Hậu Brexit - Mông lung chuyện ở, đi

Theo Reuters, sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chưa có dấu hiệu nào cho thấy tiến trình rời khỏi EU (Brexit) sẽ sớm diễn ra. Rời đi hay ở lại hiện vẫn còn là dấu hỏi.
Hậu Brexit - Mông lung chuyện ở, đi

>> Mỹ lo ngại ảnh hưởng hậu Brexit

Theo Reuters, sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chưa có dấu hiệu nào cho thấy tiến trình rời khỏi EU (Brexit) sẽ sớm diễn ra. Rời đi hay ở lại hiện vẫn còn là dấu hỏi.

Trắc trở hậu Brexit

Thủ tướng Anh David Cameron, người tuyên bố sẽ từ chức, cho biết không thực hiện bước đi chính thức để Anh “ly hôn” EU mà việc đó sẽ do người kế nhiệm ông làm. Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua không ràng buộc về pháp lý nên một số chính trị gia đang đề nghị Quốc hội Anh bỏ phiếu trước khi chính thức khởi động Brexit. Chính quyền Scotland cho biết, có thể sẽ bỏ phiếu phủ quyết Brexit. Theo một thỏa thuận liên quan tới chia sẻ một số quyền hạn của Vương quốc Anh cho Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland, đạo luật do London ban hành nhằm thông qua quyết định rời EU sẽ phải có được sự đồng thuận của 3 cơ quan lập pháp của cả 3 vùng trên.

Nhiều công dân Anh vẫn muốn ở lại EU sau Brexit

Trong khi đó, sau khi giới lãnh đạo EU cho biết muốn Brexit diễn ra nhanh chóng để hạn chế các hệ lụy, phía các thủ lĩnh của chiến dịch rời EU - trong đó có cựu Thị trưởng London Boris Johnson - lại đang cho thấy những dấu hiệu muốn làm chậm lại tiến trình Brexit. Họ cho biết muốn thỏa thuận về quan hệ giữa Anh và EU thời kỳ hậu Brexit trước khi chính thức khởi động Brexit. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều nhận định một thỏa thuận như vậy là rất khó có thể xảy ra. Thủ tục ra khỏi EU sẽ được áp dụng theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon năm 2009. Nếu áp dụng theo điều này, Anh sẽ bị “xử ép” trong rất nhiều vấn đề, đặc biệt là về kinh tế.

Sau cuộc trưng cầu dân ý, giới quan sát lo ngại xã hội Anh bị chia rẽ. Hơn 3 triệu người dân Anh đã bày tỏ sự hối tiếc khi Anh rời bỏ “mái nhà chung” EU và ký đơn thỉnh nguyện online kêu gọi trưng cầu dân ý lần 2. Trong khi đó, Scotland thuộc Vương quốc Anh “dọa” sẽ trưng cầu dân ý tách khỏi Anh để trở thành một quốc gia ở lại trong EU. Trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, 62% người dân Scotland muốn được ở lại EU.

Thượng viện Anh đã từng thảo luận và tham vấn rất nhiều chuyên gia pháp lý về việc thực hiện Brexit sao cho hợp hiến. Derrick Wyatt, một giáo sư tham gia các cuộc thảo luận trên cho biết, luật pháp Anh vẫn cho phép đảo quốc sương mù có quyền thay đổi quyết định kể cả sau khi Điều 50 của của Hiệp ước Lisbon được kích hoạt.

Nguy cơ suy thoái

Trong khi chuyện đi hay ở vẫn còn phải chờ ở phía trước, những cảnh báo về hậu quả của Brexit vẫn được đưa ra. 3 chuyên gia kinh tế Jan Hatzius, Jari Stehn và Karen Reichgott của Ngân hàng Đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Mỹ) cảnh báo, Brexit nhiều khả năng sẽ không chỉ đẩy Anh rơi vào suy thoái nhẹ vào đầu năm 2017 mà còn cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 vừa qua sẽ khiến GDP của Anh trong 18 tháng tới giảm 2,75%, và sẽ có tác động dây chuyền đối với nền kinh tế Mỹ và châu Âu.

Các chuyên gia Goldman Sachs cũng nhấn mạnh 3 nguy cơ chủ yếu đối với nền kinh tế Anh trong thời kỳ hậu Brexit, đó là: các quy định thương mại sẽ không còn giá trị, các công ty cắt giảm vốn đầu tư do tình hình bất ổn kinh tế hậu Brexit, và các điều kiện tài chính sẽ phải thắt chặt do sự biến động thất thường của tỷ giá hối đoái cũng như sự rủi ro khi đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu.

Trong khi đó, lo ngại tác động của Brexit có thể ảnh hưởng đến toàn cầu, ngày 27-6, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull tuyên bố, nước này sẽ hợp tác cùng với New Zealand để đàm phán các thỏa thuận mới về thương mại và nhập cư nhằm giải quyết những tác động từ Brexit.

Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng đã yêu cầu chính phủ nước này duy trì nỗ lực mạnh mẽ quản lý khủng hoảng nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra từ Brexit. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ thị cho Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đảm bảo ổn định tại các thị trường tài chính; yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso liên hệ chặt chẽ với các nền kinh tế khác trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), phản ứng nhanh và linh hoạt trong mọi tình huống.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã đề nghị Đại sứ Anh tại Nhật Bản Tim Hitchens giúp đảm bảo một môi trường kinh doanh ổn định cho khoảng 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Anh.

Ngày 27-6, Chủ tịch Ủy ban thành viên đảng Bảo thủ, cơ quan đại diện cho các nghị sĩ đảng Bảo thủ, ông Graham Brady, cho biết thủ tướng mới của Anh dự kiến được bổ nhiệm vào ngày 2-9 tới. Danh sách ứng viên cho vị trí thủ tướng Anh có thể được thông qua vào ngày 30-6.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục