Hàng triệu người hối hả về quê đón tết

Những ngày này, cả triệu người ở TPHCM tấp nập dồn về các bến xe, ga tàu, sân bay để về quê ăn tết. Trong khi đó, giao thông trên nhiều tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương vẫn đang rối vì nhiều xe tải chạy… quá chậm.
Hành khách xếp hàng mua vé về quê đón tết tại Bến xe Miền Tây. Ảnh: QUỐC HÙNG
Hành khách xếp hàng mua vé về quê đón tết tại Bến xe Miền Tây. Ảnh: QUỐC HÙNG

Bến xe đông nhưng không quá tải

Tại Bến xe Miền Tây, từ sáng sớm cho đến tối, dòng người vẫn tấp nập về bến để mua vé về quê. Do đặc thù là các chặng ngắn nên hầu hết đều tới mua vé để đi luôn trong ngày. Lượng người tập trung tại khu vực quầy vé các doanh nghiệp tự bán, nhưng chưa có nhà xe nào phải dán thông báo hết vé. Tại khu vực bán vé của nhà xe Phương Trang, từ sáng đến trưa, hành khách liên tục dồn đến, xếp hàng chờ mua. Lượng người tăng cao nên tại khu vực này, lực lượng bảo vệ của bến xe và công an địa phương phải túc trực để giữ an ninh trật tự.

Lượng người tăng cao và các loại xe khách cũng liên tục ra vào Bến xe Miền Tây nên trên đường Kinh Dương Vương, đoạn trước cổng bến xe này giao thông bị ùn ứ cục bộ. Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây Đặng Nguyễn Nguyên Huân cho biết, lượng khách đến bến ngày31-1 khoảng 49.000 và tiếp tục tăng vào ngày 1-2, đạt khoảng 54.000 người. Lượng khách như trên, theo ông Huân là nằm trong dự báo trước đó, các kế hoạch cũng được chuẩn bị kỹ, nên tình hình tại bến diễn ra ổn định, không ùn ứ. Dự trù ngày cao điểm nhất tại bến là ngày 28 Tết, với hơn 60.000 khách. Tuy nhiên, ngoài số lượng phương tiện hoạt động tại bến với gần 2.300 xe, hiện đã có thêm 235 xe tăng cường nên hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân. 

Lượng người về quê đông nhưng theo ghi nhận, ùn ứ nhẹ chỉ xảy ra ở một số nút giao thông như khu vực vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh).

Tương tự, tại Bến xe Miền Đông, từ sáng sớm đến chiều tối, cổng chính của bến trên đường Đinh Bộ Lĩnh, các loại phương tiện chở hành khách tới bến... liên tục ra vào. Tại khu vực cổng 1A của bến, các loại xe khách, xe buýt cũng nối đuôi nhau rời bến. Vào khoảng 16 giờ, giao thông từ cầu Bình Triệu (phía quận Thủ Đức) qua đường Đinh Bộ Lĩnh tới giao lộ với đường Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh) ùn ứ kéo dài. Hàng ngàn phương tiện phải nối đuôi nhau, nhích từng chút để di chuyển qua khu vực Bến xe Miền Đông.

Rối trên cao tốc

Hầu như những ngày này đều xảy ra ùn ứ trên các tuyến đường cao tốc ra vào TPHCM. Đặc biệt, khi cao tốc TPHCM - Trung Lương không còn thu phí, rất nhiều xe thường ngày chạy trên quốc lộ 1 đã thay đổi lộ trình di chuyển trên cao tốc khiến tuyến đường này ùn ứ. 

Theo biển báo tốc độ, cao tốc TPHCM - Trung Lương có tốc độ tối đa là 120 km/giờ còn tốc độ tối thiểu là 60 - 80 km/ giờ (tùy theo làn đường). Nhưng những ngày qua, phóng viên ghi nhận, nhiều đoàn xe nối đuôi nhau với tốc độ khoảng 50 - 60 km/giờ. Nếu muốn đạt được tốc độ cao nhất, nhiều xe đã chạy vào làn khẩn cấp. Ngày 1-2, ghi nhận của phóng viên trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, lượng xe ùn ứ cục bộ nhiều thời điểm trong ngày, nhất là tại trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa. Trên quốc lộ 1A, đọan qua huyện Châu Thành (Tiền Giang), xe cộ nhích từng chút một. 

Một nhân viên tại trạm dừng chân trên cao tốc TPHCM - Trung Lương cho biết, từ khi không còn thu phí, nhiều xe tải có trọng tải lớn, xe container còn đậu cả vào làn khẩn cấp. 

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 (Tổng cục Đường bộ), đơn vị quản lý cao tốc TPHCM - Trung Lương, cho biết đã có văn bản gửi lực lượng cảnh sát giao trên đường cao tốc đề nghị tăng cường kiểm soát, nhất là các phương tiện dừng đỗ trên làn đường khẩn cấp. Song song đó, cục đã cử thêm người trực ở các trạm thu phí để tránh trường hợp các xe hai bánh chạy vào đường cao tốc. Ngoài ra, yêu cầu các đơn vị bảo trì thường xuyên kiểm tra, duy tu mặt đường, tăng thêm hệ thống chiếu sáng… Để các phương tiện chạy đúng tốc độ tối thiểu, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường đứng chốt đầu TPHCM và Tiền Giang xử lý qua hệ thống quan sát. Cao tốc được trang bị thêm nhiều hệ thống quan sát để xử phạt nguội các phương tiện chạy vào làn đường khẩn cấp, chạy không đúng tốc độ.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, từ 4 giờ sáng, hàng trăm hành khách bay chuyến sớm trong ngày đã tranh thủ đến sân bay làm thủ tục. Các hãng đã phải huy động hết nhân lực nhằm rút ngắn thời gian làm thủ tục cho hành khách. Tại khu vực làm thủ tục của Vietjet Air, hành khách xếp hàng kéo dài từ trong sảnh chờ ra ngoài cửa ga quốc nội. Trung bình, mỗi hành khách phải đợi gần 45 phút xếp hàng mới đến lượt làm thủ tục.

Tin cùng chuyên mục