể cho bé đến tư vấn thêm tại khoa Tiêu hóa và Dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 để có hướng xử trí thích hợp. Ăn yaourt giúp đường ruột ổn định, tăng cường miễn dịch, cung cấp chất dinh dưỡng và canxi như trong sữa, không có tác dụng nhiều trong táo bón.

Trần Thị Ngọc Canh - ngocanhtran@yahoo.com - Quận Bình Thạnh, TPHCM:  Con trai tôi 12 tháng tuổi, cân nặng 8,3 kg và cao 74cm. Thời gian qua tôi cho cháu uống sữa Gain Advance, cháu tăng khoảng 100 - 200 gram/tháng, nhiều người khuyên tôi nên thay đổi sữa để cháu đỡ ngán và thay đổi khẩu vị. Tôi đổi sang Friso nhưng cháu không uống nên tôi quay về Gain Advance. Khi cháu hơn 1 tuổi, một số người khuyên nên uống thêm sữa Pedia Sure, sữa dinh dưỡng dùng cho trẻ hấp thu kém để cháu tăng cân. Tôi muốn hỏi cháu uống Gain (dùng cho trẻ trên 1 tuổi) và Pedia Sure cùng lúc có được không? Nên uống như thế nào cho có hiệu quả?

- Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi Đồng 2: Bé có thể dùng nhiều loại sữa trong ngày giống như thay đổi thức ăn, miễn là bạn dùng đúng loại sữa cho lứa tuổi đó và pha đúng chỉ dẫn. Pediasure có năng lượng cao, nên dùng bổ sung vào buổi tối hay ban đêm khi trẻ có đủ thời gian để tiêu hóa và hấp thu hết. Bé của bạn thiếu cân, nên được khám dinh dưỡng và tư vấn chế độ ăn cụ thể hơn.

Giao lưu trực tuyến: Phòng chống dịch bệnh giao mùa ảnh 6

Phó TBT Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong tặng hoa các vị khách mời. Ảnh: Cao Thăng

Buổi giao lưu kết thúc lúc 11 giờ.

SGGP Online

Tin cùng chuyên mục