Gỡ khó cho ngành mía đường

Vùng ĐBSCL là nơi sản xuất mía chủ lực của cả nước, cung cấp hàng chục triệu tấn mía nguyên liệu mỗi năm cho các nhà máy chế biến đường, phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, gần đây giá mía và giá đường đều giảm mạnh khiến nông dân cùng nhà máy lâm vào cảnh khốn đốn. Tìm giải pháp vực dậy ngành mía đường đang là vấn đề cấp bách đặt ra… 
Nông dân Hậu Giang chăm sóc ruộng mía
Nông dân Hậu Giang chăm sóc ruộng mía
Doanh nghiệp và nông dân… cùng khó
Nhiều năm nay, huyện Cù Lao Dung được xem là “vương quốc mía” lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng; một thời mía đường giúp người dân có của ăn của để, vậy mà giờ đây cũng vì mía đường khiến nhiều hộ lâm nợ.
Ông Diệp Văn Tâm, ngụ xã An Thạnh 2 (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng), chua chát: “Gia đình tôi trồng mía nhiều năm. Cây mía là kinh tế chính nuôi sống cả nhà. Thế nhưng, vụ mía năm 2018 này thê thảm quá, giá mía về cuối vụ sụt giảm xuống mức 450 - 600 đồng/kg, cộng với chữ đường giảm khiến nông dân thiệt trăm bề. 10 công mía của gia đình tôi bán cho thương lái phải chịu lỗ khoảng 12 triệu đồng”.
Đồng cảnh ngộ, ông Đặng Văn Chí (xã An Thạnh 2) bộc bạch: “Ở xứ cù lao này đi đâu cũng thấy mía. Cây mía quá đỗi gần gũi, nhưng mấy năm nay bà con đâm ra “sợ mía”, bởi giá cả tệ hại và khó tiêu thụ. Điển hình như vụ mía 2017 - 2018 này, nông dân vất vả chăm sóc gần cả năm trời, nhưng tới kỳ thu hoạch phải chạy đi năn nỉ thương lái để bán với giá rẻ mạt với giá 450 đồng/kg”.
Theo ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, toàn huyện có khoảng 6.300ha mía nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy đường Sóc Trăng, Vị Thanh, Phụng Hiệp… Song năm 2018 này, giá mía quá thấp và thương lái chậm thu mua khiến nông dân từ hòa đến lỗ. Vụ mía đã đẩy nhiều hộ rơi vào cảnh khốn khó, thậm chí có hộ không đủ tiền trả nợ vật tư… 
Tại Trà Vinh, tình hình cũng tương tự. Ông Diệp Văn Châu, ngụ xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, ngao ngán: “Hồi năm 2016, hạn mặn diễn ra khốc liệt khiến hàng loạt cánh đồng mía ở các vùng gần biển chết la liệt, nông dân trắng tay. Năm nay mía giá rẻ bèo, cộng với nhà máy đường Trà Vinh chậm đưa vào hoạt động, thương lái hạn chế thu mua làm cho nông dân thiệt hại lớn”.
Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú nhìn nhận: “Hơn 4.000ha mía nguyên liệu của huyện vừa thu hoạch xong, đa phần nông dân thua lỗ. Có thể nói, sản xuất mía rất vất vả và kéo dài thời gian nhưng nông dân cứ lỗ hoài dẫn đến kiệt sức”. 
Trong khi đó, nông dân trồng mía ở Long An cũng rất thê thảm, bán giá thấp và còn bị Nhà máy đường Nivl nợ tiền mía gần cả trăm tỷ đồng. Những ngày qua, nhiều nông dân phải lấy đường từ nhà máy để “trừ nợ” tiền bán mía; sau đó mang đường đi bán rẻ cho các tiệm tạp hóa với giá khoảng 10.000 - 11.000 đồng/kg. 
Các nhà máy đường cũng rơi vào cảnh khốn khó, bởi giá thấp và tiêu thụ chậm do áp lực cạnh tranh từ nhiều phía. Nhiều nhà máy “ôm” lượng đường tồn kho rất lớn dẫn đến thiếu vốn hoạt động, không đủ tiền mua mía nguyên liệu, buộc phải cắt giảm thời gian sản xuất đường… 
Nhiều nơi phá bỏ ruộng mía
Trước thực trạng cây mía bấp bênh, càng trồng càng lỗ khiến nhiều nông dân ở ĐBSCL không còn tha thiết với mía, những ngày qua, nhiều ruộng mía ở Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Trà Vinh… đã bị phá bỏ, nhường chỗ cho cây trồng khác.
Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), cho hay: “Gần đây đã có 1.000ha đất mía bị nông dân ào ạt phá bỏ để nuôi tôm (400ha), trồng cây ăn trái (300ha), rau màu các loại (300ha)… Vì vậy, diện tích mía năm 2018 - 2019 tới đây chỉ còn khoảng 5.300ha. Như vậy, kế hoạch ổn định vùng mía nguyên liệu của huyện đến năm 2020 là 6.500ha coi như phá sản. Từ nay đến đó, nỗ lực lắm cũng chỉ duy trì được 3.500 - 4.000ha mía mà thôi”. 
Mới đây, Bộ NN-PTNT vừa ban hành quyết định phê duyệt đề án “Phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng năm 2030”. Mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững ngành mía đường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Từ nay đến năm 2020, cố gắng giữ diện tích mía cả nước khoảng 300.000ha, sản lượng mía cây 20 triệu tấn, sản xuất hơn 2 triệu tấn đường; đến năm 2030, nâng sản lượng mía lên 24 triệu tấn và tăng sản xuất đường lên 2,5 triệu tấn. Song song đó, tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất mía đường để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh và các sản phẩm khác, nhằm tăng giá trị của chuỗi sản xuất mía đường.
Ở các huyện Trà Cú và Tiểu Cần (Trà Vinh), nông dân cũng đang bỏ cây mía để trồng rau màu, nuôi thủy sản… Ông Bùi Thiết Côn, Bí thư Huyện ủy Tiểu Cần, nhìn nhận, toàn huyện hiện còn khoảng 470ha mía, giảm 200ha so với năm 2017. Do cây mía không có hiệu quả kinh tế như nhiều cây khác, nên huyện không “giữ” nữa, mà khuyến cáo bà con chuyển đổi sang các cây trồng khác một cách phù hợp, có lợi nhuận hơn. 
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho rằng: “Sau vụ mía 2018 này, gần 8.000ha mía ở các huyện Bến Lức, Thủ Thừa và Đức Hòa sẽ giảm mạnh, do nông dân đã quá mỏi mệt với loại cây này. Cái khó của Long An là hầu hết những nơi trồng mía thuộc loại đất bị nhiễm phèn, kém màu mỡ… Trước mắt, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp nông dân chuyển đổi sang cây chanh, bưởi, ổi…”.
Thống kê mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, vụ mía mới 2018 - 2019 ở tỉnh dao động khoảng 10.600ha (giảm hơn 150ha so vụ trước). Trước sự phập phồng lo lắng của nông dân trồng mía, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn sớm triển khai ký hợp đồng với nông dân; ngành chuyên môn tăng cường hỗ trợ nông dân kỹ thuật, chăm sóc, nhằm tăng năng suất, chất lượng mía, đảm bảo lợi nhuận… 
Theo ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco), doanh nghiệp hàng đầu trong ngành mía đường ở ĐBSCL và cả nước, cho biết: “Dù các nhà máy đường đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhất là số lượng đường tồn kho cao, giá bán thấp... Tuy nhiên, để đồng hành cùng nông dân trồng mía, hiện Casuco triển khai bao tiêu khoảng 1 triệu tấn mía ở ĐBSCL niên vụ mới 2018 - 2019... Nếu đến thời điểm thu hoạch giá mía tăng thì sẽ mua tăng, trường hợp giá mía giảm mạnh, Casuco vẫn mua đúng giá sàn 800 đồng/kg để nông dân không lỗ”.

Tin cùng chuyên mục