Giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa: Người trẻ phải tiên phong từ việc nhỏ nhất

Mạng xã hội ngày càng đi sâu vào cuộc sống của thanh niên, cùng với mặt tích cực, mạng xã hội cũng là môi trường thuận lợi để thông tin xấu, độc, gây hại ngày càng phát triển. Thực trạng về văn hóa ứng xử trong nhà trường, nơi làm việc, giữa học sinh với thầy cô, giữa phụ huynh với giáo viên… đang là vấn đề nóng.
Đó là cũng là những gì được nêu ra tại tọa đàm “Văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp cùng Thành Đoàn TNCS TPHCM tổ chức ngày 29-3, với sự chủ trì của các đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TNCS TPHCM. 
Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất
TS Đào Minh Hồng, nguyên Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH - NV TPHCM cho rằng, tâm lý người phương Đông nói chung là “chỉ tuân thủ khi bị trừng phạt”.
Theo tiến sĩ, rất cần thiết xây dựng bộ quy tắc ứng xử nơi không gian công cộng của từng đơn vị như trường đại học, công viên, nhà hát, trạm xe buýt, siêu thị, bệnh viện… Điều này sẽ giúp hình thành những thói quen tốt và hành vi ứng xử văn minh, nhất trong giới trẻ.
“Đại học Tôn Đức Thắng quy định các sinh viên khi vào thang máy thì không đeo balô sau lưng mà phải xách tay, tránh chiếm không gian của người khác. Sinh viên vi phạm 3 lần bị xử lý. Tôi cho rằng, những quy định như thế cần duy trì thường xuyên, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”, Tiến sĩ Minh Hồng nói.
Một hình ảnh chúng ta vẫn thường thấy trong các quán cà phê, quán kem vỉa hè là nhiều học sinh, sinh viên chân gác lên bàn, miệng phì phèo thuốc lá. Các bạn vô tư nói cười ầm ĩ, buông những lời bình phẩm rất khó nghe, thậm chí còn văng tục, chửi thề, bất chấp mọi người xung quanh.
Những điều tưởng chừng như rất đơn giản, như nhường chỗ cho người già, phụ nữ mang thai trên xe buýt, xếp hàng nơi bến xe, siêu thị… nhưng không phải bạn trẻ nào cũng làm được.
Giữ gìn, phát huy lối sống văn hóa: Người trẻ phải tiên phong từ việc nhỏ nhất ảnh 1 Chiến dịch Mùa hè xanh là một nét đẹp văn hóa của thanh niên thành phố. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Chúng ta cần điều chỉnh các bạn trẻ, gốc rễ là từ nền tảng gia đình. Cha mẹ làm gương cho con cái, người lớn làm gương cho người nhỏ. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng cần vào cuộc, xây dựng các chương trình thực tế về vấn đề văn hóa và ứng xử văn hóa. Hãy ghi nhận và khích lệ những mặt tích cực, để cái hay, cái đẹp lan tỏa trong các bạn trẻ, trong xã hội”, thạc sĩ Lê Như Ngọc Mai - giảng viên Nhạc viện TPHCM, bày tỏ. 
Theo nhà văn trẻ Phương Huyền, việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng của một bộ phận bạn trẻ hiện nay là câu chuyện đáng buồn mà thời gian qua báo chí phản ánh rất nhiều. “Nhiều bạn trẻ rất thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường. Chúng ta đang đối xử với môi trường một cách rất thô bạo... Tôi ấn tượng với xứ sở và con người Nhật Bản. Họ không để quá nhiều thùng rác, nhưng đường phố lại không hề có rác. Từ người lớn đến trẻ con, khi ra ngoài đều mang theo túi đựng rác. Họ để trong xe, trong balô, túi xách, thậm chí là trong… túi áo. Cuối ngày, họ mang rác về nhà, phân loại vào các thùng rác để sẵn. Chúng ta nên học tập họ”, Phương Huyền chia sẻ. 
Ứng xử văn hóa cần nhân nghĩa và văn minh 
Nhiều giải pháp, ý tưởng đã được các bạn trẻ chia sẻ tại tọa đàm nhằm xây dựng và lan tỏa hơn nữa nét đẹp ứng xử của người trẻ nơi công cộng. Như việc cần thêm nhiều chương trình định hướng văn hóa ứng xử cho thanh niên thay cho game show giải trí vô bổ; dùng mạng xã hội để chia sẻ những hành động đẹp, gương tốt để các bạn trẻ học tập; cần có quy tắc ứng xử, chế tài và xử phạt nghiêm khắc để tạo những thói quen tốt, hình thành nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh.
Tất cả nhằm tạo môi trường giúp những người trẻ hôm nay - đội ngũ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên được trao đổi, bàn bạc sâu hơn về các vấn đề văn hóa trong giới trẻ, từ đó đề xuất ý kiến, giải pháp trong việc định hướng suy nghĩ và cách làm đúng trong việc thực hiện các chuẩn mực hành vi ứng xử văn hóa.  
“Còn hay không những nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của người Việt, như văn hóa xếp hàng, văn hóa khi tham gia giao thông? Tôi nghĩ là có. Hàng ngàn bạn trẻ xếp hàng để giao lưu, xin chữ ký nhà văn Nguyễn Nhật Ánh tại hội sách mới đây, hàng chục ngàn bạn trẻ rồng rắn mấy cây số suốt 4 mặt cổng sân vận động Thống Nhất để giao lưu với đội tuyển U.23 Việt Nam mà vẫn trật tự. Vấn đề là chúng ta có quy tắc hướng dẫn, có định hướng”, nhà báo Nguyễn Trần Ngọc Tuyết của Trang tin điện tử Đảng bộ TPHCM khẳng định.  
Tổng kết tọa đàm, đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nhìn nhận: “Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, có thể thấy sự phát triển về văn hóa của chúng ta chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật. Dân số TP phát triển nhanh, vừa là thuận lợi cũng vừa tạo ra nhiều thách thức. Tập quán, thói quen sinh sống, ứng xử của nhiều thành phần, từ các vùng miền tựu về TP, tạo ra sự khác biệt không nhỏ trong đời sống cư dân. Tuy nhiên, dù ở vùng miền nào thì cái gốc văn hóa vẫn phải là người Việt Nam, ứng xử vẫn phải nhân nghĩa và văn minh. Những biểu hiện thiếu văn hóa như xả rác, nói tục chửi thề, không xếp hàng… phải ngày càng ít đi. Bắt đầu từ những việc nghe tưởng chừng rất nhỏ, tôi kêu gọi đội ngũ những người trẻ phải tiên phong, nêu gương, mạnh dạn chấn chỉnh và phải coi đó là việc nhất thiết phải làm”.
Trước khi diễn ra tọa đàm, theo một khảo sát từ hơn 700 bạn trẻ, Thành Đoàn TNCS TPHCM đưa ra kết quả, có 4 hành vi ứng xử không phù hợp đứng đầu trong nhận định của thanh niên TP, đó là: xả rác bừa bãi nơi công cộng; văng tục, chửi thề nơi công cộng; chen lấn, xô đẩy khi tham gia các dịch vụ công cộng và viết bậy, bôi bẩn các công trình công cộng. 

Tin cùng chuyên mục