Hàng giả uy hiếp doanh nghiệp

Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng cam go, khốc liệt, vì các đối tượng vi phạm thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi.
Giày nhái thương hiệu nổi tiếng bày bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: THÀNH TRÍ
Giày nhái thương hiệu nổi tiếng bày bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: THÀNH TRÍ
 Điều này gây rủi ro lớn cho cả doanh nghiệp (DN) lẫn người tiêu dùng, thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế. Tuy vậy, có một sự thật trớ trêu được cảnh báo tại hội thảo về chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT, do Cục SHTT tổ chức tại TPHCM ngày 21-11, đó là khả năng DN bị kiện ngược. 

Tại hội thảo, nhiều DN phản ánh, tình trạng xâm phạm quyền SHTT diễn biến khá phức tạp. DN không chỉ bị nhái từng phần mà còn bị nhái “nguyên con” (bị làm giả mạo toàn bộ dấu hiệu nhận diện sản phẩm, trang phục nhân viên…). Thế nhưng, việc khiếu nại, xử lý mất khá nhiều thời gian, chi phí. “Công ty bị thiệt hại ghê gớm, còn DN vi phạm vẫn ung dung chấp nhận chịu phạt, bởi mức phạt không đủ răn đe”, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thời trang Nón Sơn, bức xúc nói. Tương tự, lãnh đạo Công ty TNHH Spark Plug NGK Việt Nam (chuyên sản xuất sản phẩm Bugi) cũng kể lại câu chuyện sản phẩm chính hãng của thương hiệu này bị giả mạo, được bày bán công khai. Trước tình hình này, các DN đề nghị cơ quan chức năng địa phương cần chủ động hỗ trợ DN, giám sát chặt những điểm kinh doanh hàng dỏm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và DN làm ăn chân chính.

Đáng chú ý, ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện Cục SHTT Việt Nam chi nhánh TPHCM, nêu ra thực tế có những DN hoạt động lâu năm, có thương hiệu nhưng lại “quên” đăng ký quyền SHTT nên rơi vào tình huống khởi kiện DN vi phạm nhưng lại bị chính DN vi phạm kiện ngược. “Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra ở cả thị trường nước ngoài. Chúng ta có rất nhiều nhãn hiệu như Vinataba bị đăng ký ở Trung Quốc, cà phê Trung Nguyên bị đăng ký ở Mỹ, kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi bị đăng ký ở Nhật Bản, cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký ở Trung Quốc… Đấy là bài học mà DN cần lưu ý. Thêm nữa, các DN có thể chọn cách đăng ký bao vây tên thương hiệu, tên miền có khả năng bị giả mạo để phòng ngừa rủi ro. Chúng ta trồng cây thì nên chủ động tạo hàng rào bảo vệ trước”, ông Trần Giang Khuê khuyến cáo.
Theo ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng đại diện Cục SHTT Việt Nam chi nhánh TPHCM, thông tin, trong những năm gần đây số vụ đăng ký quyền SHTT tăng mạnh. Chẳng hạn, năm 2016 Cục SHTT nhận khoảng 60.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu quốc gia…), tăng khoảng 15% so với năm 2015; đồng thời tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Điều này chứng tỏ DN ngày càng quan tâm đến việc đăng ký quyền SHTT. 

Tin cùng chuyên mục