Hậu quả từ rác thải nhựa

Mức tiêu thụ nhựa trung bình của người dân Việt Nam đã đạt 41kg/người/năm. Dự tính, đến năm 2020, mức tiêu thụ này sẽ tăng lên 45kg/người/năm. Tuy nhiên, khả năng tái chế nhựa thải chỉ đạt mức chưa tới 10%. Điều này cho thấy, lượng lớn chất thải nhựa đang bị thải bỏ vào môi trường và TPHCM đang gánh chịu nhiều hậu quả từ loại nhựa thải này.
Bao nhựa sau khi sử dụng có tác hại xấu đến môi trường. Ảnh: THÀNH TRÍ
Bao nhựa sau khi sử dụng có tác hại xấu đến môi trường. Ảnh: THÀNH TRÍ

Nguy hại trong môi trường

Thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện lượng rác sinh hoạt phát sinh trên toàn địa bàn thành phố đã đạt mức trên 9.000 tấn/ngày. Trong đó, 6.000 tấn chuyển xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, 3.000 tấn còn lại chuyển đến xử lý tại 2 công ty tái chế rác thải là Tâm Sinh Nghĩa và Vietstar.

Theo 2 công ty tái chế rác thải, số lượng nhựa thu gom lại từ rác thải sinh hoạt được khoảng 60 tấn nhưng chất lượng rất thấp vì lẫn nhiều tạp chất nên rất bẩn và chỉ có thể tái chế thành những loại nhựa tái sinh chất lượng thấp, giá trị không cao. Thậm chí, nhiều loại nhựa phế phẩm không thể tái chế được nên đành phải chuyển sang chôn lấp. 

Lý giải vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân là do hiệu quả của hoạt động phân loại chất thải rắn tại thành phố chưa được người dân thực hiện tốt. Chất thải vẫn trộn lẫn với nhau khi chuyển giao và cả trong quá trình thu gom. Thực tế này không những làm cho khâu xử lý tái chế gặp nhiều khó khăn mà còn làm lãng phí nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường thứ phát do phải xử lý bằng chôn lấp.

Theo các chuyên gia môi trường, nhựa là loại chất thải không thể phân hủy nên xử lý bằng biện pháp chôn lấp có thể đến vài trăm năm sau, chất thải nhựa vẫn còn nguyên và hậu xử lý sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều. 

Một vấn đề khác cũng được các doanh nghiệp đưa ra là những quy định nhằm hạn chế sử dụng nhựa áp dụng chưa hiệu quả. Đơn cử, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy định áp thuế môi trường đối với sử dụng nhựa không thân thiện môi trường.

Theo đó, mức thuế áp dụng là 150% - 200%/kg nhựa, nhưng khâu thực thi còn rất kém. Thậm chí, nhiều cơ sở sản xuất bao bì nhựa các loại không thân thiện môi trường nhưng vẫn không đóng thuế hoặc không nằm trong đối tượng chịu mức thuế này. 

Đại diện Công ty CP Bao bì Vafaco cho biết, tình trạng này đã tạo ra thị trường cạnh tranh không lành mạnh đối với những doanh nghiệp đã chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm nhựa thân thiện môi trường với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường.

Theo đó, để sản xuất ra 1kg sản phẩm nhựa thân thiện môi trường, doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí cao hơn 1/3, thậm chí đến 1/2 chi phí so với sản xuất sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường. Và nếu như các sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường không bị đánh thuế thì sản phẩm nhựa thân thiện môi trường không thể cạnh tranh được.

Trên thực tế, thị phần tiêu thụ của sản phẩm nhựa thân thiện môi trường chỉ tập trung phân khúc rất hẹp  là các trung tâm thương mại, siêu thị và những doanh nghiệp có chiến lược phát triển bền vững. Thị phần này chỉ chiếm khoảng 1% trong số thị phần tiêu thụ sản phẩm nhựa nói chung. 

Không thể nói suông

Nhựa được sử dụng như sản phẩm tiện dụng trong cuộc sống và chính sự tiện dụng này đã dẫn đến sự lạm dụng trong sử dụng. Cộng với ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao, tình trạng xả rác bừa bãi còn khá phổ biến và chưa có biện pháp chế tài hiệu quả đã gây hệ quả nặng nề cho môi trường. Đặc biệt trong tình trạng ngập nước do tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM cho biết thêm, hệ thống thoát nước đô thị của TP có tổng chiều dài 4.176km, có 68.000 cửa thu nước và trên 1.000 cửa xả. Thế nhưng, hiện rất nhiều cửa xả, miệng cống đang bị rác thải che lấp, trong đó chủ yếu là chất thải nhựa.

Thống kê sơ bộ ghi nhận, trung bình mỗi ngày có hơn 2.300 tấn rác thải ra ở nơi công cộng, bao gồm cả kênh rạch, nắp cống. Nếu lượng rác này không được tổ chức thu gom, xử lý thì tình trạng ô nhiễm, tắc nghẽn dòng chảy và ngập nước sẽ càng trầm trọng hơn.

Không chỉ vậy, thiệt hại về kinh tế từ rác thải nhựa cũng rất lớn. Mỗi năm, ngân sách TPHCM phải chi cho việc vớt rác trên các tuyến kênh rạch đã lên tới 700 tỷ đồng và gần 1.132 tỷ đồng cho việc duy tu hệ thống cống thoát nước. 

Hạn chế sử dụng nhựa là cần thiết, nhưng muốn làm được cần phải có biện pháp chế tài mạnh. Đại diện Vafaco khẳng định, trước hết phải thực hiện thu đúng, thu đủ thuế môi trường đối với doanh nghiệp sản xuất nhựa và sản phẩm nhập khẩu có sử dụng nhựa không thân thiện môi trường.

Kế đến, xử phạt nặng hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng. Riêng về hoạt động phân loại rác tại nguồn, cần phải thấy rằng đây là giải pháp rất quan trọng nhằm giảm thiểu rác thải, tận dụng nguồn tài nguyên rác và là cơ sở để tăng tỷ lệ rác thải tái chế. Tuy nhiên, việc thực hiện cần thiết phải có lộ trình rõ ràng, kết hợp với chế tài cụ thể. Trước hết, phải buộc các hệ thống phân phối hiện đại, chuỗi cửa hàng, doanh nghiệp thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi chuyển giao. Khi các đối tượng trên đã hình thành những thói quen ổn định thì tiến tới khoanh vùng và mở rộng đến từng khu dân cư.

Song song với hoạt động hướng dẫn phân loại rác, thành phố phải áp dụng biện pháp xử phạt hành chính nếu các tổ chức, cá nhân không chấp hành. Bên cạnh đó, thành phố cần chuẩn hóa lại hoạt động thu gom chất thải để đáp ứng với yêu cầu mới.

Về phía các quận, huyện, cần thiết đưa tiêu chí đảm bảo chất lượng thu gom rác tại hộ dân theo hình thức phân loại để làm cơ sở lựa chọn đơn vị tham gia đấu thấu thu gom, vận chuyển rác thải. Đồng bộ được các giải pháp trên và kết hợp minh bạch lộ trình triển khai, thành phố nhất định sẽ tạo được sự đồng thuận lớn từ cộng đồng dân cư trong việc cải thiện chất lượng môi trường sống.

Tin cùng chuyên mục