Hàng giả, hàng nhái hoành hành - Bài 2: Hiệu quả xử lý, ngăn chặn chưa tương xứng

Hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế mỗi quốc gia, điều này hầu như ai cũng rõ. Nhưng hiện nay, việc khống chế vấn nạn này lại không phải là chuyện dễ dàng. Để có thể xử lý được hàng giả, hàng nhái, theo quy định thì phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái, sau đó tiến hành giám định để kết luận hàng giả mạo. Tuy nhiên, nhiều chủ sở hữu do sợ đụng chạm, mất thời gian kiện tụng, nên ít khi ra mặt; khiến cho việc xử lý vốn đã khó nay càng khó hơn. 
Âm thầm xử lý , cách làm không hiệu quả
Đó là khuyến cáo của lãnh đạo một số cơ quan chuyên trách khi trả lời phóng viên Báo SGGP về việc làm thế nào để xử lý triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái lộng hành tại nhiều điểm bán hàng ngay ở trung tâm TP.
Về vấn nạn hàng dỏm, cách nay ít ngày, chính lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ đã khẳng định: “Do chưa được quản lý, giám sát chặt chẽ, một số trung tâm mua sắm tại TPHCM đã trở thành thiên đường của hàng giả, hàng nhái. Các thương hiệu thời trang đình đám, nổi tiếng thế giới đều có thể được bán ở những nơi này với giá đúng nghĩa hàng nhái”. 
Nhưng việc ngăn chặn hàng dỏm được thực hiện ra sao? Câu hỏi này không dễ trả lời. Vì đằng sau đó là câu chuyện của từng doanh nghiệp (DN), từng thương hiệu.
Hàng giả, hàng nhái hoành hành - Bài 2: Hiệu quả xử lý, ngăn chặn chưa tương xứng ảnh 1 Lực lượng QLTT TPHCM kiểm tra, phát hiện lô hàng giả, hàng nhái trên thị trường
Bà L.L.X., Trưởng phòng Bảo vệ thương hiệu của một doanh nghiệp FDI nổi tiếng tại Việt Nam, đã chia sẻ rất thẳng thắn rằng DN không muốn mất uy tín thêm nữa sau mỗi vụ hàng dỏm. “Do vậy, cách lựa chọn tối ưu là… âm thầm phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết. Nếu để truyền thông biết được thì chẳng khác nào con dao hai lưỡi, vừa làm mất uy tín thương hiệu sản phẩm, vừa không giữ được mối quan hệ thân tình, gắn bó với cơ quan chuyên trách”, bà L.X. cho biết. Đây cũng là cách xử lý chung của một số thương hiệu khác tại Việt Nam như adidas, Nike, Louis Vuitton…
Trả lời về việc nhiều sản phẩm bị nhái công khai, bày bán tràn lan, đại diện pháp luật chủ sở hữu thương hiệu chỉ nói ngắn gọn rằng người tiêu dùng nên chọn các trung tâm bán hàng uy tín, chính hãng để chọn sản phẩm, thay vì mua hàng xách tay, hàng trôi nổi. 
Việc phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường khá dễ dàng, nhưng như đã nói ở trên, để xử lý thì cần có sự vào cuộc của chủ sở hữu thương hiệu. Bên cạnh đó, khâu giám định cũng là một vướng mắc. Nhiều mặt hàng có chi phí giám định rất cao, trong khi cơ quan chuyên trách phải tạm ứng kinh phí và mất nhiều thời gian mới có thể nhận lại khoản tạm ứng. 
Trước thực tế này, theo ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chi nhánh TPHCM, các DN bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần chủ động đứng ra tố cáo vi phạm, phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Việc âm thầm “đốt đèn” đi xử lý sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề. 
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Thông tin mới nhất từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, từ đầu tháng 12 đến nay tình hình buôn bán vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả từ các tỉnh vào TP tăng cao hơn so các tuần trước đó, vì đã là thời điểm bước vào mùa lễ, tết, các đối tượng vi phạm tranh thủ tập kết hàng hóa chuẩn bị tung ra thị trường. Để ứng phó kịp thời, lực lượng QLTT đã tăng cường kiểm tra, xử lý các sai phạm liên quan đến kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…
Trong 2 tuần qua, các đội QLTT TP đã phát hiện khoảng 40 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng nhái; tạm giữ gần 100 đôi giày, dép hiệu Chanel, Valentino, Christain Louboutin và khoảng 1.500 đồng hồ đeo tay, túi xách, quần áo các loại thương hiệu Louis Vuitton, adidas, Nike, Rolex, Montblanc, Burberry... 
Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, lực lượng QLTT đã và đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng liên ngành để kiểm tra, phát hiện các điểm kinh doanh sai phạm nhằm xử lý kịp thời. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị phát hiện xử lý thì chỉ êm được một thời gian, sau đó lại tái phạm. Muốn ngăn chặn được tình trạng hàng giả, hàng nhái thì song song với việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt, người tiêu dùng nên có ý thức tẩy chay các mặt hàng dỏm này để bảo vệ chính mình, cũng như góp phần phát triển lành mạnh nền kinh tế. 
Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định rằng việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái đem lại mức lợi nhuận khủng khiếp, làm nhiều kẻ hám lợi mờ mắt thực hiện, sẵn sàng chịu phạt, thậm chí ngồi tù. Vì vậy, cần có sự chung tay, chịu trách nhiệm của các cơ quan chuyên ngành, địa phương, DN và cả của người tiêu dùng. Một khi làm kiên quyết, có sự “ra quân” tổng hợp thì hàng giả, hàng nhái mới bị đẩy lùi.
Ngay sau khi Báo SGGP phản ánh thực trạng hàng giả, hàng nhái tung hoành, lãnh đạo Chi cục QLTT TPHCM khẳng định sẽ ra quân kiểm tra, xử phạt ngay những điểm đã nêu. Bên cạnh đó, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng “chảy” vào TPHCM trong những tháng cuối năm, lãnh đạo Chi cục QLTT đã chỉ đạo các đội trực thuộc tăng cường công tác phối hợp với lực lượng QLTT ở các tỉnh bạn, khu vực giáp ranh; kết hợp hoạt động với các đơn vị chức năng của ngành công an; đồng thời đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tố giác, cung cấp tin để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục