Gộp sổ BHXH thế nào?

Trường hợp người lao động có nhiều sổ BHXH đã tham gia trước đó thì cần lập hồ sơ gộp sổ theo phiếu giao nhận hồ sơ 621: chuyển quá trình tham gia BHXH từ nhiều sổ về sổ gốc, đồng bộ mã số BHXH duy nhất để thống nhất dữ liệu và giải quyết chế độ BHXH.

* Làm sao để bảo mật thông tin đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) và thông tin về lương của người lao động? Bởi, chỉ cần có các thông tin về số CMND, mã sổ BHXH là có thể tra cứu được. Vậy phía cơ quan quản lý có biện pháp kỹ thuật nào để bảo vệ những thông tin riêng tư này cho người lao động và người sử dụng lao động? (Công ty TNHH Shipco Transport VN, quận 4, TPHCM)

- Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Hiện nay, thông tin đóng BHXH của người lao động được cập nhật tự động trên trang thông tin điện tử của BHXH Việt Nam (https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu), đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Người lao động dùng thông tin cá nhân của mình để tra cứu kết quả đóng nhanh chóng, chính xác; qua đó, có thể giám sát việc đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và BHYT của người sử dụng lao động đối với bản thân họ, kịp thời phát hiện trường hợp chậm đóng cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bảo mật thông tin đóng BHXH của người lao động. BHXH TPHCM ghi nhận ý kiến đóng góp của đơn vị và chúng tôi sẽ kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét để có hướng giải quyết. 

* Công ty có thể chốt sổ BHXH cho người lao động mà không cần sổ BHXH, hồ sơ thế nào? (Công ty TNHH Orion, quận 1, TPHCM)

- Đối với sổ BHXH của người lao động đã được cơ quan BHXH rà soát in tờ rời đến tháng 12-2016 hoặc tháng 12-2017 tại đơn vị và được trả sổ, khi người lao động nghỉ việc thì đơn vị lập hồ sơ báo giảm (mã hồ sơ điện tử 600a) và không cần phải nộp sổ cho cơ quan BHXH. Căn cứ hồ sơ báo giảm, cơ quan BHXH sẽ in tờ rời xác nhận sổ của thời gian tiếp theo đến tháng dừng đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tại đơn vị và chuyển theo hồ sơ 600a.

Khi người lao động đã được chốt sổ nghỉ việc, nếu tham gia tiếp tại đơn vị sau đó nghỉ việc thì đơn vị lập hồ sơ báo giảm. Đồng thời, nộp hồ sơ chốt sổ kèm theo sổ BHXH của người lao động (phiếu giao nhận hồ sơ 620) để cơ quan BHXH kiểm tra, rà soát thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng và chốt sổ tiếp.

* Người lao động có từ 2 sổ BHXH trở lên nhưng không làm thủ tục gộp sổ thì có ảnh hưởng gì không? Công ty có trường hợp gộp sổ, người lao động được cấp sổ BHXH theo mã số khác với thời điểm cấp thẻ BHYT. Vậy những trường hợp này có được cấp lại thẻ BHYT theo mã số BHXH mới không? (Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật, quận 7, TPHCM)

- Mã số BHXH được xem như là mã số định danh cá nhân của người tham gia BHXH, được cơ quan BHXH cấp và nó gắn liền xuyên suốt với quá trình đóng BHXH, BHYT của mỗi cá nhân. Từ ngày 1-8-2017, việc cấp sổ BHXH và thẻ BHYT mới cho người lao động được thực hiện theo Công văn 3340/BHXH-ST điều chỉnh mới về mẫu, mã sổ BHXH và mẫu, mã thẻ BHYT. Do đó, trường hợp người lao động có nhiều sổ BHXH đã tham gia trước đó thì cần lập hồ sơ gộp sổ theo phiếu giao nhận hồ sơ 621: chuyển quá trình tham gia BHXH từ nhiều sổ về sổ gốc, đồng bộ mã số BHXH duy nhất để thống nhất dữ liệu và giải quyết chế độ BHXH.

Khi thực hiện gộp sổ, trường hợp mã số BHXH được giữ lại khác với mã số in trên thẻ BHYT, cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ BHYT theo mã số BHXH mới và chuyển trả thẻ BHYT theo hồ sơ gộp về đơn vị.

* Khi đi khám bệnh nhưng quên mang theo thẻ BHYT, nằm viện mà không trình thẻ BHYT thì làm thế nào để được BHXH thanh toán lại khoản tiền trên? Thủ tục, hồ sơ cần phải nộp ra sao và phần trăm được giải quyết là bao nhiêu? (Công ty Thể dục thể hình, quận 4, TPHCM)

Khi người bệnh đi khám chữa bệnh mà quên mang theo thẻ BHYT thì người bệnh cần lưu giữ chứng từ thanh toán (chứng từ y khoa như giấy ra viện, đơn thuốc, chứng từ kế toán như hóa đơn, biên lai thu viện phí). Sau đó, người khám bệnh đến BHXH quận, huyện hoặc BHXH TPHCM nộp hồ sơ thanh toán trực tiếp theo quy định hiện hành.

Tin cùng chuyên mục