GS-TSKH Nguyễn Mại: Có sẵn tiền nhưng cho vay thế nào mới là chuyện!

Ngày 25-3, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) kết hợp với Tập đoàn Thiên Thanh đã công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản. Chưa dừng ở đó, theo VNCB, có 7 ngân hàng cũng đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước 70.000 tỷ đồng cho vay bình thường phục vụ bất động sản. Động thái này cần được nhìn nhận như thế nào? PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn nhanh với chuyên gia kinh tế, GS-TSKH Nguyễn Mại, về vấn đề đang thu hút sự chú ý của dư luận này.

Ngày 25-3, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) kết hợp với Tập đoàn Thiên Thanh đã công bố gói tín dụng 50.000 tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản. Chưa dừng ở đó, theo VNCB, có 7 ngân hàng cũng đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước 70.000 tỷ đồng cho vay bình thường phục vụ bất động sản. Động thái này cần được nhìn nhận như thế nào? PV Báo SGGP đã có cuộc phỏng vấn nhanh với chuyên gia kinh tế, GS-TSKH Nguyễn Mại, về vấn đề đang thu hút sự chú ý của dư luận này.

* PV: Thưa GS, GS có nhận xét gì với việc sẽ có thêm khoảng 120.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực bất động sản?

* GS-TSKH Nguyễn Mại: Theo tôi biết thì khác với gói 30.000 tỷ đồng trước đây có sự hỗ trợ về lãi suất, các gói tín dụng kể trên là hoạt động nghiệp vụ thông thường của các ngân hàng và vẫn phải tuân thủ các điều kiện vay vốn bình thường.

Phải nói thêm là dù có sẵn tiền nhưng cho vay ra thế nào mới là chuyện. Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước về gói 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở thì cơ quan này đã xác nhận việc đăng ký cho vay đối với 3 dự án, hơn 2.700 khách hàng và đã giải ngân được hơn 1.200 tỷ đồng, đạt 4,02% tổng giá trị. Như vậy sau một năm rưỡi triển khai, chỉ mới giải ngân được một tỷ lệ không đáng kể. Mà tôi biết có những địa phương, như TPHCM, đã làm ráo riết như giao cho chủ tịch quận, huyện ngồi với doanh nghiệp, ngân hàng, người muốn vay vốn... Thế thì vướng mắc là ở đâu, phải tìm cho ra mà gỡ, chứ không thì dù đã sẵn sàng chục ngàn tỷ, trăm ngàn tỷ để đó cũng không cải thiện được thị trường.

* Nhưng việc các ngân hàng cam kết bố trí vốn cho tín dụng bất động sản vẫn là động thái đáng mừng chứ?

* Thật sự thì tôi chắc là các ngân hàng bây giờ cũng rất cần tiêu tiền. Chúng ta đều biết tín dụng quý 1 tăng trưởng âm, trong khi mục tiêu đặt ra là cả năm tăng trưởng 12% - 14%. Rõ ràng, kể cả khi tín dụng tăng dần theo từng quý như thông lệ thì tín dụng chảy ra vẫn đang rất thấp.

Trong khi đang muốn đẩy tiền ra, có một động thái mà theo tôi là hơi khó hiểu: ngân hàng huy động vốn của dân rồi lại đi “ôm” trái phiếu chính phủ vào để lấy lãi. Lẽ ra họ phải đẩy mạnh cho doanh nghiệp vay, người tiêu dùng vay. Có hạn chế nào ở đây? Có hạn chế về lòng tin không? Tôi tâm đắc với ý kiến phát biểu trên phương tiện truyền thông của vị phó chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại lớn là thay vì cho vay theo quan hệ, các ngân hàng nên cho vay theo dự án. Ngân hàng phải đóng vai trò thẩm định dự án, cái nào khả thi thì cho vay. Chỉ cần khoảng 10% tín dụng được cho vay theo dự án như thế thì chắc tình hình sẽ sáng sủa hơn. Và có như vậy mới giải tỏa được thói quen cho vay theo quan hệ; giảm được nợ xấu.

* Ngoài các giải pháp tín dụng, ông có bình luận gì về những chính sách khác nhằm hâm nóng thị trường bất động sản?

* Tôi thấy đáng lo ngại về xu hướng đi từ cực đoan này đến cực đoan khác đối với bất động sản, cụ thể là đi từ “buộc” quá đến “cởi” quá. Như thế là rất không nên. Trong một thông tư mới đây (Thông tư 02/2014 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định 121 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng - PV), Bộ Xây dựng cho phép một số loại công trình xây trái phép được tồn tại. Nếu thực hiện theo quy định này thì hiệu lực quản lý nhà nước sẽ thế nào. Trước đây từ chỗ buộc cắt ngọn, phá sạch, trả lại nguyên trạng; nay lại chuyển sang cho hợp thức hóa. Chính sách của Nhà nước phải ổn định, dự đoán được để nhà đầu tư thực hiện lâu dài chứ không nên thay đổi quá lớn và quá thường xuyên.

ANH THƯ (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục