Giữ bản sắc giúp chúng ta đi xa

Đạo diễn Lương Đình Dũng đã tự ví von mình một cách hài hước: “Tôi sẽ là một cô gái mặc áo đỏ đi giữa đám đông. Tôi tin sẽ gây sự chú ý của tất cả mọi người”. Và anh quan niệm, muốn đi được xa trong nghệ thuật, phải tìm ra bản sắc riêng nhưng vẫn đậm hồn cốt Việt Nam.

Đạo diễn Lương Đình Dũng đã tự ví von mình một cách hài hước: “Tôi sẽ là một cô gái mặc áo đỏ đi giữa đám đông. Tôi tin sẽ gây sự chú ý của tất cả mọi người”. Và anh quan niệm, muốn đi được xa trong nghệ thuật, phải tìm ra bản sắc riêng nhưng vẫn đậm hồn cốt Việt Nam.
  
1. Mở màn cho cuộc trò chuyện sau buổi công chiếu Cha cõng con tại TPHCM, đạo diễn Lương Đình Dũng đã tự bạch rất nhiều về đứa con mà anh ấp ủ suốt hơn 10 năm qua. “Tôi nhớ như in lời của người thầy đáng kính đã nói với mình: Nếu muốn tìm sự va chạm xác thịt trong phim sẽ chẳng có bởi nó chỉ là một câu chuyện đơn giản - những va chạm về tâm hồn. Có thể cách kể truyện phim sẽ tạo ra sự khó chịu với một bộ phận khán giả, nhưng đó là cách tôi lựa chọn đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Tôi, chỉ đơn giản muốn gửi gắm thông điệp bộ phim là ước mơ từ mặt đất hướng vọng lên bầu trời mà con người sẽ chẳng bao giờ chạm đến được”. 

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Trong câu chuyện của mình, anh không quên đề cập đến những người cha - những khán giả đã xem bộ phim với những cảm xúc khác nhau. Một người cha có con nhỏ bị ung thư đã khóc từ đầu đến cuối phim và rồi giật mình nhận ra, mình không còn sờ thấy, chạm thấy con của mình nữa. Số khác, người cha của những đứa trẻ khỏe mạnh, có thể về nhà họ mới khóc bởi khi ngoảnh lại, họ vẫn thấy thiên thần bé nhỏ ở bên.

Cha cõng con chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên được Lương Đình Dũng viết từ năm 1995. Anh bộc bạch: “Thời đó, ăn còn chưa đủ, lương công nhân có khi chỉ 100.000 đến 200.000 đồng, ai dám nghĩ đến chuyện làm phim. Bây giờ, khi phim đã hoàn thành, nhiều lúc tôi giật mình vì không nghĩ mình đã làm được nó. Thế nên, nếu 20 năm chưa làm xong một bộ phim, tôi nghĩ điều đó cũng chẳng có gì lạ”. 

Chi tiết gây ấn tượng mạnh nhất với bản thân đạo diễn trong Cha cõng con là ánh mắt của những đứa trẻ hướng lên bầu trời. Anh kể, ngày trước mẹ anh vẫn thường ngước mắt lên nhìn những chiếc máy bay và tự hỏi không biết cảm giác ở trên đó như thế nào. Vài năm sau mẹ mất và câu chuyện ấy vẫn cứ đeo bám anh. Thế nên, với anh ánh mắt của những đứa trẻ (và cả những người già) nhìn lên bầu trời lúc nào cũng trong trẻo. Không có gì lạ khi cái đẹp, cái buồn trong Cha cõng con đã được thực hiện thật tinh tế, trong veo tựa như giọt nước mắt.

2. 62 ngày quay phim chính thức trong tổng thời gian gần 80 ngày; hơn 70 bản dựng khác nhau để ra bản cuối cùng là những con số đầu tiên về Cha cõng con. Con số ấy cũng đủ để thuyết phục cho kinh phí 18 tỷ đồng mà nhiều người nghĩ nó được thổi phồng. Thực tế, trước khi tìm hiểu ngọn nguồn câu chuyện, người viết bài này cũng đặt ra hồ nghi: Với một bộ phim không quá nhiều bối cảnh, không cầu kỳ về mặt kỹ xảo, không diễn viên nổi tiếng..., liệu kinh phí ấy có đáng tin? Nhưng, đạo diễn đã đưa ra một câu trả lời đầy thuyết phục: Phàm càng muốn mọi thứ tự nhiên, chân thật, càng mất công và tốn kém.

Lấy ví dụ đơn giản, chỉ một cảnh quay hai cha con đuổi bắt nhau trên đồi cỏ may phất phơ trong ánh nắng vàng vọt đã mất mấy tháng trồng cỏ, chăm sóc và mỗi ngày, chỉ quay được đúng 15 phút vào thời điểm đẹp nhất. Một cảnh quay vài chục giây trên màn ảnh đã tiêu tốn vài ngày cho một ê kíp hàng trăm con người. “18 tỷ đồng đã là con số gạn lọc nhất có thể”, anh chia sẻ.   

Nhưng, hành trình để Cha cõng con lên màn ảnh rộng không dễ dàng đến vậy. Vì quá cầu toàn trong chọn bối cảnh, nhiều nhà sản xuất khuyên anh bỏ dự án vì phim sẽ rất dễ đổ bể. Năm 2013, trước khi quay một tuần, dự án phải tạm ngưng, anh nhập viện. “Tôi đã chọn cách tạm thời bỏ bằng việc làm một phim khác với kịch bản ít tiền hơn. Tuy nhiên, khi rời dự án được 1 - 2 tháng, tôi không thể nào thoát ra được và phải tìm mọi cách quay lại”.

Sự cầu toàn cũng là cách Lương Đình Dũng tự làm khó chính mình. Anh tự tay chọn từng tấm vải áo, những chiếc áo mưa, chiếc xe đạp... cho bộ phim. Việc tuyển lựa diễn viên còn khó hơn nhiều, khi đa phần các em nhỏ trong phim đến từ các làng trẻ mồ côi. Một điểm khá thú vị, trong dàn diễn viên nhí tham gia trong phim có 2 em nhỏ bị ung thư thật. Anh tâm sự: “Khi phim hoàn thành, người cha của hai em có nói các cháu cùng phòng đã mất hết rồi, chỉ còn lại 2 cháu. Với tôi đó là niềm hạnh phúc quá lớn”. Và có một hạnh phúc cũng lớn lao không kém, khán giả nước ngoài xem xong phim đã cảm nhận được sự trong trẻo của vùng đất Việt Nam, không một chút nhếch nhác.

3. Cha cõng con bắt đầu hành trình chinh phục khán giả trong nước từ ngày 5-4, trong khi đạo diễn Lương Đình Dũng vẫn tiếp tục cùng phim rong ruổi tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế khác nhau. Anh khoe tại Liên hoan phim quốc tế Milano lần thứ 17 sắp tới, phim được 6 đề cử các hạng mục quan trọng, từ đạo diễn, diễn viên, kịch bản, quay phim...

Song hành cùng Cha cõng con, anh cũng đang ấp ủ hai dự án khác nhau. Phim độc lập Thành phố ngủ gật với kinh phí chưa đến 2 tỷ đồng sẽ là dự án nơi anh thực hiện cuộc chơi sắc màu với tâm niệm giải thoát bản thân bằng cách sáng tạo. Anh thẳng thắn chia sẻ, làm bộ phim với mục đích chính để đi thi.

Nhưng, trên tất thảy anh đang dồn mình vào dự án 578 sẽ được bấm máy vào cuối 2017 hoặc đầu 2018, với câu chuyện về người đàn ông hơn 50 tuổi trên hành trình đi tìm kẻ ấu dâm đứa con 6 tuổi của mình. Lương Đình Dũng cho hay, phim có thể được đầu tư kinh phí gấp 2 - 3 lần so với Cha cõng con. Anh cũng thẳng thắn: “Tôi nghĩ mình sẽ không thể nào bằng Hollywood nên đừng mơ tưởng vội vàng dù trong tương lai chúng ta có khả năng. Nếu bắt chước cách làm phim, chúng ta chỉ đi loanh quanh, do đó cần tìm ra bản sắc riêng, mang phong cách Việt, mới có thể đi xa”.

Lương Đình Dũng thừa nhận, anh đã cháy hết mình, không một chút nuối tiếc hay hối hận. Nhưng, niềm tự hào với anh không đến từ việc tham gia các liên hoan phim quốc tế lớn nhỏ, mà là: “Lần thứ 3 tôi bật khóc vì phim đó là khi người thầy nói với mình: Xin rửa tay, rửa mặt để xem phim thêm một lần nữa bằng sự kính trọng”.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục