Gỡ vướng xây dựng trên đất nông nghiệp

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn nhận xét, hiện có tình trạng nơi phù hợp với sản xuất nông nghiệp thì lại quy hoạch phát triển đô thị. Còn nơi phù hợp phát triển đô thị thì “giữ” làm đất nông nghiệp. Đây là cái sai từ gốc, dẫn đến lãng phí trong việc sử dụng đất và gia tăng tình trạng xây dựng không phép.
Một trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: LÊ THOA
Một trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: LÊ THOA
Hướng dẫn xây dựng trên đất nông nghiệp
“Ở huyện Nhà Bè hiện có một số công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để phục vụ sản xuất rau sạch, rau hữu cơ nhưng chưa được cấp phép”, ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết như trên và nhìn nhận nguyên nhân là do huyện chưa được hướng dẫn cụ thể nên gặp lúng túng trước yêu cầu giải quyết cấp phép xây dựng trên đất nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Lưu, các phòng ban của huyện đang nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết; trong đó có lưu ý khi cấp phép sẽ xem xét đến quy mô, diện tích của công trình so với diện tích đất. Đương nhiên, huyện sẽ không xem xét chuyển mục đích sử dụng đất nếu không phù hợp với quy hoạch. 
Theo Sở Xây dựng,  trong 10 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TPHCM có 2.545 trường hợp vi phạm trong xây dựng, tăng 350 trường hợp so với cùng kỳ năm 2016 (tăng hơn 16%). Trong số này, xây dựng không phép chiếm gần 48%, còn lại là xây dựng sai phép (gần 37%) và các vi phạm khác. Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung kéo giảm vi phạm xây dựng. Một trong những yêu cầu quan trọng là vi phạm xây dựng phải được phát hiện kịp thời, xử lý đúng quy định và công khai kết quả xử lý. Đặc biệt, không để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, không bao che trong xử lý vi phạm.
Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn nhận xét, Quyết định 26/2017 của UBND TPHCM quy định một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn trên địa bàn TP, đã góp phần giải quyết phần nào vướng mắc cho các địa phương trong việc cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp có nhu cầu cấp phép xây dựng có thời hạn đều được giải quyết. Bởi việc cấp phép xây dựng, kể cả cấp phép tạm theo quyết định trên cũng phải phù hợp các quy định của Luật Xây dựng và các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Theo đó, căn cứ vào Luật Xây dựng 2014, Quyết định 26 chỉ quy định về quy mô và đối tượng được cấp phép xây dựng có thời hạn chứ không thể đưa quy định về việc cấp phép xây dựng các công trình trên đất trống không phù hợp quy hoạch (như Quyết định 27/2014 - PV). Nhưng để tránh lãng phí khi Nhà nước chưa thực hiện quy hoạch, Sở Xây dựng TP kiến nghị UBND TPHCM cho phép người dân được xây dựng công trình trên đất trống không phù hợp quy hoạch. Cụ thể, ở đất trống không phù hợp quy hoạch được xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng ngoài trời không có mái che (như sân thể thao, sân chơi, lắp đặt các thiết bị phục vụ thể thao) và các công trình phụ trợ (như nhà vệ sinh, căn tin, phòng thay đồ)...
“Rồi đến việc cấp phép xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp. Đây là nhu cầu có thật, nhất là ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn hay Bình Chánh”, ông Trần Trọng Tuấn nhận xét và cho biết hiện nay mỗi nơi làm mỗi kiểu khác nhau. Điều này dẫn đến sự không thống nhất, không đồng bộ. Do đó, cần phải có hướng dẫn cấp phép xây dựng cho nông dân để áp dụng thống nhất, đầu tư các công trình phục vụ trồng trọt, chăn nuôi.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Sở Xây dựng đã làm việc với các huyện và dự kiến trong tháng 11 này sẽ xây dựng dự thảo, lấy ý kiến để có hướng dẫn các địa phương thực hiện nhằm giải quyết khó khăn trong việc cấp phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Một số nội dung sẽ được quy định như tỷ lệ % được xây dựng trên đất nông nghiệp; quy chuẩn, tiêu chuẩn cấp phép như thế nào, trường hợp nào miễn phép, trường hợp nào chỉ cần đăng ký… Việc này nhằm hệ thống hóa các quy định hiện hành để địa phương áp dụng cũng như việc tuyên truyền quy định này cho người dân thực hiện. Từ đó, kéo giảm tình trạng xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.
Tổng rà soát, giảm đất nông nghiệp
Theo Sở Xây dựng TPHCM, trong 10 tháng đầu năm 2017, số vụ vi phạm xây dựng tăng hơn 16%. Để giảm tình trạng xây dựng không phép, Sở Xây dựng đề xuất thực hiện một số giải pháp khác như đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển nhà ở, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm triển khai, thay đổi mô hình thanh tra xây dựng. Đặc biệt, thực hiện việc đánh giá quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương để có sự điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp cho phù hợp. Cụ thể, từng địa phương, chủ yếu ở các huyện, xác định những khu vực không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì cần điều chỉnh.
Bí thư Huyện ủy Nhà Bè Nguyễn Văn Lưu đồng tình và cho rằng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất được ban hành cách nay đã gần 10 năm. Đến nay, có nhiều điểm không còn hợp lý, cần được điều chỉnh phù hợp với thực tế và gỡ vướng cho người dân. “Nhiều nơi được quy hoạch làm khu dân cư mới, quy hoạch làm công viên nhưng thực tế người dân đã ở đó rồi. Chính vì các quy hoạch không hợp lý đã làm hạn chế quyền lợi của người dân. Quy hoạch “treo” kéo dài nên người dân buộc phải xây dựng không phép để giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở”, ông Nguyễn Văn Lưu bày tỏ.
Trên bình diện chung, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn nhận xét, hiện nay theo quy hoạch chung, quỹ đất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… rất lớn. Đơn cử, huyện Bình Chánh có diện tích 25.000ha thì đất nông nghiệp chiếm khoảng 10.000ha. Trong đó, đất nông nghiệp trồng lúa nước phải giữ lại khoảng 2.000ha. Khi đến thực tế các xã Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân thấy rằng, ở các khu đất được quy hoạch làm nông nghiệp không thể sản xuất nông nghiệp được, nhưng theo quy hoạch, đất đó vẫn được xác định là đất nông nghiệp. “Đất nông nghiệp không phù hợp, không thể sản xuất nông nghiệp thì phải điều chỉnh quy hoạch. Nhưng phần diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được “đưa đi đâu” để đảm bảo cơ cấu theo quy hoạch sử dụng đất đã được TPHCM phê duyệt?”, ông Trần Trọng Tuấn đặt vấn đề.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, với cơ cấu đất nông nghiệp hiện nay thì huyện Củ Chi, Bình Chánh hay các địa phương khác dù biết rõ các vùng đất không còn phù hợp sản xuất nông nghiệp nhưng không thể điều chỉnh được. Do vậy, ông Trần Trọng Tuấn đề nghị ngành quy hoạch - kiến trúc phối hợp với các địa phương rà soát lại tình hình thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất và điều chỉnh theo hướng giảm quỹ đất nông nghiệp nhằm giải quyết bất cập trên. Nếu tiếp tục giữ cơ cấu như hiện nay, vẫn quy hoạch nhiều nơi làm đất nông nghiệp, trong khi dân không sản xuất được thì sẽ để đất trống; từ đây sẽ phát sinh nhiều hệ lụy. 
“Hiện nay đang tồn tại bất hợp lý là nhiều khu vực phù hợp sản xuất nông nghiệp được thì quy hoạch phát triển đô thị. Còn nơi phù hợp làm đô thị thì “giữ” làm nông nghiệp. Cái này sai từ gốc, từ chuyện quy hoạch”, người đứng đầu Sở Xây dựng TP nhấn mạnh và nhận xét thực tế này dẫn đến lãng phí trong việc sử dụng đất. Ngoài ra, cũng xuất hiện tình trạng đầu tư, xây dựng các công trình trên đất không phù hợp quy hoạch, làm gia tăng tình trạng xây dựng không phép. Khi đó, người dân tốn kém đầu tư cho việc xây dựng (không phép) nhưng rồi sẽ bị cưỡng chế phá dỡ, gây lãng phí cho xã hội. 

Tin cùng chuyên mục