Hâm mộ và hành động

Đội tuyển Việt Nam vừa có trận ra quân thành công tại AFF Cup 2018 với chiến thắng 3-0 trước đội tuyển Lào. 

Tính chất chuyên môn của trận đấu không phải là dấu ấn lớn nhất, mà là hình ảnh cổ động viên (CĐV) Việt Nam “nhuộm đỏ” khán đài sân vận động quốc gia tại TP Vientiane, biến nơi đây thành “Mỹ Đình thu nhỏ”.

Giá vé rẻ cộng với quãng đường di chuyển không xa đã giúp đưa gần 5.000 CĐV Việt Nam sang nước bạn. Bên cạnh đó, cần phải nhắc đến việc ra nước ngoài xem bóng đá dần trở nên quen thuộc với người hâm mộ Việt Nam. Tại giải U.23 châu Á và Asiad mới đây, có hơn 3.000 lượt khán giả đến từ Việt Nam vào sân xem những trận đấu của đội nhà. Con số này cao hơn đến vài chục lần so với 10 năm trước, ở những sự kiện tương tự. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có lực lượng người hâm mộ bóng đá đông đảo nhất khu vực và châu lục.

Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể kiếm được tiền trực tiếp từ người hâm mộ. Thống kê cho biết, ở mùa giải V-League vừa qua, nhờ hiệu ứng U.23 nên số khán giả bình quân của giải có tăng lên, đạt mức 6.200 người/trận. Tuy nhiên, trong số 12 sân bóng tổ chức V-League thì có đến 50% sân chỉ trung bình 3.000 người/trận. Nguồn thu từ bán vé không bù nổi chi phí tổ chức. Cá biệt có sân chưa đến 2.000 người/trận như các trận đấu của Cần Thơ, đội bóng đã phải xuống hạng ở mùa giải vừa qua. Trong khi đó, cũng là đội bóng suýt phải xuống hạng nhưng sân Thiên Trường của Nam Định lại xếp đầu về số khán giả với trung bình trên 12.000 người/trận. Chi tiết này cho thấy, vấn đề không nằm ở chất lượng của đội bóng mà ở mức độ quan tâm bóng đá của người hâm mộ.

Nói cách khác, có khoảng cách lớn giữa tình yêu, sự hâm mộ với hành động thiết thực đối với bóng đá Việt Nam. Có nhiều người sẵn sàng bàn luận về những trận đấu trên mạng xã hội hay các trang tin tức nhưng cũng chính họ thừa nhận là chưa bao giờ đến sân xem bóng đá. Mức giá vé xem những trận đấu V-League có nơi chỉ ngang với một tô phở, thậm chí là miễn phí, nhưng khán giả vẫn không hề tăng. Người hâm mộ có vô số lý do để từ chối việc bỏ tiền mua vé, chủ yếu là “chê” chất lượng chuyên môn của các trận đấu nội địa, nhưng lại “quên” mất rằng, chính sự ủng hộ của họ là động lực để các CLB có cơ sở để đầu tư cho những yếu tố liên quan chuyên môn như đào tạo trẻ, chơi bóng đá đẹp. Nếu các khán đài cứ trống vắng mãi, thì cầu thủ chơi bóng trên sân cũng khó mà tận hiến. Không có khán giả, cầu thủ cũng chỉ là “công nhân đá bóng lãnh lương”. Không có khán giả, cũng sẽ khó mà có những nguồn thu từ quảng cáo, tài trợ hay bản quyền truyền hình để có thể tái đầu tư cho hoạt động đào tạo.

Tất nhiên, một đội bóng muốn có khán giả thì phải chơi hay, giành nhiều chiến thắng, hoặc chí ít là phải đá cống hiến, sở hữu nhiều ngôi sao. Nhưng những chi tiết phù hợp thị hiếu số đông ấy thông thường chỉ đến sau, khi đã có tiềm lực tài chính mạnh. Mọi xuất phát điểm của các CLB ở bất kỳ đâu, cũng xuất phát từ sự ủng hộ của chính người hâm mộ. Câu chuyện của sân Thiên Trường là ví dụ điển hình cho những giá trị mà sự hâm mộ đích thực mang lại cho đội bóng. Dù yếu về trình độ, khó khăn về tài chính, nhưng cầu thủ Nam Định vẫn chơi hết sức mình để giành quyền trụ hạng vào phút cuối. Với sự ủng hộ từ người hâm mộ như thế, tương lai của đội bóng có thể tốt hơn.

Nói đi thì cũng phải nói lại. Tại sao CĐV Việt Nam sẵn sàng chi tiền đi xem đội tuyển thi đấu ở nước ngoài nhưng lại thờ ơ với sân cỏ nội địa? Sân Thiên Trường liệu có đông khán giả mãi hay không nếu như mùa nào cũng lặp đi lặp lại điệp khúc “khó khăn”, “trụ hạng”, một kiểu “thử thách” lòng kiên nhẫn của người hâm mộ? Nói cách khác, liệu những nhà quản lý, điều hành bóng đá Việt Nam đã thực sự tìm cách đưa khán giả đến sân hay chưa? Liệu các CLB đã thực sự biến những trận đấu thành các “sản phẩm” tốt để “bán” cho CĐV của mình hay không? 

Đây không thể là câu chuyện “Con gà và quả trứng” nữa mà nằm ở nỗ lực của cả hai phía. 

Tin cùng chuyên mục