Giữ lại mỹ tục Vân Kiều cổ xưa

Chiếc tẩu đựng lửa của người Vân Kiều do bà Hồ Thị Con ở bản Bến Đường (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đạt độ tinh xảo lạ kỳ. Nó làm bằng đất sét không vương một hạt cát.

Sự cầu kỳ truyền nhiều đời đã làm cho người Vân Kiều ở Quảng Bình, Quảng Trị và người Vân Kiều ở Lào mến phục tài năng có một không hai này.

Ku Tẻ xa xưa

Ku Tẻ trong tiếng của người Vân Kiều có nghĩa là thần đất. Nhân sinh quan của anh em Vân Kiều xem Ku Tẻ là vị thần cho sinh sôi cây rừng, hoa lá, giống quả, giúp con người sinh tồn, giúp động vật sinh sống, giúp nước chảy trong dòng sông. Nhưng với phụ nữ Vân Kiều, đất không chỉ có vậy, nó còn giữ được lửa, tạo ra năng lượng cố kết giữa đàn ông và đàn bà, giữa người lớn và trẻ thơ, giữ gìn hơi ấm, tạo ra vật nấu chín giữa núi rừng giá lạnh sương giăng.

Vật dụng ấy phải do bàn tay người phụ nữ Vân Kiều làm ra, vì đất sét mềm mại, nặn ra vật dụng giữ lửa bén duyên với bàn tay mềm mại.

Bà Hồ Thị Con kể: “Phải là phụ nữ mới làm được cái vật đựng lửa này. Đàn ông đi săn bắn nhanh trong rừng, phụ nữ làm cái đựng lửa phải đẹp mới vừa xứng. Ngày xưa cha mẹ truyền đạt như vậy”.

Giữ lại mỹ tục Vân Kiều cổ xưa ảnh 1 Những sản phẩm Ku Tẻ của bà Con
Vật dụng ấy theo tiếng Vân Kiều là Ku Tẻ. Cái ống tẩu trứ danh với phụ nữ Vân Kiều. Họ dùng lá thuốc giữ lửa trong ống tẩu.

Bà Con kể rằng: “Đi rừng phụ nữ lấy lá thuốc rừng hay lá thuốc trồng được mang theo mình. Dùng ống tre nhỏ, nhét vào ống tẩu bằng đất, ngậm vào miệng cho khói lưu thông. Trời nắng thì cho ít khói, trời mưa mùa đông, giá lạnh sương núi thì kéo hơi dài hơn, lửa từ lá thuốc giữ ấm ống điếu, tỏa ra, tạo hơi ấm, đuổi muỗi, đuổi vắt sên, đuổi thú dữ. Trong nhà người Vân Kiều, bếp lửa rất quan trọng. Ngày xưa không có bật lửa, bếp lửa giữ mãi bằng củi, khi hết củi thì lửa tàn, khi mưa gió thì lửa tắt. Chỉ còn cái Ku Tẻ do người phụ nữ chịu khó giữ lại mà thắp lửa cho cả bản, nấu chính thức ăn, mọi người sưởi ấm. Vậy nên Ku Tẻ hồi ấy như là vị thần hộ mệnh, ai cũng quý”.

Người cuối cùng được Giàng truyền nghề

Theo bà Con, ngày xưa chốn nào có người Vân Kiều sinh sống thì chốn đó có người làm Ku Tẻ giữ lửa, nhưng duyên phận làm ống tẩu ấy thật kỳ công và phải khéo tay. Không phải người phụ nữ nào cũng làm được, phải được truyền đạt từng ngày, có trí thông minh, kiên nhẫn, chịu khó học hỏi mới có thể lành nghề. Vì nó khó để tạo ra nên người biết làm Ku Tẻ ngày mỗi mai một dần và nay người Vân Kiều ở Quảng Bình, Quảng Trị hay Vân Kiều ở Lào đều dựa vào sản phẩm Ku Tẻ của bà Hồ Thị Con.

Bà Con cho biết năm 16 tuổi được mẹ chọn xin Giàng truyền lại nghề làm Ku Tẻ vì sự thông minh, khéo léo, nhẫn nại của bà. Ku Tẻ có miệng đựng lá thuốc, cái cổ chim và đoạn ống giữ hơi. Từ miệng Ku Tẻ đến cổ chim và đoạn ống giữ hơi phải có lỗ thông thẳng nhau gần như tuyệt đối để lá thuốc ấm, đường hơi ngọt và lửa được ủ vừa đủ, không nóng quá, và không lạnh quá đến mức bị tắt.

Giữ lại mỹ tục Vân Kiều cổ xưa ảnh 2 Ku Tẻ sau khi hoàn thành
“Ba năm đầu tiên làm quen với đất sét, tôi theo mẹ đi lấy đất sét cách nhà 70km. Mỏ đất sét đó không dính bất cứ tạp chất gì, không có một hạt cát nên  phù hợp với làm Ku Tẻ. Ngâm nước vừa đủ, nhưng đất sét này rất dẻo, nó dính vào tay, khó làm lắm. Mất cả ngàn ngày mình mới hiểu được đất sét, bắt đầu uốn đường cong, khoét lỗ. Cái đầu tiên làm được, mẹ mình cúng trình Giàng, báo cáo con gái đã có sản phẩm từ học tập của tổ tiên truyền lại, rồi dần dần mà thành thạo. Ngày mẹ mình mất, trối lại phải giữ được cái nghề làm Ku Tẻ vì đó là điều đẹp đẽ mà phụ nữ Vân Kiều nhiều nơi đã quên, bà Con nói.

Quy trình làm cái Ku Tẻ rất phức tạp, từ chọn đất rất xa, đến ngâm nước, ủ đất. Khi làm phải uốn nắn làm sao đất sét đừng rạn nứt chân chim mà phải láng bóng. Phơi khô sau đó bỏ trấu ngún lửa, vùi cái Ku Tẻ vào. Cứ hai giờ bà Con lại đảo một lần, chừng nào màu đất của ống Ku Tẻ lên đen như màu đồng là đã chín để giữ lửa. Bà Con kể: “Ngày nào tốt lắm chỉ làm được 2 cái, bây giờ mỗi năm họ đặt chừng 100 cái, cái nhỏ thì 20.000 đồng, cái to thì 30.000 đồng. Nay có đồ điện, bếp ga, bật lửa giữ lửa tốt hơn nên người cần Ku Tẻ ngày mỗi ít đi”.

Bà Con lo lắng, con cái không đứa nào theo bà để làm Ku Tẻ, chỉ có em gái cũng đã già, còn bà đã 60 tuổi. Tuy tuổi cao nhưng bà làm những hoa văn trên Ku Tẻ thật tài tình mà không cần mang kính. Bộ đồ nghề của bà là xương lợn rừng từ mấy trăm năm trước truyền lại gồm khuôn ra điếu, xương tạo hình và cái vuốt cổ chim cùng cái gân lá thuốc dùng tạo đường hơi giữ lửa. Vật thứ 5 để tạo các đường rãnh như hoa văn Vân Kiều trên Ku Tẻ là một đồng bạc Đông Dương rất cổ do mẹ của bà truyền lại. Bộ đồ nghề đơn giản, nhưng nó là vật gia truyền với bà Hồ Thị Con.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Trường Sơn, Nguyễn Văn Tráng, cho biết: “Bà Con đau đáu muốn gặp ai đó chính tông Vân Kiều để giữ nghề, truyền lại cái mỹ tục đẹp đẽ của phụ nữ từng giữa lửa trên đại ngàn này từ hàng vạn đời nay. Cả vùng Vân Kiều rộng lớn thế mà nay chỉ còn một người biết làm Ku Tẻ ở tuổi 60 là quá quý hiếm, một cá nhân cuối cùng của văn hóa Vân Kiều chốn này. Mai kia khi bà mất thì sự tài hoa về Ku Tẻ chắc cũng khuất dần sau đỉnh núi. Chắc bà là truyền nhân cuối cùng của cách giữ lửa đầy bản địa như thế”.

Tin cùng chuyên mục