Hành trình đầy cảm xúc với “Ngày mai anh lên đường“

Truyền hình trực tiếp lúc 20 giờ 40, chủ nhật 7-4 trên kênh VTV1, chương trình Quán thanh xuân số 4 chủ đề "Ngày mai anh lên đường" là một hành trình cảm xúc của những lời tạm biệt trước lúc lên đường của những người con Việt Nam.

Hành trình đầy cảm xúc với “Ngày mai anh lên đường“
Có những thời điểm trên khắp mọi miền đất nước đều có những cuộc chia tay. Bên ấy có người ngày mai ra trận/ Bên ấy có người ngày mai đi xa (Hương thầm, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn). Kể từ đấy, những thương nhớ được nối dài trên mỗi nẻo đường đất nước, những đợi chờ không hẹn được ngày gặp lại… Lời tạm biệt trong khói lửa chiến tranh chất chứa bao nỗi niềm chẳng thể thành lời, để dù rất dài và rất xa, thời gian trong cách trở vẫn đốt cháy ngời tình yêu.
Tạm biệt đấy - nhưng lại mở ra những tình yêu khó phai. Tín vật thay lời ước hẹn thủy chung phổ biến nhất thời đấy chỉ là những chiếc khăn. Khăn thêu, khăn dù hay khăn rằn của miền Bắc/ Trung/ Nam đều mang ngụ ý để hơi ấm người con gái luôn ở bên người thương của mình. Những loài hoa thay lời muốn nói: "Như hoa phong lan chờ đợi...", "Hoa sim, hoa sim/Ta yêu từ ấu thơ/ Trong trang sách học trò/ Trong những câu hẹn hò", "Họ chia tay/ Vẫn chẳng nói điều gì/Mà hương thầm thơm mãi bước người đi"... "Ngày mai anh lên đường" sẽ kể cho khán giả VTV nghe nhiều câu chuyện tình yêu và sự chờ đợi.
Hành trình trở về với tuổi thanh xuân đầy cảm xúc
Đó là chuyện tình với gần 500 bức thư của nhà văn Vũ Tú Nam và nhà báo Thanh Hương. Câu chuyện đặc biệt ở chỗ, họ yêu nhau cũng bởi những lá thư chưa đề tên người gửi, sau thành người yêu, những lá thư tiếp tục chuyển những nhớ thương. Gia tài thư tình này sau đó được xuất bản trong cuốn "Letters in Love and war".

Đó là mối tình đã có kết thúc đẹp sau 14 năm xa cách của ông Lê Hồng Tư và bà Nguyễn Thị Châu. Hai ông bà đều tham gia chiến đấu và cùng bị tù đày. Năm 1961 bà bị địch bắt giam. Khi nghe tin ông Tư cũng bị bắt, bị kết tội tử hình, nằm trong buồng giam của Tổng nha Cảnh sát, bà lấy kẹp tóc vạch lên tường bài thơ: “Áo trắng em chưa vướng bụi đời/Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi/Nhưng nay gặp cảnh đời chua xót/Áo trắng này nguyện trắng mãi thôi”.... Thực tế, ông bị đày ra Côn Đảo suốt 14 năm. Dù nhiều thông tin nói ông đã chết, đừng chờ nữa, bà vẫn chờ và sau 14 năm xa cách, hai người kết hôn trong sự chúc mừng của mọi người vào năm 1975.

Đất nước đã thống nhất nhưng rồi tiếng súng lại vang trên hai miền biên giới: Tây Nam và phía Bắc. Những cuộc chia ly lại bắt đầu. Năm 1985, sau khi học xong Học viện Quân y, bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn được điều về Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Quân y 175 để chi viện cho chiến trường biên giới Tây Nam. Những ngày đó, nơi đây thường xuyên đón nhận những thương binh nặng ở chiến trường gửi về. Mỗi khi một chiếc xe hoặc chuyến bay từ chiến trường có khoảng 60 - 70 chiến sĩ bị thương nặng phải cấp cứu. Anh và các đồng nghiệp đã dốc lòng dốc sức, phẫu thuật ngày đêm để mong cứu sống đồng đội nhưng hàng ngàn liệt sĩ đã hi sinh do vết thương quá nặng. Bệnh viện có lúc quá tải ngay cả với những tử thi.

Còn ở biên giới phía Bắc, trong một trận đánh ác liệt vào tháng 5-1984 ở Vị Xuyên, Hà Giang, nhạc sĩ Trương Quý Hải kể: Hàng trăm đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Tôi và các chiến sĩ đã tẩm liệm các anh và tình cờ tôi bắt gặp trong túi áo của một đồng đội đã hy sinh, bức thư viết trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa ướt đẫm, màu mực Cửu Long và máu nhòe vào nhau, chỉ còn 3 chữ “Mẹ kính yêu”. Đêm đó, chúng tôi hát cho đồng đội nghe, không đàn, không đèn, không giấy, bút… Đó là cảm hứng để sau này nhạc sĩ sáng tác bài Thư về với mẹ.

Sau cuộc chiến là câu chuyện tình yêu, tình người của những người trở về. Những người lính đến thăm và nhận chăm sóc mẹ của đồng đội đã mất, những chuyến về lại nghĩa trang xưa và đi tìm lại đồng đội. Khán giả sẽ được nghe những câu chuyện, dự án Mãi mãi tuổi 20 và một lớp trẻ không quên lịch sử.

Tin cùng chuyên mục