Giữa tháng 9 sẽ công bố kết luận thanh tra về dự án Khu đô thị Thủ Thiêm

Ông Bùi Ngọc Lam Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho hay, TTCP đã kết thúc thanh tra vào ngày 11-7, đã lấy ý kiến các bộ ngành, TPHCM và hiện đã có kết luận thanh tra. Giữa tháng 9 TTCP sẽ công bố kết luận thanh tra.
Họp báo Chính phủ
Họp báo Chính phủ

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 30-8 do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì, đại diện các bộ ngành đã trả lời nhiều vấn đề mà dư luận đang quan tâm.

Giữa tháng 9: Công bố kết luận thanh tra về dự án Khu đô thị Thủ Thiêm

Trả lời về kết quả thanh tra dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (TPHCM), ông Bùi Ngọc Lam Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho hay, TTCP đã kết thúc thanh tra vào ngày 11-7, đã lấy ý kiến các bộ ngành, TPHCM và hiện đã có kết luận thanh tra. Giữa tháng 9 TTCP sẽ công bố kết luận thanh tra.

Trước đó, hồi tháng 5-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao TTCP rà soát, làm rõ các nội dung khiếu nại của người dân Thủ Thiêm về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. TTCP phải báo cáo kết quả trước ngày 15-7.

Sẽ công bố kết quả rà soát việc kiểm tra Con Cưng

Báo chí cũng chất vấn về vụ việc Công ty CP Con Cưng (Con Cưng). Về vụ này, vừa qua, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (389) đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban 389 quốc gia.

Theo đó, cơ quan thường trực Ban 389 đánh giá vụ việc xảy ra tại siêu thị Con Cưng là vi phạm hành chính với một số vi phạm không nghiêm trọng, thể hiện qua số lượng hàng hóa vi phạm ít, giá trị hàng hóa vi phạm nhỏ và mức tiền xử phạt theo quy định thấp; chủ yếu vi phạm về hành vi ghi nhãn mác hàng hóa; không có hành vi kinh doanh giả mạo xuất xứ, hàng không rõ nguồn gốc.

Tại cuộc họp báo, báo chí chất vấn:  vậy khi đã có đánh giá Con Cưng không có hành vi kinh doanh giả mạo xuất xứ, hàng không rõ nguồn gốc… thì thiệt hại của doanh nghiệp ai chịu trách nhiệm?

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời, Cục quản lý thị trường của Bộ Công thương đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra Con Cưng từ ngày 30-7 đến ngày 10-8. Đoàn đã có báo cáo cụ thể. Theo đó, Con Cưng có một số vi phạm về nhãn mãn hàng hóa, thương mại điện tử, quảng cáo hàng hóa và đã tiến hành xử lý, yêu cầu khắc phục.

Theo ông Hải, việc kiểm tra của quản lý thị trường tại doanh nghiệp này thực hiện theo đúng nhiệm vụ, thẩm quyền được giao trong chấp hành pháp luật kinh doanh.

"Đây là công việc được thực hiện thường xuyên trên địa bàn cả nước, với tất cả các loại hình doanh nghiệp, hàng hoá; yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo nghiêm minh, đúng quy trình, quy định và không gây phiền nhiễu, làm ảnh hưởng tới doanh nghiệp", ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Vì thế, sau có kết luận kiểm tra tại Con Cưng thì Bộ Công thương cũng quyết định thành lập Tổ đánh giá lại quy trình kiểm tra của quản lý thị trường, đánh giá hành vi của từng cán bộ, rà soát hoạt động của Tổ công tác 334. Hết tháng 8 sẽ có kết luận chính thức và Bộ sẽ công khai.
“Chúng tôi làm chi tiết, cẩn thận và đánh giá cụ thể vi phạm nếu có của thành viên đoàn kiểm tra", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Sẽ xem xét thí điểm hợp nhất một số cơ quan

Về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Chính phủ theo Nghị quyết TƯ Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, ông Mai Tiến Dũng cho hay, trên cơ sở Luật Tổ chức Chính phủ, tới đây Nghị định Chính phủ sẽ xem xét thí điểm như hợp nhất một số cơ quan, như Sở GT-VT và Sở Xây dựng; hợp nhất cơ quan thanh tra của Đảng và Thanh tra Nhà nước.

"Hiện các cơ quan chức năng và Bộ Nội vụ đang tiến hành xem xét, nghiên cứu cụ thể, sau đó sẽ tổ chức thí điểm, không làm nóng vội nhưng những cái gì có thể làm được ngay thì tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư là phải làm ngay. Về luật pháp, trong thực tiễn tổ chức chúng ta đang vướng về luật pháp hoặc các văn bản điều chỉnh chưa hợp lý hoặc trong quá trình thực hiện chúng ta chưa có pháp luật. Tinh thần của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng là cho thí điểm. Đây là việc rất cần có sự tham gia của cả bộ máy chính trị với sự quyết tâm cao, quyết liệt để sắp xếp và tinh giản bộ máy" - ông Dũng cho hay.
Trong đó, Bộ Công an đã tiên phong đi đầu trong việc này, đã sắp xếp hàng loạt các cụ, vụ cục, tinh giản hơn 1.000 phòng thuộc các cục, các vụ thuộc Bộ Công an. 

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, lộ trình sáp nhập, cụ thể hóa của việc sáp nhập ra sao sau này sẽ được tính toán, kể cả trên cơ sở đề xuất của các địa phương. Ví dụ hợp nhất cơ quan thanh tra của Đảng và Thanh tra Nhà nước có thể sẽ chỉ còn 1 con dấu, 1 thủ trưởng; khi thanh tra Đảng thì áp dụng quy định của Đảng, khi thanh tra Nhà nước thì áp dụng luật về thanh tra. “Tinh thần chung là như vậy nhưng cụ thể sẽ tính toán”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Tổ chức giải đua xe Công thức 1 ở Việt Nam: Phải xã hội hóa hoàn toàn

Trả lời về việc cấp phép cho giải đua công thức 1, khi mà vừa qua TP Hà Nội muốn đưa giải đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) về Việt Nam, ông Mai Tiến Dũng cho biết, theo Luật Thể dục Thể thao năm 2003 thì thẩm quyền việc này thuộc về Thủ tướng, nhưng Luật Thể dục Thể thao sửa đổi bổ sung có hiệu lực 1-1-2019, thẩm quyền cấp phép thuộc Chủ tịch tỉnh, thành. Luật cho phép chúng ta tổ chức thể thao quốc tế, đua xe công thức 1 là một nội dung. Sau khi có ý kiến của UBND TP Hà Nội, Thành uỷ Hà Nội, Thủ tướng giao cho Bộ VHTT&DL, Bộ KH&ĐT và các bộ cho ý kiến, xem xét, đánh giá tác động, đặc biệt là dân cư xung quanh nơi diễn ra đua xe F1.

Đầu tiên TP Hà Nội đưa ra phương án tổ chức đua tại xung quanh hồ Hoàn Kiếm và một số tuyến đường gần đó. Tuy nhiên, sau khi có ý kiến của các bộ và tính toán thì không đạt yêu cầu và chi phí rất lớn. Sau đó, Hà Nội báo cáo phương án tổ chức điểm đua ở khu trung tâm thể thao Mỹ Đình, địa điểm đã đồng bộ hạ tầng, tuyến đường có sẵn. Tinh thần là chúng ta xã hội hoá toàn bộ, không dùng ngân sách 

“Doanh nghiệp đầu tư thì có thể được thu phí để bù lại. Giải đua này quốc tế tổ chức nhiều, nhân dân quan tâm. Hà Nội khi lấy ý kiến của tất cả người dân ở những nơi có thể tổ chức các vòng đua thì người dân đều ủng hộ cao, cho rằng nên tổ chức các giải đua thể thao quốc tế để thu hút khách du lịch, tạo nét mới cho Hà Nội, với tinh thần xã hội hoàn toàn”, ông Mai Tiến Dũng cho hay.
Việc này hiện nay mới chỉ dừng ở Chính phủ có chủ trương cho phép Hà Nội tổ chức, còn quá trình đàm phán như thế nào, tổ chức ra sao để bảo đảm an toàn tuyệt đối... thì Hà Nội vẫn đang tiến hành.
Về vụ án gian lận thi cử ở Sơn La

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết,  hiện nay cơ quan công an Sơn La đang làm rất tích cực.

“Nếu trong quá trình làm mà thấy có dấu hiệu không ổn thì rút về Bộ Công an làm, tuy nhiên báo cáo cách đây 3 ngày của công an tỉnh Sơn La cho thấy đúng thẩm quyền,  đúng quy trình. Bộ Công an thường xuyên chỉ đạo vụ này, khi có kết luận cơ quan công an sẽ công bố công khai”, ông Bùi Văn Nam nhấn mạnh.

Hiện vụ án này đã khởi tố 6 bị can.

Tin cùng chuyên mục