Vui - buồn văn hóa cơ sở

Hai “đặc sản” vùng ven

Ngày xưa yên bình, giờ là bó tay với karaoke, với cái loa kéo rồi. Cái xóm có chút xíu với vài chục căn nhà mà năm, sáu gia đình giải trí bằng karaoke. Muốn thuận hòa đành phải chịu...
LTS: Ở TPHCM, thành phố năng động nhất nước, tưởng chừng đời sống văn hóa của người dân phong phú và đa dạng. Nhưng những điều chúng tôi ghi nhận được ở các quận, huyện vùng ven, ngoại thành lại khác hẳn. Nhu cầu và cách thưởng thức văn hóa của bà con ở những nơi này thật khác thường. Chuyện gì đang xảy ra với đời sống văn hóa của bà con ở cơ sở?   
Trời nắng chang chang, chú Tư có xe bán nước mía ở ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, kể: “Nói nghe, hỏi cái ấn tượng nhất ở mấy chỗ vùng ven này hả, có 1 cái bất động, 1 cái di động, là cái loa bất động trên cột điện và mấy cái thùng loa karaoke di động tùm lum kìa. Nghe chút chút cũng vui tai, nghe riết chắc khùng, nhất là với mấy người làm việc tại chỗ như tui…”. 
5 giờ - 17 giờ - 22 giờ và sau 0 giờ
5 giờ sáng, trời mới hừng hừng, đám nhỏ còn đang ngon giấc thì giật thót, khóc ré bởi hàng xóm mở loa hết công suất với những bản nhạc xập xình, inh tai nhức óc. Giá mà chỉ một bản nhạc, một lời bài hát đã đành, ở đây mỗi nhóm một bài, lời bài này chọi với lời bài kia, nghe như một cuộc cãi vã có đệm nhạc.
Thôi thì ráng chịu, 5 giờ sáng cố gắng dậy sớm coi như tập thể dục rèn luyện sức khỏe, đằng này điệp khúc inh tai nhức óc lặp lại lúc 5 giờ chiều. Người dân ở khu này chỉ cần nghe tiếng nhạc nổi lên từ tứ phía với những giọng ca hay có, dở có là biết đã hết giờ làm việc. Cứ thế, họ thi nhau hát đến 21-22 giờ khuya mới chịu ngưng. Có nhà “máu” hơn, lai rai đến sau 0 giờ. 
Hai “đặc sản” vùng ven ảnh 1 Tối đến, một người dân quận 9, TPHCM kéo thùng loa di động ra hát "phục vụ miễn phí" bà con
Đó là câu chuyện của bà con phường Phú Hữu (quận 9), nơi trước đây là vùng đồng bưng, cỏ lác và dừa nước. Nay đô thị hóa, những đầm nước mất đi, thay vào đó là khu dân cư hiện đại mọc lên làm thay đổi diện mạo của khu vực phía Đông TP.
Nhiều người tìm về đây sinh sống bởi không gian yên tĩnh nhưng thời gian gần đây, khi người dân hưởng ứng trào lưu sử dụng loa kéo để hát karaoke thì không gian nơi đây đã bị phá nát.
“Ngày xưa yên bình, giờ là bó tay với karaoke, với cái loa kéo rồi. Cái xóm có chút xíu với vài chục căn nhà mà năm, sáu gia đình giải trí bằng karaoke. Rồi mấy ông công nhân xây dựng nhà trong xóm cũng tận dụng tối đa thú vui này để giải trí. Mấy đứa nhỏ nhà tui biểu đó là “điệp khúc hãi hùng lúc 5 giờ”, muốn thuận hòa đành phải chịu”, chú Phan Mạnh Hòa (ngụ 64, Đường số 2) cho biết. 
Hai “đặc sản” vùng ven ảnh 2 Micro bluetooth và thùng loa di động được nhiều bà con sống ở vùng ven ưa chuộng
Bà chủ bến đò tuổi ngoài 60 nhưng dáng vẻ vẫn nhanh nhẹn, ngày nào cũng đon đả cười chào khách qua lại hai bên bờ kênh. Hỏi ra mới biết, cô Bảy Bé (Nguyễn Thị Bé chủ bến đò Bảy Bé ngụ ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè) cũng là một cây văn nghệ miệt vườn thứ thiệt.
“Tui đây thì hát ca cổ, nhạc trữ tình êm tai, chứ mấy cái nhạc giật gân đùng đùng cô nghe không được”, cô Bảy Bé nói. Trong xóm có đám tiệc, người ta hay rước nhạc sống, thỉnh thoảng cô cũng lên hát. Coi trong tivi thấy câu lạc bộ đờn ca tài tử chỗ này chỗ kia cô cũng mê lắm, mà ở xã không thấy có, lâu lâu có mê hát quá thì trong nhà xúm nhau mở karaoke lên hát cho đỡ buồn: “Em trai cô thấy vậy nên chịu chơi luôn, sắm dàn karaoke hơn chục triệu, để mấy chị em trong nhà hát cho đã”.
Ở ấp 3, từ hồi phổ biến món karaoke di động, nhiều nhà cũng sắm về cho bằng chị bằng em. Rồi đến cơn sốt micro karaoke siêu rẻ (loại kết nối với điện thoại di động), thì không khí của ấp quê càng sôi động với đủ âm thanh. 
Mà không chỉ ở quận 9 hay Nhà Bè, mà ở tất cả các quận, huyện vùng ven, karaoke di động và micro thu phát đang phá đảo cuộc sống yên bình nơi đây.
Chuyện cái “mõ làng”
Ở khu vực vùng ven TP, đầu làng, cuối xóm, ngã ba, ngã tư đường là có trụ đặt loa phát thanh. Hừng hừng sáng là phát, chiều tà tà phát một lần nữa, nhiệm vụ là tiếp âm những bản tin của đài thành phố, đài huyện rồi thỉnh thoảng phát thông báo của xã, của xóm.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Như (ngụ đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Tây, quận 2) nghĩ đến loa phát thanh phường là đã muốn nổ tung cái đầu. Nhà sát cụm loa, đợt sinh đứa đầu lòng đúng dịp bầu cử, loa phát thanh phát đủ ngày hai cữ sáng, chiều khiến chị bị khủng hoảng một thời gian dài.
“Nói thiệt, có lúc tui tưởng mình bị khùng luôn chớ. Tui ẵm ru con mệt muốn rã cánh tay, gần sáng nó mới chịu ngủ yên giấc, tui mới vừa chợp mắt thì đến giờ phát loa. Thế là con bé thức giấc khóc ré lên, tui cũng không nghỉ ngơi gì được. Suốt 1 tuần bị tra tấn như vậy, chịu không đặng, vợ chồng tui đành khóa cửa nhà để đi thuê phòng trọ ở”, chị Như tâm sự.
Cũng vì nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của loa phát thanh, UBND TP Hà Nội từng khảo sát lấy ý kiến của người dân về việc có tiếp tục sử dụng loa phường để tuyên truyền nữa hay không, và có đến 89,67% cho rằng không cần thiết duy trì loa phường. Khi đó, tại TPHCM cũng có nhiều người băn khoăn khi loa phát thanh của phường vẫn hoạt động, nhất là khi mà các phương tiện thông tin khác phát triển mạnh mẽ, mọi người chủ động cập nhật thông tin mọi lúc mọi nơi.
Hai “đặc sản” vùng ven ảnh 3 Chú Năm Bê đọc loa phát thanh ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nhiều phường vẫn cho rằng loa phát thanh vẫn “được lòng” dân. Như lời bà Hồ Thị Phước, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Trưng Tây, quận 2,  khẳng định: Loa truyền thanh rất hữu ích, như tuyên truyền kịp thời về dịch bệnh, thông báo cho người dân hay biết về những chiêu trò lừa đảo và tình hình trộm cướp vừa diễn ra để mọi người cảnh giác. 
Còn chính người làm công tác phát thanh cũng nhận định, “nhiều khi loa hư bà con còn mừng, đỡ mất giấc ngủ cữ sáng”, chú Năm Bê (Nguyễn Văn Bê, ngụ ấp 4, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) - 25 năm làm công tác phát thanh ở xã - hóm hỉnh chia sẻ.
Chú nói tiếp: “Bà con trong xóm thì cũng người thương người ghét. Với lại nhà nào sáng dậy sớm đi làm thì cái loa phát thanh ở xã nhiều khi cũng như đồng hồ báo thức, chứ có người dậy trễ thì người ta phản ánh ồn ào, điếc tai, mất giấc ngủ”. 
Khi công nghệ ngày càng phát triển và ứng dụng nhiều hơn về mọi mặt trong đời sống thì nhu cầu của con người cũng thay đổi và đòi hỏi cao hơn. Như việc nghe tin tức, không chỉ nghe mà còn phải thỏa mãn về phần hình ảnh thì cái loa phát thanh của làng, của xã có lẽ đã lỗi thời. Cần có một giải pháp thay thế hoặc nâng cấp hơn cái “mõ làng” này.
Có lẽ chẳng có nơi nào loa phát thanh lại hữu hiệu như ngoài xã đảo. Xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ), người dân bao thế hệ nay đều quen với nguồn tin trên loa phát thanh. “Sáng nay loa báo miền Trung có bão lớn, đi mần phải để ý sóng gió nghen con. Sẵn tiện đi ngang qua nhà ông bà Năm nhắc ổng nay nghỉ một bữa nha, mai xem sóng gió thế nào rồi hãy ra thăm giàn hàu. Ổng lớn tuổi rồi, sức không lại với sóng gió đâu”, mỗi khi có loa báo tin gì bất lợi cho người dân, nhất là mưa bão, chú Bùi Văn Mười (ngụ 261/29 Tổ 36, ấp Thạnh Bình, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) lại dặn con, cháu và nhắc nhở bà con xóm giềng như vậy. 

Tin cùng chuyên mục