GS-TS Trần Quang Hải: Muốn đóng góp nhiều hơn cho âm nhạc dân tộc

Sinh trưởng trong một gia đình 5 đời nhạc sĩ cổ truyền Việt Nam, GS-TS Trần Quang Hải  – con trai của GS Trần Văn Khê – bắt đầu làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Con Người (Musée de l’Homme) ở Paris – Pháp từ năm 1968 đến nay. Bên cạnh những nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực Dân tộc âm nhạc học: hát đồng song thanh, phát triển gõ muỗng, phát triển kỹ thuật biểu diễn đàn môi… đang được thế giới quan tâm, GS Trần Quang Hải và vợ là nghệ sĩ Bạch Yến, đã thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới…
GS-TS Trần Quang Hải: Muốn đóng góp nhiều hơn cho âm nhạc dân tộc

Sinh trưởng trong một gia đình 5 đời nhạc sĩ cổ truyền Việt Nam, GS-TS Trần Quang Hải  – con trai của GS Trần Văn Khê – bắt đầu làm việc cho Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng Con Người (Musée de l’Homme) ở Paris – Pháp từ năm 1968 đến nay. Bên cạnh những nghiên cứu đặc biệt trong lĩnh vực Dân tộc âm nhạc học: hát đồng song thanh, phát triển gõ muỗng, phát triển kỹ thuật biểu diễn đàn môi… đang được thế giới quan tâm, GS Trần Quang Hải và vợ là nghệ sĩ Bạch Yến, đã thực hiện hơn 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới…

PV: Thời gian gần đây, khán giả yêu nhạc dân tộc thành phố biết đến ông là một GS-TS rất tài hoa qua một số chương trình biểu diễn, giới thiệu những nét độc đáo của nghệ thuật âm nhạc truyền thống diễn ra tại nhà GS Trần Văn Khê. Đây có phải là hướng đi mới của ông sau những năm dài xa quê hương, học tập, nghiên cứu, giới thiệu và biểu diễn nhạc truyền thống ở các nước trên thế giới?

Giáo sư Trần Quang Hải

Giáo sư Trần Quang Hải

GS-TS TRẦN QUANG HẢI: Công việc hiện nay của tôi là đi khắp thế giới để giới thiệu, giảng dạy hoặc tham gia các hội thảo về âm nhạc dân tộc, ví dụ như Festival Cồng chiêng quốc tế 2009 được tổ chức tại tỉnh Gia Lai trong những ngày này. Sau buổi hội thảo, tôi sẽ về Pháp. Đến ngày 12-12, tôi lại về nước tham gia hội thảo tổ chức tại Hà Nội, cùng tham luận với những chuyên gia về hát xoan để nghiên cứu và chuẩn bị tư liệu lập hồ sơ gửi UNESCO, với mong muốn hát xoan Phú Thọ được công nhận là văn hóa phi vật thể, được đưa vào danh sách bảo trợ khẩn cấp. Nghĩa là nơi nào mời, tôi sẽ nhận lời tham gia, vì sự bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc.

Riêng những chương trình giới thiệu và biểu diễn mới đây tại nhà GS Trần Văn Khê, ngoài việc thăm ba, tôi muốn đóng góp chút công sức của mình trong việc giới thiệu, truyền bá về âm nhạc cổ truyền Việt Nam và của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á.

Nhiều khán giả thắc mắc, vì sao GS không tham gia giảng dạy ở Việt Nam trong khi có rất nhiều người, trong đó có nhiều bạn trẻ rất thích các buổi nói chuyện, giới thiệu nhạc cổ truyền của ông?

Không phải tôi không muốn về… Hiện chỉ có ba tôi thường tổ chức định kỳ các buổi sinh hoạt về âm nhạc truyền thống dân tộc, nên tôi tham gia cùng ông để giới thiệu những nét đặc trưng, độc đáo của nhạc dân tộc Việt Nam và của thế giới. Đã có nhiều bạn trẻ hỏi tôi: “Sao chú về đây, lại không nói chuyện ở chỗ rộng hơn, để cho nhiều người cùng đến xem, thưởng thức, hiểu thêm về những cái hay, cái đẹp của âm nhạc dân tộc…?”. Tôi bảo rằng, tôi không thể tự tổ chức những buổi nói chuyện lớn như thế, nếu có một đơn vị đứng ra thực hiện các chương trình về nhạc dân tộc, hay có dự án giảng dạy về Dân tộc Âm nhạc học… mời tôi, tôi sẽ nhiệt tình tham gia.

Ngày nay, nhạc dân tộc Việt Nam giới thiệu ra nước ngoài ít nhiều còn hạn chế, thiếu những dấu ấn, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Điều đó đúng. Hiện có khá nhiều đoàn Việt Nam đi giới thiệu âm nhạc dân tộc ra thế giới nhưng cách biểu diễn nhạc dân tộc mang tính ngoại lai nhiều quá! Từ trang phục, đến phong cách trình diễn… đều mang tính chất làm show, không phải biểu diễn nhạc truyền thống.

Và hoạt động âm nhạc dân tộc trong nước cũng thiếu sự bứt phá cần thiết…

Một loại hình nghệ thuật truyền thống càng có nhiều người trẻ tham gia thì càng phát triển mạnh. Nhưng ngày nay, giới trẻ vọng ngoại nhiều hơn, cả khán giả lẫn ca sĩ thích chạy theo các trào lưu âm nhạc mới, trong khi đó trình độ biểu diễn và thưởng thức nghệ thuật của nhiều ca sĩ và công chúng lại bị hạn chế nhiều mặt. Loại hình cải lương thường trình diễn những tuồng tích cũ, nghệ thuật hát bội chỉ phục vụ được cho khán giả lớn tuổi… không thu hút được lớp trẻ, nên việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển nhạc cổ truyền dân tộc không thể làm thành phong trào, thiếu sức sống.

Rất đông khán giả đến với buổi giới thiệu các công trình nghiên cứu dân tộc âm nhạc học của GS-TS Trần Quang Hải.Ảnh: L.T.B.

Rất đông khán giả đến với buổi giới thiệu các công trình nghiên cứu dân tộc âm nhạc học của GS-TS Trần Quang Hải.Ảnh: L.T.B.

Có lẽ vì thế nên GS Trần Văn Khê từng nhận định: “Trong vòng 20 năm nữa, nếu chúng ta không làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển âm nhạc dân tộc thì âm nhạc dân tộc sẽ lụi tàn và mất đi”. Theo ông thì sao?

Tôi luôn muốn về Việt Nam, được đi từ Bắc vào Nam, tham gia giảng dạy, truyền đạt, huấn luyện các cán bộ về chuyên môn và dạy cho lớp trẻ… nhưng vẫn còn thiếu những điều kiện… Theo tôi, để gìn giữ và phát triển nhạc cổ truyền dân tộc, điều cấp thiết nhất là cần có sự đào tạo tốt tại Việt Nam, làm thành một phong trào để có nhiều người tiếp nối, giảng dạy, theo nghề.

Ta nên tổ chức những hội thảo, phác họa chương trình giáo dục âm nhạc trong nhà trường, quan tâm đến việc giáo dục âm nhạc từ nội thành đến vùng sâu vùng xa, để làm sao ngay từ nhỏ các em học sinh đã có một kiến thức căn bản về âm nhạc Việt Nam nói chung, sau đó học thêm về nhạc cổ điển Tây phương, nhạc dân tộc Việt Nam và các nước láng giềng…

Chưa kể cũng cần có thêm nhiều nhạc viện để đào tạo các tài năng trẻ và tạo điều kiện để các tài năng ra trường có việc làm ổn định cuộc sống. Một thư viện âm nhạc cung cấp thông tin âm nhạc từ căn bản đến nâng cao cũng là điều mong mỏi của nhiều người quan tâm đến âm nhạc.

Bên cạnh đó, các đài truyền hình nên thực hiện những chương trình giáo dục âm nhạc, định hướng âm nhạc, giới thiệu những gì hay, độc đáo, tiêu biểu của nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam và các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á... đến với công chúng cả nước.

THÚY BÌNH


 

Tin cùng chuyên mục