Công ty cổ phần May Đồng Nai

Giúp nông dân “Ly nông bất ly hương”

Giúp nông dân “Ly nông bất ly hương”

Vào ngày 7-7-2007, tại thị trấn Định Quán, tỉnh Đồng Nai, Công ty cổ phần May Đồng Nai (Donagamex) đã chính thức khánh thành đưa vào hoạt động Công ty May Định Quán. Trong dịp này, Donagamex cũng long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng cho tập thể CBCNV công ty, vì đã có những thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, và có những đóng góp cho các công tác xã hội trong suốt quá trình hình thành và phát triển.

Giúp nông dân “Ly nông bất ly hương” ảnh 1

Khu vực kiểm vải trước khi đưa vào sản xuất của Donagamex. Ảnh: T.L.

Công ty May Định Quán được thành lập đã được UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá cao vì đây là nhà máy nằm trong khu vực vùng sâu vùng xa của tỉnh. Nhà máy này được xây dựng theo hướng tăng tốc phát triển ngành dệt may của Tập đoàn Dệt May Việt Nam và thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai về công nghiệp hóa, phát triển công nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, với chủ trương “Ly nông, chứ không ly hương”. Dự án Công ty May Định Quán có quy mô lớn với tổng dự toán trên 30 tỷ đồng, thiết bị sản xuất hiện đại, được nhập khẩu từ Nhật Bản, Đức, Đài Loan, Hồng Công. Hiện nay, công ty đã đầu tư trên 25 tỷ đồng xây dựng được 2 xí nghiệp, 1 xưởng cắt, 1 xưởng hoàn tất, giải quyết cho 800 lao động.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng Giám đốc Donagamex cho biết, từ năm 2001, thực hiện chủ trương sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Đảng và Nhà nước, Công ty May Đồng Nai đã chuyển đổi mô hình hoạt động thành công ty cổ phần với các chức năng kinh doanh là sản xuất, mua bán hàng may mặc các loại và mua bán các mặt hàng thiết bị phụ tùng ngành dệt may, giấy, bao bì giấy, bao bì nhựa, các nguyên liệu sản xuất nhựa…

Ông Kích nhớ lại, là một doanh nghiệp Nhà nước, trong những năm qua, để đẩy mạnh việc phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, từ năm 1998, Donagamex đã đầu tư cải tạo nâng cấp 4 xí nghiệp may tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Sau đó, Donagamex đã tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất xây dựng 2 xí nghiệp may tại phường Tam Hòa, TP Biên Hòa; khánh thành Khu công nghệ cao trong đó 3 xí nghiệp may với máy móc thiết bị hiện đại tại phường Trảng Dài, TP Biên Hòa và đến năm 2006, nhằm tăng năng lực, đón đầu cơ hội khi Việt Nam gia nhập WTO, Donagamex đã thực hiện dự án đầu tư mở rộng sản xuất thêm 2 xí nghiệp may, 1 xưởng cắt, 1 xưởng hoàn tất tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, việc mở rộng sản xuất không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Hiện nay, khi Việt Nam từng bước hội nhập vào nền kinh tế thế giới, tính cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn kể cả thị trường trong nước lẫn thị trường xuất khẩu, nhất là đối với ngành kinh doanh may mặc hàng thời trang, tình hình giá gia công năm sau luôn giảm hơn năm trước. Chi phí đầu vào liên tục tăng trong những năm qua như: giá điện, nước, xăng dầu, vận chuyển, chi phí cải thiện môi trường… Nguồn lao động ngày càng biến động, thiếu nguồn cung ứng tại chỗ và cạnh tranh sức lao động ngày càng cao, nhất là trong ngành dệt may với trên 80% là lao động nữ.

Chính vì điều này, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành dệt may phải có hướng đi phù hợp, có những chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực đảm bảo sản xuất, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nắm bắt được tình hình khó khăn trên, trong thời gian qua, Donagamex đã tập trung đầu tư phát triển mở rộng sản xuất với các thiết bị mới, hiện đại với công nghệ tiên tiến của các nước Nhật Bản, Đức, Đài Loan… Tập trung kinh doanh theo dạng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), giảm thiểu sản xuất hàng gia công và xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh công ty nhằm từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, nâng cao vị thế trên thương trường quốc tế.

Công tác đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực cũng được công ty rất chú trọng. Hàng năm, công ty đều tạo điều kiện cho CBCNV tham gia các lớp học, khóa học nâng cao kiến thức tay nghề và nghiệp vụ. Từ những việc này đã góp phần đưa năng suất sản xuất của công ty lên cao, các sản phẩm khi xuất xưởng đều đảm bảo chất lượng tạo được uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Kích cho biết thêm, trong xu thế hội nhập với nhiều cơ hội và thách thức về cạnh tranh gay gắt của ngành dệt may, cũng như yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đồng thời, để thực hiện chủ trương tăng tốc phát triển ngành dệt may của Tập đoàn Dệt May Việt Nam đến năm 2010 đưa Việt Nam trở thành một trong năm cường quốc xuất khẩu hàng dệt may trên thế giới. Từ nay đến cuối năm, Donagamex sẽ đầu tư khoảng 5 tỷ đồng cho việc đầu tư thiết bị để hoàn tất dự án với quy mô 1.200 lao động, nhằm đẩy mạnh việc sản xuất hàng bảo hộ lao động, áo sơ mi và quần xuất khẩu với sản lượng 3 triệu chiếc/năm, góp phần vào sự phát triển chung của toàn ngành và tăng doanh thu của công ty để đạt 400 tỷ đồng trong năm 2007 và tăng 500 tỷ đồng vào năm 2008.

PHƯỚC NGỌC

Tin cùng chuyên mục