Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang:

Hàng tết dồi dào, phong phú; giá bán ổn định

Công tác triển khai chuẩn bị hàng tết tại TPHCM đang diễn ra như thế nào? TPHCM đã và đang làm gì để kiểm soát cung - cầu, ổn định giá cả thị trường? Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để làm rõ những vấn đề trên.
Chế biến lạp xưởng tại một doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG
Chế biến lạp xưởng tại một doanh nghiệp. Ảnh: CAO THĂNG
Lượng hàng tết tăng 12% -15%
° PHÓNG VIÊN: Bà có thể đánh giá tổng quan về thị trường cũng như kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Mậu Tuất 2018 tại TPHCM? 
° Bà Nguyễn Huỳnh Trang: Năm 2017, TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. 
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ lũy kế 10 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 756.667 tỷ đồng, tăng 11,59% so cùng kỳ. Ước tính cả năm 2017, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của TPHCM sẽ đạt 920.440 tỷ đồng, tăng 10,89% so năm 2016. 
Bên cạnh đó, còn có lợi thế nữa là từ đầu năm đến nay, diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đáng lưu ý, một số mặt hàng nông sản như thịt heo, thịt gà… giảm giá do thừa nguồn cung, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của nông dân, diễn ra trên phạm vi cả nước. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu định hướng, quy hoạch vùng.
Riêng đối với chuỗi cung ứng hàng bình ổn thị trường, nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà phân phối, nhà sản xuất, nông trại, nhiều hợp đồng được lên kế hoạch và ký kết từ trước, cam kết ổn định giá trong thời gian dài nên không bị tác động nhiều; hoạt động nuôi trồng, thu nhập của nông dân trong chuỗi không bị ảnh hưởng.
Về kế hoạch chuẩn bị hàng tết, đến nay hầu hết doanh nghiệp (DN) đã và đang triển khai theo đúng tiến độ và gặp nhiều thuận lợi. Tại nhiều DN, lượng hàng chuẩn bị vượt kế hoạch thành phố giao.
° Bà có thể nói cụ thể hơn về kế hoạch chuẩn bị hàng tết?
9 nhóm mặt hàng thiết yếu tiếp tục được bình ổn giá trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, gồm: gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả, thực phẩm chế biến, thủy hải sản.
° Để đảm bảo hàng hóa phục vụ cho 13 triệu dân TPHCM, chúng tôi xác định có 3 nguồn cung từ các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm 30% - 40%; các chợ đầu mối lớn chiếm từ 50% - 60% nhu cầu thị trường và các DN khác 10% - 20%. 
Bằng nguồn vốn của DN và vốn vay từ các tổ chức tín dụng tham gia chương trình bình ổn với lãi suất ưu đãi; năm nay, các DN đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ hàng hóa trong 2 tháng trước và sau Tết Mậu Tuất 2018 hơn 17.800 tỷ đồng, tăng 743,3 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Đinh Dậu 2017, trong đó giá trị hàng bình ổn thị trường hơn 7.000 tỷ đồng. 
Lượng hàng chuẩn bị thị trường tết tăng từ 12% - 15% so kế hoạch TP giao và tăng 20% - 30% so kết quả thực hiện Tết Đinh Dậu 2017. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 32% - 55% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 57,1%), trứng gia cầm (47,1%), thực phẩm chế biến (39,1%), thịt gia súc (35,5%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Về mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ khoảng 41,1 triệu lít bia và 47,2 triệu lít nước giải khát/tháng tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường. Các mặt hàng bánh, mứt, kẹo dự báo tiêu thụ khoảng 18.000 tấn. Các công ty bánh kẹo năm nay cung ứng nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tương đương bánh ngoại nhập. 
Đối với mặt hàng hoa tết, dự kiến thị trường TPHCM tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành hoa các loại như cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng; trong đó, 4 chợ chuyên kinh doanh hoa như chợ Hồ Thị Kỷ, chợ Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức sẽ cung ứng khoảng 80% thị phần hoa tươi. 
Với lượng hàng hóa được chuẩn bị chu đáo, dồi dào sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết.
° Ổn định giá hàng tết trong 2 tháng, như vậy chúng ta có thể yên tâm về nguồn hàng. Nhưng để hàng hóa không rơi vào tình trạng khan hiếm giả tạo, gây sốt giá, Sở Công thương sẽ triển khai những biện pháp gì? 
° Hiện Sở Công thương đang tiếp tục theo dõi sát công tác chuẩn bị, giá cả và sức mua để thực hiện tốt hơn công tác điều phối hàng hóa, thị trường từ nay đến cận tết.
Để làm được việc này, vào giữa tháng 12-2017 tới, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra thực tế tại nguồn, kết hợp với việc yêu cầu các DN sản xuất và phân phối lên kế hoạch thật chi tiết, cụ thể về số lượng hàng hóa, từng mặt hàng thiết yếu; đồng thời tiến hành đặt hàng chi tiết cho các DN sản xuất để chủ động hơn trong quá trình cung ứng và phân phối hàng hóa.
Về giá bán, năm nay các DN đã cam kết ổn định, không tăng giá trong 2 tháng tết (tức 1 tháng trước tết và 1 tháng sau Tết Mậu Tuất 2018). Ngoài ra, các DN cũng đăng ký với Sở Công thương về kế hoạch giảm giá bán hàng thiết yếu như thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm… trong những ngày cận tết để hỗ trợ dân nghèo có thể mua sắm hàng hóa đón tết. 
Sở cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó lực lượng chính là quản lý thị trường, Thanh tra Sở Tài chính, các đội kiểm tra liên ngành, ban quản lý các chợ chịu trách nhiệm về công tác quản lý giá, xử lý các trường hợp vi phạm pháp lệnh giá; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện văn minh thương mại, không đầu cơ, găm hàng. 
Phát triển hơn 10.000 điểm bán hàng bình ổn
° So với những năm trước, nét mới trong công tác chuẩn bị hàng tết 2018 là gì, thưa bà? 
° Song song với việc chuẩn bị hàng tết, năm nay Sở Công thuơng sẽ tổ chức hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2017, dự kiến diễn trong 3 ngày, từ ngày 8 đến 10-12 tới. Theo số liệu cập nhật mới nhất, hiện đã có 36 tỉnh, thành đăng ký tham gia hội nghị, số lượng DN tham gia trưng bày, giới thiệu hàng hóa đã vượt con số 2.800 đơn vị. Hội nghị không chỉ là nơi DN của TPHCM và các tỉnh, thành gặp gỡ, ký hợp tác cung ứng và tiêu thụ hàng hoá mà người dân TP cũng có thể đến tham quan, mua sắm các sản phẩm thiết yếu. 
Chủ trương của chúng tôi là khuyến khích các hệ thống phân phối tăng cường hướng dẫn, định hướng để các DN sản xuất, đặc biệt nhóm mặt hàng đặc sản từ các vùng miền của cả nước, để đưa vào hệ thống siêu thị nhằm tăng nguồn cung, tạo nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng trong dịp tết. 
Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã đưa vào diện truy xuất nguồn gốc đối với nhiều nhóm thực phẩm tươi sống như thịt heo, thịt và trứng gia cầm, rau củ quả có chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Theo tôi, đây là những điểm mới trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. 
° Trên thực tế, việc chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, phong phú là chưa đủ, điều quan trọng là phải đưa hàng hóa đó đến tay người tiêu dùng. Sở Công thương sẽ triển khai mạng lưới phân phối hàng tết như thế nào?
° Đúng như vậy. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường, lãnh đạo TP đã xác định song song với công tác tạo nguồn hàng có chất lượng, giá bán ổn định; trong đó việc phát triển mạng lưới phân phối đóng vai trò rất quan trọng. Từ quan điểm này, những năm gần đây, chương trình bình ổn đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc phát triển điểm bán, đưa hàng bình ổn đến đông đảo người tiêu dùng TP. Tính đến nay, đã phát triển 10.602 điểm bán hàng bình ổn, tăng 1.397 điểm bán so với năm 2016. Riêng chương trình lương thực - thực phẩm có 4.127 điểm bán, gồm 112 siêu thị - trung tâm thương mại, 477 cửa hàng tiện lợi, 922 điểm bán trong 131 chợ truyền thống, 2.616 điểm bán trong khu dân cư. 
Nhằm đảm bảo đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường, từ nay đến Tết Nguyên đán, các DN trong chương trình bình ổn dự kiến phát triển thêm 221 điểm bán, gồm 1 siêu thị (Co.opmart Chu Văn An), 24 cửa hàng tiện lợi và 196 điểm bán hàng của DN. Hội Liên hiệp Phụ nữ TP đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động hội viên tham gia bán hàng bình ổn thị trường, phát triển điểm bán tại chợ truyền thống; phối hợp với Saigon Co.op phát triển cửa hàng liên kết, tăng cường nguồn hàng cung ứng vào chợ truyền thống; tăng cường truyên truyền, kiểm tra, kiểm soát nguồn hàng đầu vào để đảm bảo an toàn thực phẩm, tiểu thương kinh doanh niêm yết và bán đúng giá quy định Thành đoàn TPHCM sẽ tăng tần suất chuyến bán hàng lưu động, tổ chức các phiên chợ hàng Việt, phiên chợ Thanh niên, phiên chợ Thanh niên công nhân... phục vụ đối tượng công nhân và người lao động tại các KCX-KCN. Tôi cho rằng, nếu việc mở các siêu thị, cửa hàng cần có thời gian thì việc đưa hàng tết thông qua các chuyến bán hàng lưu động là biện pháp tối ưu để hàng hóa đến tay người tiêu dùng vùng ven và các huyện ngoại thành sẽ nhanh và hiệu quả nhất.
° Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này! 
Bình ổn thị trường trước, trong và sau tết
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa có Chỉ thị số 14 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Bộ Công thương đề nghị sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc bộ, tập đoàn, tổng công ty, công ty, hiệp hội ngành hàng chủ động các giải pháp trong điều hành sản xuất, kinh doanh linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường.
Tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn quản lý dịp cuối năm, để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau tết. Chủ động tham mưu UBND các tỉnh, thành phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng phục vụ tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau tết.
Chỉ thị cũng yêu cầu Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm đã được chứng nhận áp dụng thực hành sản xuất tốt, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch; phối hợp với các địa phương khác trên cả nước tổ chức hoặc tham gia các chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, tạo nguồn hàng tết.
Bộ Công thương cũng sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và thúc đẩy lưu thông hàng hóa kết hợp cung ứng hàng bình ổn thị trường dịp tết cho các địa bàn dân cư. Tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo và đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ thời gian vừa qua với số lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
Đặc biệt, công tác tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn. 
Các doanh nghiệp, hiệp hội phải phản ánh kịp thời với Bộ Công thương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh của để bộ có hướng phối hợp, xử lý; tiếp tục đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, tạo nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định cung ứng thị trường tết.
Kim Chung 

Tin cùng chuyên mục