Giới hạn của lợi và hại

Tại phiên họp mở rộng của Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội diễn ra ngay trước kỳ nghỉ lễ, những tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đối với sức khỏe, với sự phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cùng với khung pháp lý điều chỉnh vấn đề này đã được phân tích, mổ xẻ trên nhiều phương diện.

Từ góc độ y tế cộng đồng, dự thảo luật đưa ra nhiều chính sách quan trọng để phòng chống tác hại của rượu, bia, như: thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; ưu tiên các biện pháp giảm mức tiêu thụ; quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp; từng bước giảm lượng sản xuất rượu thủ công không đăng ký kinh doanh; áp dụng chính sách tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp để giảm mức tiêu thụ rượu, bia... Dự thảo luật cũng tập trung quy định các biện pháp, cách thức cụ thể để phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu các tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và hệ lụy xã hội khác trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng rượu, bia như quy định các hành vi bị nghiêm cấm, kiểm soát chặt điều kiện kinh doanh, bảo đảm chất lượng, an toàn; đối tượng, địa điểm, phương thức, thời gian cấm/hạn chế bán và uống rượu, bia; kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức...

Trong khi công nhận sự cần thiết của các quy định pháp lý nghiêm khắc và cụ thể hơn trong lĩnh vực này, nhiều ĐBQH lưu ý về những tác động của các điều khoản trong dự luật đối với xã hội, với nền kinh tế, với những người lao động trong ngành công nghiệp rượu, bia và với tập quán, văn hóa tiêu dùng của người Việt. Từ đó, một số quy định được loại ý kiến này coi là mang tính cực đoan. Đơn cử, theo quy định của dự thảo luật, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu, bia không được thực hiện các hoạt động gồm tài trợ trực tiếp cho các hoạt động y tế, giáo dục, hoạt động liên quan đến trẻ em, học sinh, sinh viên và phụ nữ mang thai; tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia. Nhà sản xuất, kinh doanh rượu, bia cũng không được phép thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ; có tên, hình ảnh sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ và trong hoạt động tài trợ, nhưng trường hợp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu bia tài trợ để xây dựng trường học cho địa phương, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo... thì sao?

Không nên phủ nhận sạch trơn tác động, sự hiện diện của rượu, bia trong đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa, tập quán sinh hoạt của người dân nhưng cũng cần hết sức minh bạch và sòng phẳng về tác hại của rượu, bia, bảo đảm tính khả thi của luật - đó thực sự là yêu cầu đầy thách thức đặt ra trong quá trình thiết kế, hoàn thiện đạo luật có tác động gần như đến mọi gia đình này. 

Một nghiên cứu khoa học mới nhất được hãng tin Bloomberg công bố (lấy dữ liệu từ gần 700 nghiên cứu trước đây) cho hay, khoảng 2,8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới có liên quan đến tiêu dùng rượu, bia và đáng lưu ý là “không có một giới hạn an toàn được xác định chung cho tất cả mọi người”. Tuy có những tác dụng tốt nhất định khi dùng với liều lượng rất thấp, nhưng nguy cơ tử vong sớm do một số bệnh khác như ung thư, chấn thương và các bệnh truyền nhiễm… lớn hơn bất kỳ lợi ích nào có thể có, đặc biệt là những người trong độ tuổi từ 15-49. 

Thực tế, tác động của đồ uống có cồn đến sức khỏe con người là vấn đề khoa học khá phức tạp, nhưng việc lạm dụng rượu, bia rõ ràng là có hại, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe và cả giống nòi. Cơ sở khoa học làm nền tảng xây dựng đạo luật, vì thế, cần được nghiên cứu hết sức thận trọng trước khi nới lỏng những quy định nhằm kiểm soát mọi hành vi có liên quan đến tiêu dùng rượu, bia.

Tin cùng chuyên mục