Hạn hán đe dọa Tây Nguyên

Mùa mưa kết thúc sớm, nên đến thời điểm này, nhiều hồ thủy thời tại Tây Nguyên đã cạn nước. Hàng chục ngàn hécta cây công nghiệp tại khu vực này đang đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. 

Hồ đập khô cạn

Mặc dù mới cuối tháng 2 nhưng mực nước tại nhiều hồ đập ở các tỉnh Tây Nguyên đã tụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ, thậm chí nhiều hồ đã cạn trơ đáy, người dân đang rất chật vật lấy nước tưới cho cây trồng. Hồ đội 3 (thôn Tây Hồ, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) rộng hơn 8ha, là nơi cung cấp nước tưới cho hàng trăm hécta trà, cà phê quanh vùng.

Hiện mực nước đã giảm nghiêm trọng, chỉ còn đọng nước ở dưới đáy hồ, vậy nhưng gần 10 máy bơm đang đua nhau hút nước. Anh Nguyễn Văn Hải (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) vừa lắp vội đường ống để hút nước vừa kể: “Ba năm rồi, năm nào hồ cũng thiếu nước tưới. Riêng năm nay thiếu nghiêm trọng hơn. So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay mực nước giảm hơn nửa mét. Hiện chỗ sâu nhất chỉ ngang đầu gối. Còn những năm trước, dù hạn nặng cỡ nào thì khoảng tháng 4 hồ mới khô nước, nhưng tình hình năm nay, e rằng tầm giữa tháng 3 là cạn đáy rồi, khi ấy không biết lấy nước đâu mà tưới cây nữa”.

Trong khi đó, hồ 14 (xã Bàu Cạn) rộng khoảng 5ha, là nơi cung cấp nước tưới cho khoảng 100ha cây trồng, hiện cũng đã cạn đáy. Các máy bơm không hoạt động được nên đành “đắp chiếu”.

Hạn hán đe dọa Tây Nguyên ảnh 1 Mực nước ở Hồ 14 (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã cạn sắp tới đáy, 
mặt hồ nứt nẻ do hạn hán gay gắt. Ảnh: HỮU PHÚC
Theo ông Trần Minh Đức (xã Bàu Cạn), gia đình ông có 2,5ha cà phê trồng gần hồ nhưng chỉ mới tưới đợt 3 thì hồ hết nước, trong khi mỗi vụ phải tưới ít nhất 5 đợt.

Ông Đức nhẩm tính, chỉ khoảng 30% diện tích cà phê tưới được nước đợt 3, còn lại 70% mới tưới đợt 2 thì hồ đã cạn nước. Không có nước tưới, nhiều hộ dân trông chờ mưa và cay đắng nhìn vườn cà phê bị khô bông, không đậu quả.

Xuôi theo đường liên xã từ thị trấn Quảng Phú về xã Ea M’Nang (cùng thuộc huyện CưM’gar, tỉnh Đắk Lắk), dọc theo bờ kênh thủy lợi nhỏ có hàng chục chiếc máy bơm đang đua nhau hút nước dưới mương để tưới cho những vườn cà phê đang héo lá.

Vừa dùng cuốc nạo vét sâu con mương để nước chảy về ống bơm, anh Hà Văn Trung (ngụ thôn Tiến Phú, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) than thở: “Chưa năm nào khô hạn khốc liệt như năm nay. Nắng kéo dài và cũng chẳng thấy mưa dông xuất hiện. Tôi có 1,3ha cà phê trồng xen cây hồ tiêu, nhiều lúc vừa tưới vừa chờ nước. Cũng vì kênh thủy lợi cấp không đủ nước nên tình trạng tranh giành nước tưới tại khu vực này diễn ra rất phức tạp”.

Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk, cho biết theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Tây Nguyên, trong năm nay sẽ diễn ra tình trạng El Nino. Do mùa mưa năm vừa rồi kết thúc sớm nên các hồ, đập thủy lợi tích nước không đủ.

Trên địa bàn toàn tỉnh có 246 hồ đập thủy lợi cung cấp nước cho các vùng trồng cây nông nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã có 53 hồ, đập dung tích nước còn dưới 50% hoặc cạn nước. 

Tại tỉnh Đắk Nông, nắng nóng kéo dài khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu vụ đông xuân có nguy cơ mất trắng. Theo ông Nguyễn Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), hơn 60ha lúa vụ đông xuân tại cánh đồng Đăk Rền của xã đang có nguy cơ chết khô do mực nước sông Krông Nô xuống thấp khiến miệng hút ở các trạm bơm không hút tới nên không cung cấp được nước cho cánh đồng. 

Khẩn trương cứu cây trồng

Để có nước tưới cho cây trồng, người dân làm đủ mọi cách như tranh thủ vét nước trong những kênh mương, thuê xe chở nước tới hoặc đào thêm giếng. Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), cảnh báo: “Những năm qua, cứ đến khô hạn, tình trạng người dân khoan giếng để tìm nước tưới diễn ra rất nhiều. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 1.000 giếng khoan, giếng đào, hầu hết không được cấp phép. Việc khoan giếng tràn lan là một trong những nguyên nhân khiến lượng nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tài nguyên nước mà còn ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và cây trồng. Do đó để ngăn chặn, chúng tôi khuyến cáo chính quyền các xã có biện pháp ngăn chặn, không để xảy ra tình trạng khoan giếng tràn lan”.

Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Lắk, cho hay trước tình trạng nhiều hồ đập cạn nước, chi cục đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương tăng cường ứng phó hạn hán; nạo vét kênh mương, tích nước ở các đập tràn; điều tiết nguồn nước hợp lý để đảm bảo phục vụ tưới cho cây trồng.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Long, trong những năm gần đây, để ứng phó với tình trạng hạn hán, ngành chức năng của tỉnh đã khuyến khích người dân nên trồng các loại cây nông nghiệp phù hợp ở các vùng đất thường xuyên bị thiếu nước. Ngoài ra, nông dân nên áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm để có đủ nguồn nước tưới cho cây trồng. 

Còn theo ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm vào những thời kỳ hạn hán cao điểm, các địa phương cần tăng cường bám địa bàn, phối hợp nhịp nhàng với đơn vị quản lý công trình thủy lợi để có sự điều tiết, sử dụng nguồn nước hợp lý.

Bên cạnh việc bảo đảm nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, các công trình phục vụ cả mục đích sinh hoạt như hồ Đô Ri, Hồ Tây (Đắk Mil), Đắk Rồ (Krông Nô) cũng được quan tâm nhiều hơn để không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tin cùng chuyên mục