Giấy phép xây dựng tạm: Không phải là giải pháp hiệu quả

Xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp tại các quận, huyện vùng ven là vấn nạn của TPHCM. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và giải quyết tình trạng xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp, ngày 28-6-2013, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 21/2013, quy định về cấp giấy phép xây dựng tạm trên đất nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, giấy phép xây dựng tạm chưa phải là giải pháp hữu hiệu, bởi theo Quyết định 21/2013 giấy phép xây dựng tạm chỉ cấp cho những trường hợp đã có nhà xây dựng sẵn từ trước. Mà trên thực tế, số diện tích đất nông nghiệp đã có nhà không nhiều. Còn đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư thì không được cấp giấy phép xây dựng tạm. Hơn nữa, tại những địa bàn là dự án treo, thiếu hạ tầng như đường sá, điện, nước, người dân chỉ sửa chữa, cơi nới để tăng thêm diện tích sử dụng chứ không dám xây dựng kiên cố, nhiều tầng vì thấy chưa thể an cư.

Ngoài ra, những người được cấp phép xây dựng tạm vẫn phải lo ngại vấn đề pháp lý của giấy phép. Theo khoản 3 Điều 62 Luật Xây dựng và Điều 5 Thông tư 3/2009/TT ngày 26-3-2009 của Bộ Xây dựng, đối với loại nhà này, khi nhà nước giải phóng mặt bằng để thực hiện quy hoạch, chủ đầu tư phải tự tháo dỡ công trình, nếu không tự tháo dỡ thì bị cưỡng chế và chủ đầu tư phải chịu mọi chi phí tháo dỡ công trình. Đối với người dân, nhà cửa là một tài sản lớn, tốn nhiều tiền mới xây dựng được, vì vậy, không thể liều xây dựng bằng giấy phép tạm để rồi có thể phải tháo dỡ không được bồi thường.

Nỗ lực và quyết tâm của lãnh đạo TPHCM cũng như các quận, huyện để ngăn chặn nạn xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp là cố gắng lớn và đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quy định chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm cho những trường hợp đã có nhà xây dựng sẵn từ trước chưa thực sự thuyết phục, dễ xảy ra tiêu cực. Đối tượng xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp trong thời gian qua phần lớn là dân nhập cư, người dân ở các nơi khác bị giải tỏa trong các dự án. Họ là công nhân trong các nhà máy, lao động tự do thu nhập thấp nên khó có thể mua đất nông nghiệp phù hợp quy hoạch hay đất dự án tại các khu đô thị mới.

Vì thế, với quy định chỉ cấp giấy phép xây dựng tạm cho những trường hợp đã có nhà xây dựng sẵn từ trước thì chỉ mới giải quyết nhu cầu cho một số lượng nhỏ người dân sở tại. Trong khi đó, một số lượng lớn người nhập cư có nhu cầu bức thiết về nhà ở vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Vì thế, tình trạng xây dựng nhà không phép trên đất nông nghiệp vẫn khó ngăn chặn.

Cùng với Luật Đất đai 2003 và Luật Xây dựng, UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh việc xây dựng như QĐ 19/2009, QĐ 54/2012 hay mới đây là QĐ 21/2013. Trong các văn bản này không phân biệt giữa người dân sở tại và dân nhập cư. Thế nên khi cho phép chính quyền các quận, huyện vận dụng để cấp phép xây dựng tạm sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về sau. Theo chủ trương này, việc cho phép xây dựng hay không tùy theo sự vận dụng pháp luật của lãnh đạo địa phương. Điều này sẽ dẫn đến cán bộ hành xử theo cảm tính. Đây là lỗ hổng trong quản lý, dễ dẫn đến tiêu cực, làm khó người dân.

Quy hoạch là vấn đề lâu dài cần phải giữ, nhưng phải đảm bảo quyền lợi người dân trong khu quy hoạch. Thực tế ở TPHCM đã có nhiều dự án quy hoạch kéo dài 25-30 năm vẫn chưa thực hiện. Để giữ quy hoạch cũng như đảm bảo quyền lợi người dân, chính quyền nên tuyệt đối cấm xây dựng ở những khu vực đất thuộc quyền sử dụng của nhà nước. Còn đất thuộc quyền sử dụng của người dân thì cho dân chuyển mục đích sử dụng, cấp giấy phép xây dựng và chỉ cấm khi đất đã có quyết định thu hồi, được đền bù.

TRẦN HIỀN (Bình Thạnh, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục