Hai cây bút văn hóa Báo Nhân dân ra mắt sách về Hà Nội

Nằm trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam 2019, ngày 19-4, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), NXB Văn học đã tổ chức buổi tọa đàm, giao lưu ra mắt cùng lúc hai tác phẩm viết về Hà Nội của hai cây bút viết về văn hóa của Báo Nhân Dân.

Hai cây bút văn hóa Báo Nhân dân ra mắt sách về Hà Nội
Sách của hai phóng viên văn hóa Báo Nhân dân
 Đây là hai tập tản văn của hai cây bút đang ở vào độ sung sức trong sáng tác. Điểm chung của 2 tác phẩm là mảng đề tài về Hà Nội với những cảm nhận đa dạng về đời sống xã hội, văn hóa, dòng chảy truyền thống, nhịp sống đương đại… Những biểu hiện đó diễn ra trong các không gian, khu vực khác nhau của Hà Nội trên hành trình mở rộng, phát triển, vừa đón nhận những cái mới, vừa lưu giữ, truyền nối những giá trị đặc sắc của lịch sử, văn hóa, con người.

Tác phẩm “Hà Nội không vội được đâu” là tập văn xuôi của tác giả Lữ Mai - một người không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng như nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa nhận định thì đọc mảng tản văn của chị viết có cảm giác như chị đã chạm được vào hồn cốt Hà Nội, không chỉ một Hà Nội hiện đại trẻ trung “phơi phới sắc thị thành”, mà còn là một Hà Nội xưa cũ lắng sâu.

Giữa tất bật “vật vờ trong hỗn độn công việc” để mưu sinh, chị luôn biết mài sắc, căng mở giác quan để sống chậm, để cảm nhận tất cả chất thơ của Hà Nội, để nghe “những viên đá xếp lát dưới chân đang bồi hồi kể chuyện”. Đây là cách Lữ Mai “tự mình xếp lại một không gian, tự mình xây nên một tâm trạng đầy nhạc, một khoảng tự do”, để rồi, trong vương quốc tự mình kiến tạo, với một thứ chủ nghĩa duy mĩ duy cảm riêng mình, chị cứ thế chăm chút, nhẩn nha, nhấn nhá thả/nhả chữ...

Khác với cái nhìn về Hà Nội của Lữ Mai, “Nối những vệt không gian” của Nguyễn Quang Hưng là sự phản chiếu những chuyển động trong đời sống của tác giả, qua con mắt một người trẻ nhận thấy ở vẻ đẹp văn hóa truyền thống và trong vẻ đẹp tâm hồn, tâm tính con người những giá trị bền vững. Đồng thời, nhận ra sự cần thiết việc kết nối đời sống hiện đại với nguồn mạch quá khứ, lưu giữ và vận dụng bản sắc, “dữ liệu” sống từ hôm qua đến hôm nay để gây dựng, duy trì những giá trị của cuộc sống mới. Và cùng với đó, kiến tạo tương lai.

Cũng bởi cảm nhận thấy sự sinh động, đa dạng ấy, nên những trang tản văn của Nguyễn Quang Hưng là tiếng gọi lên đường, rong ruổi, để tha thiết, chân thành và trân quý những gì là cơ may đón nhận. Và cũng bởi dấu ấn của không gian sống và làm việc, cùng những yêu dấu gia đình, dòng họ, mà cả tập sách này, tác giả gắn bó với đề tài Hà Nội.

Với hai cuốn sách, bạn đọc sẽ thấy một Hà Nội chân thực, mới mẻ nhưng cũng gần gũi.

Tin cùng chuyên mục