Hấp dẫn các sản phẩm du lịch mới

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, ngành du lịch miền Trung liên tiếp tung ra các sản phẩm mới để thu hút du khách, quảng bá hình ảnh.

Phong phú các hoạt động.

Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ sẵn sàng trình làng gần 400 tác phẩm tranh thêu, điêu khắc chỉ và các hiện vật liên quan đến nghề thêu, thể hiện qua 3 chủ đề chính: Cơ chế nghề thêu; Gương mặt nghề thêu; Một tiến nói cho nghề thuê.

Không gian văn hóa độc đáo này chính thức đi vào hoạt động từ chiều 27-4.

Hấp dẫn các sản phẩm du lịch mới ảnh 1 Đại nội Huế mở cửa đón khách hằng đêm. Ảnh: Văn Thắng
 Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đây là điểm đến hấp dẫn cho du khách, góp phần phát triển kinh tế- xã hội  của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Các tác phẩm ở bảo tàng kể lại sự ra đời và phát triển của nghệ thuật thêu XQ bằng ngôn ngữ nghề thêu mang tính sử thi, tôn vinh người phụ nữ - chủ nhân của nghề thêu.
Hấp dẫn các sản phẩm du lịch mới ảnh 2 Khách tham quan bảo tàng nghệ thuật thêu XQ bên bờ sông Hương. Ảnh: Văn Thắng
Bên cạnh 3 chủ đề chính, hàng tuần trên sông Hương, bảo tàng còn tổ chức các hoạt cảnh nghi lễ rước nước sông Hương về đền Hơi thờ tổ tiên, giao lưu nghệ thuật truyền thống Huế.
Hấp dẫn các sản phẩm du lịch mới ảnh 3 Cồn Cỏ (Quảng Trị) với nhiều hoạt động như khám phá rừng già, lặn biển ngắm san hô vẫy gọi du khách. Ảnh: Văn Thắng
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng khai mạc và đưa chương trình tham quan Đại nội Huế về đêm vào hoạt động. Qua đó, du khách có nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị về cảnh sắc lung linh Hoàng cung Huế xưa từ Ngọ Môn, cầu Trung Đạo, hồ Thái Dịch đến Thế Miếu, cung Diên Thọ, cung Trường Sanh; các nghi thức cung đình xưa như lễ Đổi gác, trình tấu Đại nhạc, Tiểu nhạc; các hoạt động diễn xướng như Cấm vệ quân luyện võ cùng các bài bản múa cung đình….
Hấp dẫn các sản phẩm du lịch mới ảnh 4 Tái hiện trò chơi cung đình về đêm tại Đại nội Huế. Ảnh: Văn Thắng
TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, sau 72 năm đóng cửa về đêm (1945), không gian lung linh kỳ ảo của Đại nội Huế về đêm đã được đánh thức để phục vụ du khách thường xuyên. Đây là sự kiện đánh dấu bước đột phá du lịch cố đô Huế, nhằm tạo thêm điểm nhấn cho du khách trải nghiệm những giá trị đặc biệt độc đáo của di sản và cũng để cho Huế ''thức khuya'' hơn.
 
Hấp dẫn các sản phẩm du lịch mới ảnh 5 Đua thuyền trên sông Bến Hải. Ảnh: Văn Thắng
Trước đó, qua những kỳ Festival Huế, chương trình Đêm Hoàng cung, Đại nội Huế đã được mở cửa về đêm nhưng chỉ diễn ra theo sự kiện cụ thể.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, một sự kiện đang được du khách khắp nơi ngóng chờ nhất là Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sẽ chính thức được “khai hỏa” vào tối 30-4 trên dòng sông Hàn thơ mộng và kéo dài đến ngày 24-6 với sự tham gia của 8 đội gồm Anh, Úc, Ý, Thụy Sĩ, Áo, Nhật, Trung Quốc và đội Đà Nẵng (Việt Nam) hứa hẹn mang đến cho người xem nhiều điều thú vị.

Nhằm tạo cho Lễ hội thêm sinh động và phong phú, ngành du lịch TP Đà Nẵng còn có thêm nhiều hoạt động phụ trợ khác như lễ hội văn hóa Chăm, lễ hội đường phố, lễ hội bia, lễ hội ẩm thực quốc tế, lễ hội điêu khắc...

Hấp dẫn các sản phẩm du lịch mới ảnh 6 Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng sẽ chính thức được “khai hỏa” vào tối 30-4. Ảnh: Nguyễn Hùng
Trong khi đó, nhằm quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch hoài niệm gắn với hệ thống di tích cách mạng, di tích văn hóa dày đặc, tỉnh Quảng Trị đang gấp rút chuẩn bị tổ chức Lễ hội “Thống nhất non sông -2017”, kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 45 năm giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972-1-5-2017) với một chuỗi sự kiện như: Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông; giải Đua thuyền Thống nhất non sông; Lễ thả hoa đăng tri ân các Anh hùng liệt sỹ trên sông Thạch Hãn; Chương trình nghệ thuật Ký ức những dòng sông…

Biển đảo sẵn sàng đón khách

Gió biển mơn man, hiền hòa sóng vỗ như vẫy gọi du khách bốn phương hãy về tham quan, nghỉ dưỡng tại các bãi tắm dọc ven biển miền Trung trong những ngày hè oi bức. Nhiều chủ khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng khu vực ven biển ở đây đã đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, phòng ốc, khuôn viên để sẵn sàng đón du khách.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết, khách đến với đảo dự kiến trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay khoảng 1.500 khách/ngày.

Để mang đến cho du khách các dịch vụ chất lượng  tốt nhất, các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn trên huyện đảo đều chỉnh trang cơ sở vật chất, vệ sinh sạch sẽ phòng ở, giữ gìn bảo vệ cảnh quan chung, đảm bảo an toàn theo những tiêu chí ngành du lịch quy định. Cùng với đó, các tour du lịch văn hóa, lịch sử - tâm linh và du lịch sinh thái biển phù hợp với thế mạnh của Lý Sơn cũng được mở rộng, tập trung khai thác.

Tương tự, đảo Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) cũng sẵn sàng hơn 100 lượt ca nô cao tốc phục vụ khách tham quan Cù Lao Chàm- Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2009.

Dịp này, tour du lịch ra đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) với nhiều hoạt động hấp dẫn như khám phá rừng già, lặn biển ngắm san hô, thăm di tích lịch sử được khai trương.

Ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cồn Cỏ cho biết, tàu có tốc độ 32 hải lý một giờ với sức chở 50 khách, xuất phát từ cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh) và cập cảng Cồn Cỏ sau một giờ đồng hồ vừa đi vào hoạt động thử nghiệm là điều kiện thuận lợi để đưa du khách đến với hòn đảo này.

“Khách du lịch ra đảo được thăm các địa điểm lịch sử như hầm quân y, chòi Thái Văn A, ngắm cảnh Cồn Cỏ trên ngọn hải đăng cao nhất đảo, trekking giữa rừng già, lặn biển ngắm san hô... Khách lựa chọn ngủ tại nhà khách, homestay, hoặc lều bạt bên bờ biển”- ông Tuấn nói.

Festival nghề truyền thống Huế 2017 chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” diễn ra từ ngày 28-4 đến ngày 2-5 tại TP Huế với các nội dung: Lễ khai mạc gắn với chương trình nghệ thuật đặc sắc; Không gian nghệ nhân và các làng nghề tập trung giới thiệu, trưng bày, thao diễn và kinh doanh các sản phẩm nghề truyền thống của 320 nghệ nhân đến từ 40 làng nghề nổi tiếng trong cả nước và quốc tế, đặc biệt có sự tham gia thao diễn, tạo hình sản phẩm và giao lưu giữa nghệ nhân với khách tham quan; Lễ Tế Tổ bách nghệ và lễ rước tôn vinh nghề; Hoạt động trưng bày, triển lãm các tác phẩm nghệ thuật, các hiện vật cung đình, các bộ sưu tập độc đáo của các nhà sưu tập nổi tiếng trong suốt thời gian diễn ra Festival...

Tin cùng chuyên mục