Giúp việc ở Phi châu

Nhiều điều về châu Phi, nếu không chuyển đến Rwanda ở suốt 3 năm qua, tôi còn nghĩ chỉ tồn tại trên phim ảnh. Quanh chuyện cộng đồng người nước ngoài - expat thuê giúp việc địa phương đã là những thước phim bất tận.

Lúc mới theo chồng sang Rwanda làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, tôi thuê người địa phương chưa từng giúp việc cho gia đình expat nào trước đó. Nghĩa là tôi chấp nhận đào tạo cô giúp việc từ đầu. Cái vẻ sợ sệt, khép nép của cô khiến tôi rất cảm tình. Vào một ngày cuối tuần, tôi nhờ chồng (người Anh) chở ra chợ. Lần đầu cô giúp việc được đi xe riêng nên có vẻ bối rối. Vợ chồng tôi ra chỗ để xe, chồng mở cửa trước, còn tôi mở cốp xe để cô giúp việc cất túi, hộp mang theo đựng rau quả.

Đi chợ ở Rwanda phải mang theo túi đựng, đất nước này không dùng túi ni lông. Nghĩ để cô giúp việc xếp đồ xong sẽ tự đóng cốp, tôi lên xe ngồi trước. Bỗng nghe tiếng uỵch, cả xe rung chuyển. “Gì thế?”, vợ chồng hốt hoảng hỏi nhau rồi quay lại thì thấy cô giúp việc vừa đu người lên, đàng hoàng ngồi sau cốp xe (xe 7 chỗ nên khoang chứa đồ phía sau khá rộng). “Sao cô ngồi đấy? Vào ghế trong xe chứ”. Cô giúp việc bẽn lẽn: “Ơ, em không biết là mình cũng được phép ngồi lên ghế phía trước”.

Có những người giúp việc, từng làm cho tôi suốt 2 năm, vẫn mang đôi đũa cả để xới cơm đi nhóm bếp. Một cô khác, dù dặn kỹ, khi sửa soạn bàn ăn vẫn xếp cho mỗi người chỉ một chiếc đũa. Đành thông cảm thôi, vì họ không có văn hóa ăn bằng đũa.

Nhưng điều khiến tôi cảm thấy vui nhất, nếu thuê một người giúp việc, đồng nghĩa đã tạo cơ hội có nguồn thu nhập cho họ và cả gia đình họ. Không chỉ phụ nữ, nam giới cũng muốn giúp việc cho các gia đình người nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn họ chưa được đào tạo chuyên nghiệp. Cũng có những trung tâm dạy nghề, nhưng nhìn bức ảnh quảng cáo đến 6 cô đứng quanh giường chỉ để làm việc thay vỏ nệm và chăn gối, có vẻ không chuyên nghiệp rồi.

Nên có thể nói ở Rwanda, đào tạo nghề giúp việc chủ yếu phụ thuộc vào người thuê. Có người tiếp thu được, có người đành chịu, dù cả hai bên đều đã rất cố gắng. Nào chuyện các cô không thể lau nhà bằng cây lau; rồi có cô cứ rau là hầm nhừ, và món hầm nào cũng bỏ cà chua; các cô không có khái niệm an toàn, khi cần là ghé miệng dùng răng mở nắp chai xà bông rửa chén... Khi tôi đem chuyện này chia sẻ với những gia đình expat gốc Anh, Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Tây Ban Nha..., ai cũng thông cảm và chung quan điểm. Chúng tôi nói vui với nhau, người giúp việc có làm việc tốt hay không nhờ ở người chủ trước. Chủ nhà nào huấn luyện người giúp việc tốt, người thuê sau được hưởng. Ví dụ như có cô giúp việc từng ở với chủ nhà người Ấn, người thuê sau thường được dọn lên bàn những món cà ri tuyệt hảo.

Rồi tôi sinh con đầu lòng. Bắt đầu những đêm thiếu ngủ. Những lúc kiệt sức vì con quấy khóc, đau ốm. Cô giúp việc lấy chiếc khăn buộc lại thành địu, cõng con tôi sau lưng, vừa làm vừa hát ru thằng bé bằng ngôn ngữ và giai điệu dân gian. Nhìn con ngủ lịm đi trên lưng các cô giúp việc, cảm giác về sự nhẹ nhàng, bình an tràn ngập trong nhà tôi. Niềm vui từ những điều chân thật và giản đơn cũng tràn ngập trong lòng tôi. Hai cô giúp việc của tôi đang được hướng dẫn cách nấu phở, quấn chả giò, ngâm giá, làm tàu hủ. Mong rằng sau này khi gia đình tôi chuyển đi, các cô sẽ tự kiếm được việc và biết nấu nhiều món ăn ngon, trong đó có những món Việt ngon làm hài lòng người thuê mới.

Tin cùng chuyên mục