Góc khuất thực tập

Thực tập là giai đoạn chuyển tiếp giữa học tập và thực hành, là lúc để kiến thức trên ghế nhà trường được áp dụng đưa vào thực tế. Tuy nhiên, hiện nay việc thực tập của một bộ phận sinh viên chỉ để đối phó và mang tính hình thức.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong buổi thực tập với các thiết bị in. Ảnh minh họa: T.Minh
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM trong buổi thực tập với các thiết bị in. Ảnh minh họa: T.Minh
Khi bước vào kỳ thực tập, nhiều sinh viên mong muốn được làm đúng chuyên ngành của mình để làm quen với công việc, tiếp thu được nhiều kinh nghiệm. Nhưng không ít các cơ quan, đơn vị nhận thực tập không tin tưởng giao việc, coi nhẹ khả năng, không dám cho sinh viên thử sức với công việc để có thể rèn luyện, dẫn đến việc sinh viên đến cơ quan thực tập chỉ vật vờ ngồi chơi game, nghe nhạc hay làm các công việc lặt vặt.
Nguyễn Tấn Phát (sinh viên Đại học Giao thông Vận tải TPHCM) rất vui mừng khi xin được thực tập ở một công ty xây dựng cầu đường, đúng với chuyên ngành mình đang học. Nhưng sau tuần đầu tiên, bạn đã cảm thấy chán nản vì không được làm việc theo đúng chuyên ngành.
Thay vào đó, hàng ngày Phát phải đến đúng giờ và ngồi làm nhân viên giữ xe bất đắc dĩ, đến hết giờ lại về. Tương tự, Nguyễn Thu Hà (sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cũng chán nản khi đến một cơ quan truyền thông để thực tập đã không được làm đúng chuyên ngành của mình, hàng ngày đến nơi thực tập chỉ để ngồi nghe nhạc máy tính và… trông coi văn phòng.
Hà tâm sự: “Mình rất muốn được tham gia các công việc theo đúng chuyên ngành của mình, thực tập kiểu này mình không biết sẽ viết bản báo cáo thực tập như thế nào để nộp cho nhà trường”.
Tuy gặp tình cảnh dở khóc dở cười như vậy nhưng không ít sinh viên không dám lên tiếng phản hồi với đơn vị thực tập, một mặt sợ làm mất lòng, mặt khác lại cảm thấy… an nhàn với công việc hiện tại.
Vì vậy nhiều bạn chọn cách im lặng, để rồi một kỳ thực tập trôi qua thật vô nghĩa. Một thực trạng phổ biến hiện nay là các bản báo cáo thực tập dài hàng chục trang đều được một số sinh viên copy những số liệu, thông tin từ các trang mạng.
Tình trạng này vẫn cứ diễn ra từ năm này qua năm khác, nhà trường cũng không phải hoàn toàn không biết, còn sinh viên thì quá rõ. Hiện nay, cũng có nhiều trường tổ chức cho sinh viên thực tập theo nhóm, tổ, nên đa phần các bản báo cáo thực tập cuối kỳ đều… như nhau. 
Bạn H. (sinh viên ngành Quản trị kinh doanh Đại học Công nghệ Hutech) cho biết: “Mình tham khảo thông tin từ các anh chị khóa trước, được biết đi thực tập cũng như không, có làm gì đâu, hơn nữa đi làm cũng đâu có lương.
Mình có người quen chỗ công ty đang thực tập, nên trong kỳ thực tập mình ở nhà, đi làm việc khác để kiếm thêm thu nhập, đến hạn chỉ việc lên xin con dấu và nhận xét phía bên công ty đó là xong”.
Lý giải về vấn đề này, chị Thu, phụ trách bộ phận nhân sự một công ty truyền thông tại TPHCM, nói: “Mỗi năm công ty nhận vào rất nhiều sinh viên thực tập, tuy nhiên chỉ lựa ra những bạn có thành tích học tập xuất sắc, đã từng làm việc hoặc cộng tác để giao việc, số còn lại cho đi làm những công việc nhỏ. Nhân viên công ty mỗi người phụ trách mỗi mảng riêng, nên để cử người kèm các bạn ấy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của đơn vị”. 
Thiết nghĩ, thực tập là một quá trình hết sức quan trọng, nhưng ngay cả bản thân nhiều sinh viên và nhiều cơ quan, đơn vị nhận thực tập sinh lại không làm tròn vai trò của mình. Nếu sinh viên được định hướng tốt hơn về mục đích của giai đoạn thực tập, các cơ quan nhận thực tập sinh để tâm hơn trong việc dìu dắt các sinh viên, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc đào tạo thế hệ trẻ, sẽ không còn những thực trạng đáng buồn như vậy.

Tin cùng chuyên mục