Hậu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Cộng đồng quốc tế thận trọng đánh giá

Bên cạnh việc bày tỏ tin tưởng vào tiến trình hòa bình sẽ diễn ra sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 13-6, cộng đồng quốc tế tiếp tục thận trọng đánh giá các vấn đề Triều Tiên không phải dễ dàng có thể giải quyết trong một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Hàn Quốc chiều 13-6
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Hàn Quốc chiều 13-6
Kiểm chứng là chìa khóa

Phát biểu trong buổi họp báo ngày 13-6, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nhận định căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã giảm sau hội nghị thượng đỉnh này, dù các vấn đề Triều Tiên không phải dễ dàng có thể giải quyết trong một cuộc họp. Theo quan chức này, Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ một phần chi phí ban đầu cho tiến trình phi hạt nhân hóa tại Triều Tiên. 

Hãng tin Kyodo ngày 13-6 dẫn nhận định của giới phân tích cho rằng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, trọng tâm sẽ là biến thiện chí của Bình Nhưỡng thành hành động thực sự dỡ bỏ chương trình hạt nhân dưới sự kiểm chứng thiết thực của quốc tế. Trong tuyên bố chung, nhà lãnh đạo Triều Tiên đã cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tuy nhiên, văn kiện này không nhắc đến việc kiểm chứng hay một khung thời gian cụ thể nào cho việc thực hiện phi hạt nhân hóa, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó nói rằng tiến trình này “sẽ được kiểm chứng” và giới chức cấp cao hai bên sẽ thảo luận chi tiết vấn đề này. 

Theo các chuyên gia, kiểm chứng là “chìa khóa” trong việc thực hiện phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cam kết. Chuyên gia Suzanne DiMaggio, thuộc nhóm nghiên cứu New America của Mỹ, cho biết: “Sẽ có nhiều phép thử trong quá trình thực hiện phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, phép thử lớn đầu tiên sẽ là liệu Triều Tiên có đồng ý để cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hay các thanh sát viên của các tổ chức đa phương khác vào nước này hay không”. IAEA đã không được tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên kể từ khi các nhân viên của cơ quan này bị trục xuất vào năm 2009. Các chuyên gia dự báo sẽ mất nhiều năm để tiến hành các hoạt động thanh sát với các chương trình hạt nhân và tên lửa đã phát triển ở một trình độ nhất định của Triều Tiên. 

Tránh khiêu khích nhau

Ngày 13-6, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12-6 tại Singapore, Triều Tiên và Mỹ cần “khẩn cấp ngừng các hành động quân sự thù địch và khiêu khích nhau”. Theo KCNA, nhà lãnh đạo Triều Tiên nêu rõ nếu Mỹ có các biện pháp thực sự để xây dựng lòng tin, Triều Tiên cũng có thể tiếp tục đưa ra các biện pháp thiện chí.  

Chiều ngày 13-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới Seoul và dự kiến đến Phủ tổng thống vào ngày 14-6 trực tiếp thông báo với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên vừa qua. 

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono chiều cùng ngày đã tới thủ đô Seoul, bắt đầu chuyến thăm Hàn Quốc kéo dài trong 2 ngày. Dự kiến, ông Taro Kono sẽ tham dự cuộc hội đàm ngoại trưởng ba bên Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc vào sáng 14-6. Tiếp đó, ông Taro Kono sẽ có cuộc hội đàm song phương với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha để thảo luận các biện pháp phát triển quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản cũng như các vấn đề liên quan trên bán đảo Triều Tiên.

Cùng ngày, Phủ Tổng thống Hàn Quốc để ngỏ khả năng tạm ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ như một động thái ủng hộ các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang diễn ra. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã triệu tập một cuộc họp toàn thể Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) trong ngày 14-6 để đánh giá kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Singapore cũng như những bước đi tiếp theo của Hàn Quốc nhằm hỗ trợ việc triển khai thỏa thuận chung đạt được giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Singapore - Nơi làm nên lịch sử

