Hai Lúa chế tạo máy nông nghiệp

Trong veo nắng miền Đông, tôi ngược lên biên giới huyện Tân Châu của tỉnh Tây Ninh gặp Trần Quốc Hải. Cách cầu Tha La bắc qua sông Sài Gòn phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng chừng vài trăm thước, tôi không khó nhận ra xưởng cơ khí của Trần Quốc Hải khiêm tốn nép bên bìa rừng cao su. Tiếng máy khoan, máy mài, máy dập hòa vào ánh lửa hàn như đánh thức rừng cao su sau mùa thay lá mới.
Hai Lúa chế tạo máy nông nghiệp

Trong veo nắng miền Đông, tôi ngược lên biên giới huyện Tân Châu của tỉnh Tây Ninh gặp Trần Quốc Hải. Cách cầu Tha La bắc qua sông Sài Gòn phía thượng nguồn hồ Dầu Tiếng chừng vài trăm thước, tôi không khó nhận ra xưởng cơ khí của Trần Quốc Hải khiêm tốn nép bên bìa rừng cao su. Tiếng máy khoan, máy mài, máy dập hòa vào ánh lửa hàn như đánh thức rừng cao su sau mùa thay lá mới.

10 năm trước (2003) cũng tại bìa rừng này, anh nông dân Trần Quốc Hải đã chế tạo máy bay trực thăng gây xôn xao dư luận. Giới truyền thông trong nước đặt cho anh biệt danh “Hai Lúa chế trực thăng”. Nhà làm phim Việt kiều Lê Quang Đỉnh còn xây dựng hẳn một bộ phim tài liệu dài 20 phút về Trần Quốc Hải trình chiếu tại cuộc triển lãm tổ chức tại Úc. Phim được phát trên hệ thống truyền hình 50 nước. Năm 2007, Bảo tàng Mô-ma bên Hoa Kỳ sang tận nơi mua lại chiếc trực thăng của Trần Quốc Hải đưa về đặt trang trọng tại bảo tàng. Cha con anh được phía Hoa Kỳ mời sang dự hội thảo.

Trong thời gian lưu ngụ ở Hoa Kỳ, Trần Quốc Hải có dịp vô thư viện bang Texas đọc tài liệu khoa học kỹ thuật. Hải kể: “Tình cờ tôi đọc được cuốn sách giáo huấn của Giáo hoàng. Trong sách có đoạn ngài nói đại ý, hãy biến phương tiện phục vụ chiến tranh như máy bay, tàu thủy… thành máy móc nông nghiệp phục vụ con người”. Lời răn của Giáo hoàng làm Trần Quốc Hải liên tưởng người nông dân quê mình còn nhiều vất vả trong sản xuất chỉ vì thiếu phương tiện cơ giới. Lần ấy, phía Hoa Kỳ tạo điều kiện mời anh ở lại, nhưng “Hai Lúa chế trực thăng” ở ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu (Tây Ninh) vẫn kiên quyết trở về.

Trần Quốc Hải chế tạo máy trồng mì.

Trần Quốc Hải chế tạo máy trồng mì.

* * *

Sau 3 tháng du ngoạn ở Hoa Kỳ, cha con “Hai Lúa chế trực thăng” Trần Quốc Hải trở về bìa rừng cao su bên cầu Tha La thơ mộng. Trần Quốc Hải chuyển đam mê chế tạo máy bay sang máy nông nghiệp. Anh tâm sự: “Mùa khô, quan sát công nhân dùng chổi quét lá cao su khô rụng tầng tầng trên mặt đất phòng hỏa hoạn, tôi nghĩ mình dám nghiên cứu chế trực thăng lẽ nào không nghiên cứu làm nổi máy thổi lá thay cây chổi trên tay người công nhân”. Ý tưởng ấy nhanh chóng trở thành hiện thực. Tác giả máy thổi lá cao su chống cháy đang sử dụng rộng rãi hiện nay ở các vườn cao su chính là Trần Quốc Hải. Sau máy thổi lá anh cho ra lò máy giặt sạch mủ tạp (còn gọi mủ đất) trước khi chế biến.

Trần Quốc Hải nắm tay tôi sang bãi đất bên kia đường đối diện với xưởng cơ khí rồi ngoắc người thợ leo lên ca-bin máy trồng mì nổ động cơ thao tác máy để tôi mục sở thị sản phẩm độc đáo của anh. Hải kể ý tưởng chế tạo máy trồng mì xuất phát sau lần anh lên Tây Nguyên tìm hiểu quy trình trồng mì của nông dân Tây Nguyên và những lần anh ra một số địa phương có diện tích mì lớn ở phía Bắc quan sát kinh nghiệm trồng mì của nông dân. Cách tiếp cận thực địa như vậy giúp “Hai Lúa Trần Quốc Hải” nghiên cứu chế tạo thành công máy trồng mì vào năm 2010. Hải khoác tay ra hiệu người lái tắt máy giới thiệu với tôi tính năng của máy. Cùng lúc, máy đảm trách 4 nhiệm vụ: rạch hàng, cắt hom, ép hom vào đất và lấp kín đất quanh hom. Sau 8 giờ máy trồng được 10ha, tương đương 150 lao động trồng thủ công, trong khi chỉ 6 lao động phục vụ.

Nhờ ưu điểm này máy trồng mì của Trần Quốc Hải được mạng Google bình chọn “Sản phẩm trí tuệ thế giới” và xếp thứ nhì sau máy cùng loại của Brazil nhưng cao hơn máy của Trung Quốc một bậc. Đến nay, Trần Quốc Hải đã sản xuất trên 50 máy, ngoài tiêu thụ trong nước, anh còn xuất bán sang Campuchia, Lào, Thái Lan…

Trần Quốc Hải tâm sự: “Đối với cây mì, khâu thu hoạch là nặng nhất. Gặp đất cứng đào chai tay mới moi nổi củ mì lên khỏi mặt đất. Đã vậy, sản phẩm còn bị hao hụt khoảng 4 tấn/ha”. Để giải quyết bài toán này, “Hai Lúa Trần Quốc Hải” lại thức thâu đêm nghiên cứu, thiết kế máy thu hoạch củ mì. Hải cho biết: “Máy không chỉ đào củ, hạn chế thấp nhất tình trạng sứt mẻ củ mà còn tách đất khỏi củ, công suất máy đạt 0,5ha/giờ. tương đương 8 lao động đào thủ công.

* * *

Nhâm nhi ly cà phê, “Hai Lúa chế trực thăng” Trần Quốc Hải bộc bạch riêng máy thu hoạch mì, tỉnh Tây Ninh hứa hỗ trợ anh 292 triệu đồng nhưng đến nay mọi thủ tục hành chính vẫn chưa xong. Tuy vậy, “Hai Lúa chế trực thăng” vẫn không chùn bước trên con đường đồng hành với nông dân. Hải bật mí:

– Tiết Thanh minh dịu mát tháng 3 tới, mời anh lên xem tôi tỉa 50ha bắp bên hồ Dầu Tiếng bằng chiếc máy sắp hoàn thành kể từ khâu bỏ hạt đến chăm sóc, thu hoạch chỉ một người điều khiển.

Khuynh Diệp

Tin cùng chuyên mục