Hàng lậu “ẩn” trong hàng tồn

Thông tin từ Cục Hải quan TPHCM, gần chục ngàn kiện hàng tồn, hàng phế liệu nằm rải rác tại các cảng trên địa bàn TP chưa được giải tỏa, nhiều khả năng chứa hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng... Số hàng hóa nằm ỳ chờ giải tỏa này ảnh hưởng đáng kể đến lượng hàng chuyển về, tiến độ giao nhận hàng mới cập cảng của doanh nghiệp (DN).
Tính đến giữa tháng 5, hàng ngàn kiện hàng vẫn còn nằm rải rác tại các cảng biển, cảng hàng không (Cát Lái, Bến Nghé, Tân Sơn Nhất…) nhưng DN vẫn không chịu tới làm thủ tục theo quy định. Phân tích nguyên nhân không nhận hàng, lãnh đạo Cục Hải quan TP cho biết có thể do hàng kém chất lượng, có lô hàng phải đóng thuế cao hơn giá trị hàng hóa, hàng bị từ chối do gửi nhầm địa chỉ…
Đáng chú ý, một số lô hàng lậu, hàng cấm vừa được cơ quan chức năng phát hiện nên nhiều khả năng đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc DN cố tình từ chối lô hàng, không đến làm thủ tục.
Cụ thể, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 mới khám xét, phát hiện một container hàng chứa 95 bộ máy lạnh, 270 chiếc xe đạp, 3 xe máy. Số hàng này đã qua sử dụng, thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo quy định. Thêm nữa, Hải quan TP cũng phát hiện một trường hợp tương tự chứa hàng trăm bộ máy lạnh, tủ lạnh đã qua sử dụng trị giá gần 2 tỷ đồng. Các lô hàng trên có lỗi vi phạm gần giống nhau ở chỗ khai nhập khẩu mặt hàng này nhưng thực tế nhập mặt hàng khác, gồm có hàng đã qua sử dụng, thậm chí hàng phế liệu… 
Trước đây, thông tin về hàng loạt container máy lạnh, hàng điện tử tập kết tại các vùng ven TP bị lực lượng quản lý thị trường, công an kinh tế phát hiện khiến DN, người tiêu dùng rúng động. Nhưng qua truy xuất vụ việc, cơ quan chuyên trách phát hiện số hàng này đi lòng vòng bằng con đường tạm nhập tái xuất qua các nước láng giềng, sau đó tuồn ngược về TPHCM tiêu thụ. Một trong các điểm xuất phát lô hàng chính là một số cảng của TPHCM.
Trên thực tế, Hải quan TP cũng đã và đang khoanh vùng các đối tượng nhập khẩu thuộc diện nghi vấn, tiến hành các bước tiếp theo để xử lý những lô hàng tồn đọng theo quy định, nhưng DN, người tiêu dùng vẫn ngổn ngang nỗi lo. Bởi nếu rà soát không kỹ, số hàng trôi nổi nhiều khả năng còn ẩn trong các container hàng bị đẩy ra tiêu thụ sẽ gây xáo trộn thị trường. Qua đó tác động trực tiếp đến những DN làm ăn chân chính cũng như khách hàng tiêu dùng.
Riêng đối với hàng phế liệu nhập khẩu, rõ ràng cần phải làm kiên quyết, truy trực tiếp đến từng DN nhập khẩu, các hãng tàu vận chuyển… Tóm lại, đơn vị nào đưa hàng về, đứng tên trên tờ khai nhập khẩu cần phải có trách nhiệm với lô hàng. Không có chuyện phủi trách nhiệm, trả lời với cơ quan chức năng rằng không biết, để người tiêu dùng phải mua hàng trôi nổi, dẫn đến tình trạng các địa phương phải “gồng” mình trở thành bãi rác chứa đồ phế liệu, phế thải của thế giới.
Ngưng tiếp nhận các container nhựa phế liệu
Lãnh đạo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, từ ngày 1-6 sẽ ngưng tiếp nhận các container nhựa phế liệu chuyển từ các cảng nội địa khác, kể cả các cảng thuộc hệ thống Tân Cảng Sài Gòn về cảng đích Cát Lái.
Mục tiêu nhằm giảm tải hàng hóa ùn ứ, hạn chế hàng nhập lậu. Theo đó,  khách sẽ nhận hàng trực tiếp tại cảng dỡ hàng hoặc làm thủ tục chuyển về các cảng khác như Hiệp Phước, Nhơn Trạch, Long Bình…
Ngoài ra, phía cảng cũng đang phối hợp với Hải quan TP hỗ trợ  khách hàng có nhu cầu chuyển cảng đích. Riêng đối với các container nhựa, giấy phế liệu nhập khẩu trực tiếp tại cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chỉ tiến hành dỡ hàng từ tàu sau khi khách hàng xuất trình đủ giấy phép nhập khẩu và cam kết  thời gian nhận hàng cụ thể. Sau đó, từ ngày 10-6 đến 30-9-2018, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn ngưng tiếp nhận toàn bộ hàng nhựa phế liệu nhập khẩu tại 2 cảng này. 
Cũng từ ngày 1-6, cảng Cát Lái thí điểm tổ chức hun trùng container hàng hóa xuất khẩu ở khu vực lân cận để tránh tình trạng ùn ứ. 
GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục