Giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời

Tại quận 8, TPHCM, trung bình mỗi năm có 200 - 250 người hồi gia, chấp hành xong án phạt tù. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ về tinh thần, điều kiện sinh kế, định hướng lối sống… của chính quyền, công an, mặt trận, đoàn thể địa phương, 5 năm qua ở quận 8 có hơn 1.000 người hồi gia không tái phạm, trở thành công dân có ích cho xã hội. 

Vượt qua quá khứ

6 giờ sáng, cửa hàng hoa tươi Mai Long (đối diện cổng chợ Rạch Ông, phường 2, quận 8) có đông người mua. Bên trong cửa hàng, anh Mai Thanh Long (48 tuổi) tất bật chuyển hoa trong nhà ra ngoài, cắm hoa, thỉnh thoảng còn phụ giúp vợ tính tiền cho khách. Nhìn đôi tay thoăn thoắt, khuôn mặt luôn cười tươi của anh Long, ít ai nghĩ rằng người đàn ông này từng có một quá khứ lầm lỗi.

Quận 8, vào thời điểm năm 2010 trở về trước, nhức nhối với nạn tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy. Nói đến Long “ruồi” (Mai Thanh Long), gần như dân chơi, mua bán ma túy ở quận 8 và vùng lân cận, không ai không biết. Long không chỉ là con nghiện, tay “anh chị” có nhiều đàn em, mà còn là đầu nậu mua bán ma túy có tiếng ở khu vực cầu Hiệp Ân, cầu Nhị Thiên Đường, ngã tư quốc tế... 

Cuối năm 2007, trong một lần giao ma túy, Long bị cảnh sát phát hiện, bắt giữ. Chấp hành xong án phạt tù, về nhà, Long ít khi ra ngoài giao tiếp; ngược lại rất hung hăng, lớn tiếng mỗi khi có người nhắc đến mình.

“Lúc đó tôi mặc cảm lắm! Tiền bạc không có, công việc cũng không, đâm ra buồn chán, lắm lúc định quay lại đường cũ”, Long kể. Nhưng rồi, mỗi ngày trôi qua, thấy gia đình, bà con, hàng xóm vui vẻ, hòa đồng, Long thấy mình được gần gũi hơn, anh chia sẻ: “Đặc biệt, có anh cảnh sát khu vực và chú trưởng khu phố thường xuyên tới nhà động viên, chia sẻ cách sống, định hướng cách làm ăn, dần dần tôi vượt qua mặc cảm, tự ti và sống hòa nhập, tu chí làm ăn”.

Được gia đình, địa phương hỗ trợ và cho vay vốn, anh Long cùng vợ mở shop kinh doanh hoa tươi. Giờ đây, thu nhập mỗi tháng từ shop hoa được hơn 25 triệu đồng. 

Giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời ảnh 1 Từ một người lầm lỡ, nhờ phấn đấu trong cuộc sống, giờ đây anh Mai Thanh Long là chủ một shop hoa với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng
Ở phường 7 (quận 8), anh Phạm Thế Tiến (40 tuổi) không chỉ bỏ lại quá khứ u tối để trở thành công dân tốt mà còn làm kinh tế giỏi tại địa phương. Năm 2017, chấp hành xong án phạt tù, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền, công an địa phương, anh Tiến mua 2 máy may cùng vợ gia công quần áo. Có thu nhập, anh mua thêm máy và thuê người làm. Đến nay, cơ sở may gia công của anh Tiến có gần 20 thợ, mang về nguồn thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng. Chia sẻ hành trình làm lại cuộc đời của mình, anh Tiến tâm sự: “Vợ tôi và các cô chú, anh chị công an, đoàn thể địa phương chính là những người đã cho tôi niềm tin. Họ như chiếc phao cứu sinh, nếu không có họ, cuộc đời tôi giờ không biết đã trôi về đâu”.   

“Người vượt qua lầm lỡ giúp người lầm lỡ”

Ông Mai Hồng Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 8, cho biết anh Long và anh Tiến là 2 trong số hơn 1.000 người lầm lỗi ở quận 8 sau khi hồi gia, đã tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm và có cuộc sống tốt trong vòng 5 năm qua. Kết quả này có được một phần nhờ sự nỗ lực, vượt qua bản thân, ý thức tốt của chính những người lầm lỗi. Mặt khác, chính quyền, công an, mặt trận, đoàn thể các cấp ở quận 8 đã làm tốt công tác chăm lo, hỗ trợ người hồi gia. Ngoài việc hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế (máy may, xe bánh mì, xe máy…), đào tạo nghề, địa phương cũng thường xuyên tiếp cận người hồi gia để động viên, tạo sự gần gũi; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và có phương án tháo gỡ ngay. 

Theo ông Mai Hồng Phong, giải pháp được quận 8 thực hiện hiệu quả trong công tác chăm lo người hồi gia thời gian qua là nhờ “người vượt qua lầm lỡ giúp lại người lầm lỡ”. “Tiếp xúc với người mới ra tù hay vừa từ cơ sở cai nghiện trở về đã khó, thì việc vận động, nói chuyện để họ thấu hiểu, nghe và làm theo còn khó hơn. Hiểu được điều này, khi tiếp cận người mới hồi gia, cán bộ thường nhờ người đã vượt qua lầm lỡ đi cùng. Qua những chia sẻ, động viên, những mẫu chuyện vượt qua bản thân, hành trình làm lại cuộc đời của những người đã từng lầm lỡ, người hồi gia thấm dần và thực hiện theo”, ông Mai Hồng Phong kể.  

Trung tá Huỳnh Quang Thiện, Phó đội trưởng Đội Xây dựng phong trào và bảo vệ dân phố (Công an quận 8), cho biết, để tạo sự gắn kết với người hồi gia, giúp họ hòa nhập bền vững vươn lên trong cuộc sống, công an, chính quyền địa phương thành lập các câu lạc bộ, tạo điều kiện cho người hồi gia, người từng lầm lỡ được chia sẻ, học tập cách sống, cách ứng xử trong gia đình, ngoài xã hội, cũng như tiếp cận những mô hình làm kinh tế hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục