Hàng Việt phải cạnh tranh bằng chất lượng

Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt hơn 170 tỷ USD. 4 tháng đầu năm 2017, con số này là 62 tỷ USD. Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua nhiều tầng trung gian nên khó nắm bắt nhu cầu thị trường và giá trị gia tăng không cao.
Đó là nhận định tại hội thảo “Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào mạng phân phối nước ngoài” do Bộ Công thương tổ chức diễn ra tại TPHCM ngày 26-5.
Xóa rào cản giữa doanh nghiệp với nhà phân phối
Nhận định từ Bộ Công thương, do không trực tiếp bán sản phẩm tại thị trường xuất khẩu, hàng Việt có rất nhiều bất lợi. Cụ thể, doanh nghiệp (DN) trong nước không nắm bắt nhu cầu tiêu dùng; không có đơn hàng bền vững, không quản lý chất lượng phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường khó tính; không phát triển thương hiệu... Đơn cử như sản phẩm cá tra, tại thị trường châu Âu, sản phẩm cá tra xuất xứ từ Việt Nam lại mang tên DN khác của nước ngoài. 
Mục tiêu của hội thảo lần này là nhằm tạo sự liên kết, đưa hàng hóa Việt xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế thông qua hệ thống phân phối ngoại. Đại diện Bộ Công thương khẳng định, khi hệ thống phân phối ngoại đồng hành cùng DN Việt sẽ dễ dàng xây dựng chuỗi cung ứng; hàng hóa cũng đáp ứng nhanh; chất lượng ổn định hơn. Hiện nhiều hệ thống phân phối luôn có nhu cầu mua trực tiếp hàng hóa tại Việt Nam, nhất là hàng nông sản, thủy sản vì đây là sản phẩm quản lý chất lượng tận gốc và theo chuỗi. 
Hàng Việt phải cạnh tranh bằng chất lượng ảnh 1 Mua túi xách doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG
Đại diện Aeon mall Nhật Bản cho biết, hiện Aeon mall đang có 300 công ty con hoạt động nhiều lĩnh vực như bán lẻ, bất động sản, tài chính tại nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, chỉ tính trong lĩnh vực bán lẻ, đơn vị đang có 3 siêu thị tại TPHCM, Bình Dương và Hà Nội, 59 cơ sở siêu thị liên kết với Citimart, Fivimart và 75 của hàng MiniStop. Tính đến nay, đã có 1.675 DN Việt trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho Aeon mall, nâng tỷ trọng doanh số hàng địa phương đạt 81%, hàng ngoại nhập chỉ 18%. Chất lượng hàng Việt Nam đang được cải thiện và tăng theo từng năm. 
Tuy nhiên, tại hội nghị, nhiều DN Việt cho rằng, để đưa hàng vào hệ thống phân phối ngoại không đơn giản. Đơn cử, để sản phẩm Việt vào trong hệ thống chuỗi cung ứng của hệ thống Aeon mall cần phải đảm bảo các tiêu chí an toàn chất lượng, phù hợp với đa tầng các đối tượng và thích hợp theo mùa. Không dừng lại đó, hệ thống phân phối ngoại chưa minh bạch trong quy trình thu mua sản phẩm. Nếu hệ thống phân phối ngoại vẫn thực hiện chính sách thu mua như hiện tại thông qua những nhà cung ứng trung gian thì DN nội vẫn bị chèn ép, nhất là DN vừa và nhỏ. 
Chưa hết, hiện các hệ thống siêu thị lớn thường đẩy mạnh phát triển nhãn hàng riêng. Thế nhưng, thay vì cách làm là hợp tác cùng với DN nhỏ để sản xuất và cung ứng ra thị trường sản phẩm có thương hiệu hợp tác của hai bên, thì các hệ thống phân phối ép DN nhỏ gia công sản phẩm cho mình. Như vậy thì rất khó để DN nhỏ có thể xây dựng và phát triển thương hiệu riêng của đơn vị. 
Cải thiện chất lượng sản phẩm phải ổn định, bền vững
Chất lượng hàng hóa cũng là vấn đề nan giải. Bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hội hàng Việt Nam chất lượng cao, chia sẻ rằng thời gian qua, hàng thực phẩm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ liên tục bị ách lại hoặc trả hàng về, hoặc gặp rất nhiều khó khăn.
Vấn đề ở chỗ họ đã thay đổi luật kiểm duyệt chất lượng theo hướng ngặt nghèo hơn nhưng DN nội chưa có thông tin. Đơn cử, thay vì kiểm tra chất lượng sản phẩm khâu cuối khi vào thị trường Mỹ, thì họ yêu cầu sản phẩm phải được kiểm tra và chứng nhận trên toàn hệ thống chuỗi sản xuất sản phẩm. Điều này có nghĩa là sản phẩm sản xuất phải được kiểm duyệt và chứng nhận từ khâu nguyên liệu, sản xuất đến thành phẩm, vận chuyển và vào thị trường Mỹ.
Hội đã thông báo tình hình này cho các cơ quan chức năng liên quan (nhưng hiện chỉ mới có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn phúc đáp là sẽ cho tiến hành đánh giá lại tác động của luật trên); tăng cường phổ biến thông tin mới; hỗ trợ xây dựng đơn vị giám sát kiểm định thứ 3 độc lập. Như vậy, chặng đường xuất khẩu của DN nội vẫn còn rất gian nan. 
Theo dự báo của Bộ Công thương, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng 15%. Do vậy, để hỗ trợ DN có thể xuất khẩu trực tiếp vào thị trường toàn cầu, trong thời gian tới, Bộ Công thương tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống phân phối và DN cung ứng; tổ chức đoàn DN tham gia trưng bày sản phẩm nước ngoài kết hợp đào tạo, tập huấn quản lý chất lượng, tiếp cận hệ thống phân phối; xây dựng năng lực các DN đáp ứng tiêu chí hệ thống phân phối; thúc đẩy DN nước ngoài đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Việt Nam; vận động hệ thống phân phối nước ngoài cam kết thu mua, xuất khẩu trực tiếp hàng hóa Việt Nam. Hiện Bộ Công thương đã tiếp cận một số hệ thống phân phối đang có mặt tại Việt Nam như Aeon, Wallmart, Lotte, Auchan… và một số hệ thống phân phối nước ngoài chưa có tại thị trường Việt Nam như Co.op Italia, Bonat Italia, Central Group, Ocean Pháp, Metro của Đức… để đẩy mạnh việc phân phối trực tiếp sản phẩm Việt Nam vào thị trường thế giới.
Vấn đề còn lại là nâng cao chất lượng hàng hóa và giá cả hợp lý để nâng sức cạnh tranh. Kinh nghiệm cho thấy, liên kết hiệp hội để tạo những nhóm cung ứng sản phẩm số lượng lớn là cách hay nhất để đạt các mục tiêu trên. Các hiệp hội có thể huy động sức mạnh tổng lực để tổ chức tuần lễ hàng Việt Nam xuất khẩu, tạo điều kiện cho DN nhỏ tiếp cận thị trường. Một vấn đề khác, nếu chỉ tập trung vào hàng giá rẻ thì không thể xuất khẩu bền vững được. Vẫn phải quan tâm đến chất lượng hơn là giá cả. Người mua thị trường khó tính đòi hỏi cao về chất lượng. Thay việc cạnh tranh về giá bằng xu hướng cạnh tranh bằng chất lượng, đó mới là hướng phát triển bền vững.
Đại diện hệ thống siêu thị Auchan nhấn mạnh, để đẩy mạnh xuất khẩu, DN Việt Nam cần khảo sát và tìm hiểu xu hướng thị trường; xây dựng thương hiệu; đặc biệt tập trung cải thiện chất lượng. Hàng hóa Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu nhất là sản phẩm thủy sản, nông sản. Vấn đề là DN Việt phải xây dựng được niềm tin về chất lượng sản phẩm, niềm tin vào hàng hóa Việt và xây dựng thương hiệu quốc gia. Còn đại diện Central Group cho biết, sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn và còn có thể đứng vai trò bảo lãnh vốn vay ngân hàng cho DN Việt. Đây là chính sách mới mà Central Group đang áp dụng.

Tin cùng chuyên mục