Hạ viện Mỹ quan tâm biến đổi khí hậu

3 nhà lập pháp đảng Dân chủ Mỹ, bao gồm Chủ tịch Ủy ban quân vụ Hạ viện ngày 30-1 đã kêu gọi Lầu Năm Góc sửa đổi một báo cáo về biến đổi khí hậu với lý do đã bỏ qua các mục cần thiết, trong đó có danh sách 10 căn cứ dễ bị ảnh hưởng nhất từ tình trạng biến đổi khí hậu. 

Báo cáo chính thức của Lầu Năm Góc này do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký năm 2017.

Hãng tin AP dẫn lời Hạ nghị sĩ Adam Smith, Chủ tịch ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ cho rằng báo cáo của chính quyền ông Donald Trump là không thỏa đáng. Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đặt ra nghi ngờ về ý nghĩa khoa học của biến đổi khí hậu, cho rằng nguyên nhân và tác động vẫn chưa thấy. Bức thư của các nghị sĩ Dân chủ  gửi đến quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho rằng bản báo cáo là “thất vọng sâu sắc” và yêu cầu Lầu Năm Góc đưa ra một báo cáo sửa đổi vào ngày 1-4.

Các chuyên gia cho biết một trong những căn cứ của Mỹ ở nước ngoài dễ bị ảnh hưởng nhất do biến đổi khí hậu là căn cứ Hải quân tại đảo san hô Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Căn cứ trên đảo hoạt động như một trung tâm hậu cần cho các lực lượng Mỹ ở Trung Đông, chỉ cao 1,22m so với mực nước biển. Đó là chưa kể căn cứ Camp Lejeune ở bang North Carolina, bị cơn bão Florence đánh sập vào năm 2018, gây thiệt hại khoảng 3,6 tỷ USD và buộc phải di dời hàng ngàn nhân viên.

Vào cuối tháng 11-2018, đánh giá khí hậu quốc gia lần thứ tư của Mỹ, dựa trên công trình của 300 nhà khoa học và 13 cơ quan liên bang, kết luận rằng biến đổi khí hậu đe dọa cuộc sống của con người, hệ sinh thái và nền kinh tế Mỹ nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bác bỏ bản đánh giá này và nói rằng ông không tin. Cho tới nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua các cơ quan liên bang, chẳng hạn như Cơ quan bảo vệ môi trường để ngăn chặn các quy tắc và nghiên cứu giải quyết hậu quả biến đổi khí hậu.

Giờ đây, Quốc hội Mỹ đang vào cuộc quyết liệt hơn, bước đầu là với Lầu Năm Góc. Các thành viên của Quốc hội từ cả hai đảng đã hỗ trợ Lầu Năm Góc phân tích các mối đe dọa biến đổi khí hậu gây ra cho quân đội Mỹ. Tỷ lệ người Mỹ tin vào hậu quả của biến đổi khí hậu cũng đã tăng 3% kể từ tháng 3-2018 lên 73% hiện nay. Các cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump vào Hiệp định cắt giảm khí thải Paris cũng không được người dân Mỹ ủng hộ với khoảng 69% cho rằng hợp tác quốc tế về chống biến đổi khí hậu là quan trọng và muốn Mỹ duy trì Hiệp định Paris. Các vấn đề môi trường đã giành được sự chú ý của Hạ viện mới khóa 116 của Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, đã thành lập một ủy ban mới về khủng hoảng khí hậu với chiến lược dựa trên ý tưởng rằng bảo vệ môi trường có thể thúc đẩy hơn là cản trở sự phát triển của kinh tế Mỹ. Ủy ban có mục đích giúp Mỹ chuyển sang nền kinh tế không carbon bằng cách đầu tư vào những lĩnh vực như giao thông công cộng thông minh tốt cho môi trường, tốt cho người dân và giúp tạo thêm việc làm.

Hành động chống biến đổi khí hậu đang trở thành một điểm tranh luận của đảng Dân chủ tại Hạ viện và khả năng họ sẽ đưa ra một dự luật về bảo vệ môi trường, theo đó tăng thuế đối với người giàu, nhất là ở các thành phố ven biển.

Tin cùng chuyên mục