Hạnh phúc khi sống vì người khác

Ý thức sống vì cộng đồng còn thấp

Ý thức sống vì cộng đồng còn thấp

Những ngày trước Tết có những hành động cao đẹp mà người dân TPHCM sẽ nhớ đời. Trước tiên là gương hy sinh để cứu người của anh Quyền tài xế taxi. Trong trường hợp này nếu anh không làm gì thì cũng không ai chê trách anh. Cử chỉ đẹp của anh xuất phát từ lòng vị tha, hoàn toàn vô tư. Theo hàng xóm kể lại thì anh luôn luôn giúp họ trong những trường hợp khó khăn. Đây là một sự hy sinh to lớn cho gia đình anh nhưng mà là một bài học quý giá cho nhiều thế hệ mai sau. Và cả gia đình anh, nhất là con anh, sẽ vô cùng hãnh diện về người con, người chồng, người cha của mình.

Trong những ngày qua, còn rất nhiều “anh Quyền” khác đã hy sinh cứu người trong các vụ cướp bóc hay tai nạn khác. Đẹp biết bao những cuộc “góp yêu thương gởi mọi nơi” của Hội Sinh viên TP và vô số những cuộc quyên góp khác để giúp người nghèo ăn tết. Những điều này khẳng định rằng lòng nhân ái không hề thiếu ở xã hội chúng ta.

Tuy nhiên, bên cạnh đó những tiêu cực xảy ra lại rất đáng báo động và đó là chuyện của số đông. Nhìn lại những tiêu cực này, từ chuyện đẩy rác nhà mình ra ngoài đường, xả rác nơi công cộng, phóng nhanh vượt ẩu ngoài đường cũng xuất phát từ sự ích kỷ biểu hiện của một chủ nghĩa cá nhân cực đoan mới xuất hiện. Một số người dân chỉ biết tới bản thân mình, gia đình mình và chòm xóm của mình. Họ không với nổi tầm nhìn rộng hơn tới cộng đồng và xã hội xung quanh.

Mặt khác trong một xã hội chuyển đổi nhanh luôn luôn có những mặt trái và những tiêu cực về xã hội là hậu quả tất yếu của sự phát triển kinh tế quá nhanh. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Âu châu với phong trào đô thị hóa hỗn độn cũng tạo ra những vấn đề xã hội hiện đại như rượu chè, cướp bóc, tội phạm đủ loại và phức tạp hơn là mại dâm, ma túy, trầm cảm, stress, tự tử... Và xã hội ta cũng đang đối phó với những khó khăn này.

Đó là tất yếu. Có điều là ngay từ đầu, dựa trên các kiến thức của những khoa học cơ bản như tâm lý học, xã hội học, họ mày mò để hình thành những khoa học ứng dụng cụ thể nhằm  tác động vào cá nhân, gia đình và cộng đồng, không chỉ để ban phát như ở nước ta đang làm. Như thế sẽ tạo ra những thay đổi bền vững ở những đối tượng này. Với những phương pháp và kỹ năng khoa học xã hội cụ thể, họ giúp cá nhân, gia đình hay cộng đồng nhận ra những vấn đề hay mặt yếu để tự thay đổi và vươn lên tự lực cánh sinh. Đó là những khoa học xã hội ứng dụng như truyền thông, tư vấn và trị liệu tâm lý, công tác xã hội, giáo dục đặc biệt…

Cần một đội ngũ nhân viên xã hội chuyên nghiệp

Họ thực hiện những điều này thông qua những nhân viên chuyên nghiệp được đào tạo từ trình độ đại học đến tiến sĩ và những người này đã đưa chính sách, dịch vụ an sinh xã hội đến tận người dân tại cộng đồng. Có thể so sánh vai trò của họ với y bác sĩ hay kiến trúc sư. Nhưng phải nói “bệnh “ của con người về mặt tâm lý và xã hội khó chữa trị hơn bệnh của cơ thể nhiều. Điểm yếu của ta là không nhận thức điều này, đơn giản hóa các vấn đề xã hội nên chỉ chữa trị bằng luật pháp, những lời kêu gọi suông.

Công tác xã hội như một khoa học để giải quyết, phòng ngừa các vấn đề xã hội, thúc đẩy sự thay đổi và phát triển xã hội. Ngành học này có trên thế giới từ trên 100 năm nhưng đến năm 2004 mới được Nhà nước ta cấp mã số đào tạo và chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế. Giáo dục cộng đồng bằng những phương pháp hiện đại cũng khắc phục được chủ nghĩa chủ nghĩa cá nhận cực đoan nhắc ở phần đầu.

Một khía cạnh quan trọng khác cần quan tâm là sự khủng hoảng của gia đình trong quá trình hiện đại hóa. Ở các nước đi trước, gia đình cũng hết sức lúng túng trong giáo dục con cái như ta hiện nay. Cũng vì thế xã hội có trách nhiệm hỗ trợ gia đình bằng các dịch vụ tư vấn và các lớp dạy làm cha mẹ.

Ở một số nơi, học làm cha mẹ là bắt buộc, nhất là trong các trường hợp như bạo hành trong gia đình. Kẻ bạo hành không chỉ bị phạt mà còn phải đi học cho đến khi có khả năng giáo dục con cái mà không phải dùng đến vũ lực.

Thanh thiếu niên trong xã hội hiện đại phải một mình ứng phó với nhiều vấn đề của cuộc sống nên được dạy kỹ năng sống là năng lực tâm lý xã hội để chọn lựa và quyết định đúng. Tiếc thay môn học này được chính thức đưa vào VN từ hơn 10 năm nay nhưng vẫn còn ỳ ạch vì triển khai nội dung mới bằng phương pháp giáo dục cũ.

Hai cụm từ “phát triển xã hội và an sinh xã hội” đang được nói nhiều ở nước ta. Cái gọi là “an sinh xã hội” mới chỉ là bảo đảm kinh tế như xóa đói giảm nghèo, bảo hiểm thất nghiệp, tạo công ăn việc làm... Chừng ấy cũng khá lắm rồi, nhưng chưa phải là an sinh xã hội nhằm đáp ứng cả nhu cầu tâm lý, tinh thần của con người hiện đang bị bỏ ngỏ. Mà đó mới là nguồn gốc của vấn đề xã hội. Tiếp cận vấn đề từ góc độ khoa học cũng giúp đem lại công bằng xã hội thay vì kéo dài hoạt động từ thiện không giải quyết được vấn đề tận căn.

Th.s Nguyễn Thị Oanh

Tin cùng chuyên mục