Đó là cụm từ xuất hiện trong nhiều bài báo tại Singapore số ra ngày 13-6, một ngày sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Thật đúng vậy. Kết quả của hội nghị vẫn cần thêm thời gian để kiểm chứng nhưng việc lãnh đạo hai nhà nước từng là cựu thù gặp nhau đã là một bước ngoặt trong lịch sử. 
Hậu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Cộng đồng quốc tế thận trọng đánh giá ảnh 1 Phòng ăn tại trung tâm báo chí quốc tế thông tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên
Thành công này thật không thể thiếu vai trò của nhiều nước, nổi bật là Hàn Quốc và không thể không nhắc đến vai trò của Singapore. Những ngày tác nghiệp vừa qua, chứng kiến những gì nước chủ nhà Singapore đã chuẩn bị, tôi không khỏi khâm phục quốc đảo nhỏ bé này. Một lần nữa, Singapore đã khẳng định vị thế của mình khi tổ chức rất thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Công tác tổ chức thật hoàn hảo. Nhiều nguồn tin cho biết Singapore đã chi 20 triệu SGD (15 triệu USD) cho hội nghị này, trong đó đa số là chi đảm bảo an ninh và tiền ăn ở khách sạn của phái đoàn Triều Tiên. 

Tôi đã hỏi nhiều người dân Singapore về số tiền này. Trái với suy đoán của tôi, tất cả đều trả lời rằng tuy số tiền khá lớn nhưng rất đáng chi. Anh Choo William, tài xế taxi Grab không do dự nói: “Tôi rất tự hào vì Singapore được chọn để tổ chức hội nghị và tổ chức thành công, góp phần vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh khu vực và thế giới đồng thời nâng cao uy tín của đất nước chúng tôi”. Anh nói thêm rằng anh rất nể trọng nhà lãnh đạo Triều Tiên vì “tuổi trẻ, tài cao”. 

Bác tài xế xe buýt Ching Nuri cho biết, mặc dù trong những ngày diễn ra hội nghị có tắc đường đôi chút nhưng không sao, đó là việc lớn, cần làm. Ông kể, ông theo dõi rất sát lịch trình đến và đi của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. “Đó cũng là công việc để tôi chủ động hơn trong việc chọn đường, tránh lưu thông vào các khu vực bị phong tỏa do gần nơi ở của các VIP”. Qua theo dõi trên báo, ông được biết nhiều nhân viên phái đoàn Triều Tiên rất thích trái cây Singapore. Như để chứng minh việc mình bám sát thông tin thời sự, ông nói: “Ông Kim Jong-un tối 11-6 tham quan vịnh Marina Bay, ông ấy tỏ ra thích thú”. 

Ở Singapore, tôi được tiếp xúc nhiều người dân rất dễ mến, sẵn sàng giúp đỡ. Tôi nhớ nhất Zong Patrick, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Singapore, người đã tận tình hướng dẫn và chỉ tôi cách nạp tiền vào thẻ đi xe điện ngầm mặc dù em không đi chung hướng. Dù sự kiện lớn như vậy nhưng hầu như không thấy băng rôn chào mừng sự kiện lịch sử này trên đường phố. Theo Patrick, có lẽ do Singapore muốn đảm bảo an ninh, không muốn gây chú ý của những phần tử cực đoan.

Nói như vậy không có nghĩa là Singapore xem nhẹ công tác tuyên truyền cho hội nghị. Thông tin truyền thông là một trong những lĩnh vực được Chính phủ Singapore chú trọng nhiều nhất. Chính phủ Singapore dành hẳn tòa nhà F1 Pit rộng 23.000m² của Tổng cục Du lịch Singapore làm trung tâm báo chí quốc tế phục vụ cho gần 3.000 nhà báo thông tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Khu vực có cảnh quan đẹp, gần khu Marina Bay và bánh xe quay ngắm cảnh Flyer nổi tiếng là nơi điều hành và là 36 garage cho xe đua ô tô công thức 1 nổi tiếng thế giới Grand Prix (thường diễn ra vào tháng 9 hàng năm). Trước khi hội nghị diễn ra, đích thân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tới kiểm tra công tác an ninh và công tác phục vụ tại đây. Ngoài 3 khán phòng rộng rãi dành cho báo chí tác nghiệp còn cho thuê phòng riêng (booth), thuê sóng và đường truyền Internet. Bên cạnh đó là phòng thư giãn, phòng ăn nhẹ phục vụ 24/24 giờ và khu buffet phục vụ 2 bữa ăn trưa và chiều, tất cả đều miễn phí.
THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục