Hàng ngàn người dân đổ xô hút phễnh

Cứ vào thời điểm đỉnh hạn, khi nước ở một số vị trí giữa đầm Thị Nại (Bình Định) rút xuống trơ đáy là thời điểm hàng ngàn người dân đổ đến để đào bắt phễnh.
Đào phễnh góp phần cải thiện cuộc sống cho những người lao động nghèo. Ảnh: BAOBINHDINH. VN
Đào phễnh góp phần cải thiện cuộc sống cho những người lao động nghèo. Ảnh: BAOBINHDINH. VN

 Để tăng năng suất thu hoạch, người dân còn trang bị máy nổ, đấu nối vòi để moi hút làm xáo trộn đáy đầm, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường về môi trường, sinh thái, nguồn lợi thủy sản.

Giữa tháng 7-2019 là thời điểm chính vụ thu hoạch phễnh (loài nhuyễn thể, có 2 vỏ giống nghêu) ở đầm Thị Nại. Mỗi ngày khi thủy triều rút xuống vài giờ là người thợ có thể đi ghe, lội ra giữa đầm hành nghề. Có mặt tại vùng đầm thuộc xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), phóng viên Báo SGGP ghi nhận cảnh hàng ngàn người đổ xô ra giữa đầm Thị Nại để đào, hút phễnh. Tiếng máy nổ inh ỏi cả một vùng. Thợ đào hút phễnh chủ yếu đến từ các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hòa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

Trước đây, nghề đào phễnh, sò, nghêu, vẹm, ốc, don, dắt… ở đầm Thị Nại không rầm rộ như bây giờ. Người dân chỉ sử dụng các công cụ thủ công như cuốc, xẻng, rổ, xúc để đào, bắt các loại nhuyễn thể. Nhưng ngày nay, đội quân hút phễnh trang bị máy nổ, hút, bắt theo kiểu... tận diệt. Những máy nổ công suất khoảng 20CV, sử dụng vòi lớn chọc thẳng xuống đáy đầm Thị Nại để thổi, hút bùn cát, lọc lấy các loài nhuyễn thể to nhỏ, không bỏ sót thứ gì.

Mỗi chiếc ghe hút (2 - 4 người) có thể thu được 1 đến 1,2 tấn phễnh/ngày. Phễnh được người thợ chia làm 2 loại: loại 1 (phễnh lớn), giá 10.000 - 12.000 đồng/con; loại 2 (tạp nham giữa phễnh, sò, ngao, vẹm, ốc, don, dắt…), giá 2.000 đồng/kg. Có những ghe mỗi ngày chỉ mất vài giờ có thể kiếm được tiền triệu. 

Thợ đào phễnh Nguyễn Văn Hòa (49 tuổi, xã Phước Sơn) cho biết, ông là người hiếm hoi còn sót lại ở đầm đeo bám nghề bằng phương pháp truyền thống. Mỗi ngày, gia đình ông thu về khoảng 3 - 4 tạ phễnh loại 2. Ông Hòa tâm sự, cũng một phần do không có tiền sắm máy nổ, phương tiện tốt để hành nghề nên đành đeo bám nghề cũ. “Nếu có tiền thì tôi cũng sẽ sắm ghe lớn, máy nổ công suất cao để tranh đua với đoàn người hút phễnh giữa đầm. Chúng tôi vẫn biết, nếu cứ tranh nhau hút rầm rộ thì một mai đầm này sẽ cạn kiệt, phễnh cũng sinh ra không kịp để hút bắt. Tuy nhiên, cũng vì hoàn cảnh khó khăn. Thực ra, chúng tôi cũng rất áy náy, lo lắng!”, ông Hòa trần tình.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phan Văn Khiêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuy Phước (Bình Định), cho biết: Hiện nay, việc thổi, hút phễnh và các loại nhuyễn thể ở đầm Thị Nại bằng máy nổ biến tướng ngày càng phức tạp. Người dân khai thác quá mức, sẽ phá vỡ kết cấu nền đáy, làm ảnh hưởng đến môi trường trú ngụ và sinh sản của các loài thủy sinh, gây ô nhiễm môi trường nước, suy giảm nguồn hải sản… Các địa phương đều phản ánh, ngành chức năng cần sớm vào cuộc để có định hướng phát triển bền vững nghề này. Cần đưa nghề hút phễnh bằng máy nổ vào danh mục cấm…

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, nghề hút phễnh bằng máy nổ là một loại hình mới biến tướng, chưa nằm trong danh mục cấm của Bộ NN-PTNT. Sau khi có kiến nghị của địa phương, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định xây dựng dự thảo về quyết định, quy định “Danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh”.

Tin cùng chuyên mục