Hạnh phúc của người thầy

 Người Việt Nam vốn rất coi trọng truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Vậy nên, dù cuộc sống có thay đổi đến đâu thì truyền thống tốt đẹp ấy vẫn được lưu giữ. Để rồi hàng năm, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Sài Gòn Giải Phóng - đơn vị tổ chức Giải thưởng Võ Trường Toản - tổ chức trao giải thưởng cao quý này cho các thầy cô giáo, như một lời tri ân gửi đến các nhà giáo tiêu biểu, những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận giáo dục, những “kỹ sư tâm hồn” trong đào tạo nhân cách con người, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Hạnh phúc của người thầy

 Người Việt Nam vốn rất coi trọng truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Vậy nên, dù cuộc sống có thay đổi đến đâu thì truyền thống tốt đẹp ấy vẫn được lưu giữ. Để rồi hàng năm, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Báo Sài Gòn Giải Phóng - đơn vị tổ chức Giải thưởng Võ Trường Toản - tổ chức trao giải thưởng cao quý này cho các thầy cô giáo, như một lời tri ân gửi đến các nhà giáo tiêu biểu, những chiến sĩ thầm lặng trên mặt trận giáo dục, những “kỹ sư tâm hồn” trong đào tạo nhân cách con người, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

18 năm qua, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM và nhà tài trợ Prudential đã liên tục tổ chức giải thưởng này; đã có hơn 570 thầy cô giáo của TPHCM nhận giải. Đặc biệt, năm 2016, lần đầu tiên Giải thưởng Võ Trường Toản mở rộng quy mô đến ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng. Dịp 20-11 năm nay, TP Đà Nẵng có 20 thầy cô giáo được trao giải thưởng này. Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một số gương mặt nhà giáo tiêu biểu của TP Đà Nẵng.

Người có duyên với giải quốc tế

Thầy Ngô Ngọc Thủy, Tổ trưởng Tổ bộ môn Vật lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) vinh dự là 1 trong 20 thầy cô giáo được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng. Với 36 năm đứng trên bục giảng, thầy đã dạy dỗ không biết bao nhiêu thế hệ học trò, trong đó có nhiều học trò đoạt giải quốc tế, đỗ đạt thành tài. Năm 2005, sau nhiều năm giảng dạy tại Trường THPT Trần Phú, thầy Ngô Ngọc Thủy được điều động về Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Bên cạnh công tác chuyên môn là giảng dạy bộ môn Vật lý, thầy còn đảm trách nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp khu vực và dự thi Olympic môn Vật lý.

Thầy Ngô Ngọc Thủy (thứ hai từ phải sang) cùng học trò là Hoàng Lê Phương, Huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế 2011 được chào đón tại sân bay khi về nước. Ảnh: NVCC


Trong 11 năm làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thầy Ngô Ngọc Thủy đã giúp học trò mình mang về rất nhiều giải thưởng cao. Trong đó, đáng kể đến là 2 HCV thi Olympic Vật lý quốc tế; 2 HCB thi Olympic Vật lý quốc tế; 2 HCĐ thi Olympic Vật lý quốc tế; 3 HCB thi Olympic Vật lý châu Á; 1 HCĐ thi Olympic Vật lý châu Á... Với những thành tích trên, thầy Ngô Ngọc Thủy được công nhận là Nhà giáo ưu tú cùng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ GD-ĐT và TP Đà Nẵng.

Nói về quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi của mình, thầy Ngô Ngọc Thủy tâm sự: “Khi bồi dưỡng cho các em đi thi các giải quốc tế và khu vực, tôi như người huấn luyện viên cầm quân đội bóng vậy. Khi các em đạt kết quả tốt, rất khó có thể diễn tả cảm xúc. Mỗi thành công của các em như là nguồn động viên để tôi tiếp tục bồi dưỡng cho các lớp kế cận”.

Nói về thầy Ngô Ngọc Thủy, thầy Lê Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, cho biết: “Thầy Thủy là người rất có năng lực, được học trò và đồng nghiệp thương yêu, kính trọng. Năm 2004, lứa học trò đầu tiên mà thầy Thủy bồi dưỡng đã có 1 học sinh đoạt giải quốc tế. Đó là mốc son của Trường chuyên Lê Quý Đôn, vì suốt thời gian rất dài không có giải quốc tế. Và liên tiếp những năm sau đó, nhiều học sinh của thầy Thủy đoạt nhiều giải quốc tế và khu vực”.

Dạy học sinh bằng cả tấm lòng

Trường THPT Phan Châu Trinh là ngôi trường lâu đời của TP Đà Nẵng, nơi đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và nay là TP Đà Nẵng trong suốt một thời gian dài. Tại đây, có nhiều thế hệ thầy cô giáo đã có những đóng góp lớn cho ngành giáo dục với nhiều thành tích nổi bật. Trong số thế hệ thầy cô giáo đó, có cô giáo Phan Thị Hồng Loan, Tổ phó Tổ Vật lý - Công nghệ.

Cô giáo Phan Thị Hồng Loan hướng dẫn học sinh trong giờ thực hành. Ảnh: Nguyên Khôi

Gắn bó với ngành giáo dục suốt 30 năm, cô giáo Phan Thị Hồng Loan có những đóng góp to lớn cho Trường Phan Châu Trinh nói riêng, cho ngành giáo dục Đà Nẵng nói chung, bằng những cống hiến không mệt mỏi trong suốt nửa cuộc đời. Cô luôn đau đáu trách nhiệm là phải làm sao giúp học sinh có thể dễ dàng tiếp thu và giữ lâu kiến thức đã học trong đầu. Từ những trăn trở ấy, cô Phan Thị Hồng Loan không ngừng sáng tạo trong đồ dùng dạy học, cải tiến phương pháp dạy học.

Nói về niềm vui gắn liền với bục giảng, cô Loan tâm sự: “Tôi đến với học trò bằng cả tấm lòng. Vì vậy, tôi muốn đem hết những kiến thức đã học, đã nghiên cứu truyền đạt cho học trò với mong muốn làm sao học trò của tôi đỗ đạt, thành người có ích cho xã hội”.

Hạnh phúc vì được xã hội ghi nhận

Nếu như Lê Quý Đôn là trường chuyên của bậc THPT thì Nguyễn Khuyến được xem như là trường chuyên của bậc THCS. Kể từ khi thành lập đến nay, Trường THCS Nguyễn Khuyến có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục TP. Trong đó phải kể đến những đóng góp của thầy Hoàng Hào, Tổ trưởng bộ môn Toán của nhà trường.

Thầy Hoàng Hào

Tốt nghiệp chuyên ngành Toán, Đại học Sư phạm Huế năm 1982, rồi gắn bó với ngành giáo dục cho đến nay. Từ năm 2005, thầy Hoàng Hào được điều chuyển về giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Khuyến. Với thâm niên 34 năm công tác, có 16 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, thầy đã truyền dạy kiến thức cho rất nhiều thế hệ học trò đỗ đạt. Tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, thầy đã bồi dưỡng cho học trò mình đoạt 40 HCV, 39 HCB, 29 HCĐ và 2 giải khuyến khích. Tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp TP, thầy đã bồi dưỡng cho học sinh đoạt 116 giải nhất, 98 giải nhì, 103 giải ba và 55 giải khuyến khích. “34 năm qua, tôi làm việc bằng tất cả sự say mê với nghề. Lần này, được vinh dự là 1 trong số 20 thầy cô nhận Giải thưởng Võ Trường Toản, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì công sức của tôi được xã hội ghi nhận và đó là niềm tự hào cho gia đình tôi”, thầy Hoàng Hào tâm sự.

NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục