Hà Nội hưởng ứng chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi

Bắt đầu từ ngày 26 -11-2018 đến ngày 25-12-2018 toàn thành phố Hà Nội hưởng ứng chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội kiểm tra công tác tiêm chủng tại điểm tiêm Trường Mầm non Tuổi Thơ, quận Hoàn Kiếm.
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội kiểm tra công tác tiêm chủng tại điểm tiêm Trường Mầm non Tuổi Thơ, quận Hoàn Kiếm.

Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, trên toàn thành phố có 665.939 trẻ từ 1 đến 5 tuổi trong diện tiêm vắc xin sởi – rubella với 2.699 điểm tiêm chủng tại các trường mầm non công lập, một số trường mầm non tư thục và 584 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Những trẻ không thuộc đối tượng phải tiêm trong đợt này bao gồm trẻ đã tiêm vắc xin sởi hoặc sởi - rubella (MR) hoặc sởi - quai bị - rubella (MMR) hoặc vắc xin thủy đậu trong vòng 1 tháng tính đến ngày tổ chức chiến dịch.

Chiến dịch lần này có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và ngành giáo dục được kéo dài từ ngày 26/11 đến ngày 25/12/2018 với 2 đợt. Cụ thể: đợt 1 tổ chức tiêm tại trường học từ ngày 26/11 đến 2/12/2018; đợt 2 tổ chức tiêm tại các trạm y tế từ ngày 3/12 đến 9/12/2018 cho trẻ không đi học sống trên địa bàn và tiêm vét cho trẻ đi học chưa được tiêm (do tạm hoãn trong đợt 1). Mục tiêu phấn đấu trên 95% trẻ từ 1 đến 5 tuổi sống trên địa bàn Hà Nội được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi - rubella (MR) trên quy mô xã, phường, thị trấn.

Để công tác tiêm chủng diễn ra an toàn và hiệu quả, các điểm tiêm chủng được bố trí theo đúng Nghị định số 104; điểm tiêm chủng tại trạm y tế và trường học đảm bảo một chiều từ bàn đón tiếp, bàn khám phân loại, bàn tiêm, khu vực chờ và khu vực theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm. Công tác tiếp nhận, bảo quản, cấp phát vắc xin và vật tư tiêm chủng được thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định. Tất cả cán bộ tham gia chiến dịch tiêm chủng đã được tập huấn về xây dựng kế hoạch, điều tra đối tượng, bảo quản, sử dụng vắc xin, tiêm chủng an toàn, phòng, chống sốc phản vệ, giám sát phản ứng sau tiêm chủng. Mỗi trung tâm y tế quận, huyện đã bố trí đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời trường hợp tai biến sau tiêm.

Các nhà trường đã phối hợp với các đơn vị y tế, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, cung cấp kiến thức cho giáo viên về lợi ích của việc tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi – rubella để các thầy cô giáo tuyên truyền sâu rộng đến phụ huynh của trẻ với nhiều hình thức phong phú: thư điện tử, zalo, website của nhà trường. Nhà trường phối hợp với trạm y tế rà soát, lập danh sách trẻ cần tiêm theo lớp để tránh bỏ sót đối tượng tiêm chủng vắc xin sởi - rubella.

Sở Y tế cũng như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác tổ chức tiêm chủng vắc xin sởi - rubella tại các điểm tiêm ở trường học trên địa bàn quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ…để chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong công tác tổ chức cũng như quá trình tiêm chủng, theo dõi sau tiêm chủng, đảm bảo an toàn cho trẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, đến hết ngày 30/11, sau khi khám sàng lọc và rà soát cụ thể, có 11.566 trẻ không thuộc diện tiêm chủng trong đợt này do các cháu đã được tiêm một mũi vắc xin có thành phần sởi hoặc thủy đậu trong vòng một tháng, 722 trẻ chống chỉ định tiêm chủng. Toàn toàn thành phố có 260.959 trẻ được tiêm, đạt 39,9%.

Các quận, huyện có tỷ lệ tiêm chủng cao: Quốc Oai (71,2%); Phú Xuyên (68,3%); Mỹ Đức (66,4%), Phúc Thọ (62,9%); Thạch Thất (61,2%); Thanh Oai (58,9%); Ứng Hòa (57,8%); Sóc Sơn (56,5%), Thường Tín (56,2%)…

Tuy nhiên, vẫn còn một số trường học có tỷ lệ tiêm chủng thấp như Trường Mầm non Bình Minh (Phường Bưởi - Tây Hồ); Trường Mầm non Vinschool Royal city và Trường Mầm non Hoa Kỳ (Phường Thượng Đình - Thanh Xuân); Trường Mầm non Gấu trúc Panda (Phường Hoàng Liệt - Hoàng Mai); Trường Mầm non Hoa Hồng (Phường Thịnh Quang), Mầm non Đống Đa (Phường Kim Liên), Mầm non Tuổi Hoa (Phường Láng Hạ) đều ở quận Đống Đa… là do tỷ lệ trẻ ốm nhiều, trẻ nghỉ không đi học hoặc bố mẹ không đồng ý cho trẻ tiêm chủng. Một số trường học do giáo viên tuyên truyền chưa cụ thể về chiến dịch dẫn đến gia đình lo lắng không cho trẻ đi tiêm.

Trước thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khuyến cáo cần tiếp tục tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về chiến dịch để các phụ huynh hiểu rõ hơn về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Các quận, huyện cần tham mưu với UBND tiếp tục chỉ đạo y tế phối hợp tốt với ngành giáo dục để tuyên truyền cho phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng; giao trách nhiệm cho các trường học về việc đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng chiến dịch đạt trên 95%; tổ chức tiêm vét tại trường với các trường đạt tỷ lệ tiêm <80%.

PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm cũng đề nghị các đơn vị cần bố trí điểm tiêm theo đúng quy định, thực hiện đúng quy trình như đo nhiệt độ, tiêm đúng kỹ thuật, đúng vắc xin, giám sát các bé 30 phút sau khi tiêm để đề phòng biến chứng… bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Tin cùng chuyên mục