Hãy bảo vệ nhà báo

Vụ sát hại ông Arabia Jamal Khashoggi, công dân Saudi Arabia và là nhà báo làm việc cho tờ Washington Post (Mỹ), đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các đồng minh phương Tây của Riyadh và đang đẩy Saudi Arbia vào cuộc khủng hoảng. 
Nhà báo Jumpei Yasuda (ngồi, bên phải), vừa được trả tự do sau 3 năm bị cầm giữ ở Syria, đoàn tụ cùng gia đình tại Nhật Bản
Nhà báo Jumpei Yasuda (ngồi, bên phải), vừa được trả tự do sau 3 năm bị cầm giữ ở Syria, đoàn tụ cùng gia đình tại Nhật Bản

Trước thềm Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo được tổ chức ngày 2-11 hàng năm, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi bảo vệ tốt hơn nhà báo.

Mỹ: Vừa đấm vừa xoa

Ngày 27-10, phát biểu tại Hội nghị An ninh Đối thoại Manama thường niên diễn ra ở thủ đô Manama (Bahrain), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh, các vụ việc như vụ sát hại nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi đã gây xói mòn sự ổn định của khu vực Trung Đông và khẳng định Washington sẽ tiến hành các biện pháp bổ sung để trừng trị những đối tượng có trách nhiệm trong vụ việc.

Trước đó, ngày 26-10, hơn 160 tổ chức phi chính phủ (NGO) đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Chính phủ Saudi Arabia phải chịu trách nhiệm về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Trong một tuyên bố chung, các NGO khẳng định không chấp nhận bỏ qua cho các trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và đề nghị Liên hiệp quốc (LHQ) tiến hành cuộc điều tra độc lập về vụ việc này, cũng như đình chỉ tư cách thành viên của Saudi Arabia tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Các NGO cũng kêu gọi Saudi Arabia cho phép các chuyên gia quốc tế khám nghiệm thi thể của nhà báo Khashoggi, từ bỏ mọi cáo buộc chống các nhà hoạt động nhân quyền và trả tự do cho những người đang bị giam giữ vì bảo vệ quyền tự do bày tỏ chính kiến. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu dẫn độ 18 đối tượng người Saudi Arabia tình nghi liên quan tới cái chết của nhà báo Khashoggi, trong bối cảnh Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, Ankara tiếp tục có thêm những bằng chứng để làm sáng tỏ vụ việc trên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết không hài lòng với lời giải thích về vụ việc của Chính phủ Saudi Arabia, đồng thời khẳng định rằng việc cho Riyadh 1 tháng để thực hiện điều tra là quá dài. Tuy nhiên, mặc dù bày tỏ mong muốn điều tra đến cùng vụ việc nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn nêu bật vai trò của Riyadh như một đồng minh chống lại Iran và các phiến quân Hồi giáo. Vương quốc Arab này là nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới và là đồng minh chiến lược của phương Tây. Saudi Arabia là nhân tố chủ chốt nằm trong một liên minh khu vực do Mỹ hậu thuẫn nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng gia tăng của Iran ở Trung Đông.

Lời kêu gọi của LHQ

Trong thông điệp phát qua video ngày 26-10, Tổng thư ký LHQ lên án các vụ tấn công và xâm hại các nhà báo, đồng thời ông kêu gọi các chính phủ và cộng đồng quốc tế bảo vệ nhà báo và đảm bảo những điều kiện an toàn để báo giới tác nghiệp. Tại cuộc họp báo thường nhật ở trụ sở của LHQ, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Stephane Dujarric cho biết, trong 1 thập niên qua, hơn 1.000 nhà báo đã bị thiệt mạng khi đang tác nghiệp, và có tới 90% số vụ sát hại không được điều tra, dẫn đến việc không ai bị quy trách nhiệm. Đại hội đồng LHQ đã thông qua Ngày Quốc tế chấm dứt quyền miễn trừ đối với tội ác chống lại các nhà báo nhằm nhấn mạnh đến sự cấp thiết phải bảo vệ các nhà báo và để tưởng niệm vụ ám sát 2 nhà báo Pháp tại Mali hôm 2-11-2013. 

Tổ chức Press Emblem Campaign (PEC) có trụ sở tại Geneva cho biết, số nhà báo bị sát hại trên thế giới trong 4 tháng đầu năm 2018 tăng 57% so với cùng kỳ năm 2017, lên tới 44 nhà báo tại 18 quốc gia. PEC đã kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp bảo vệ tính mạng của các nhà báo, như tiến hành các cuộc điều tra độc lập kết hợp với những cuộc điều tra khác để đưa thủ phạm của các vụ sát hại nhà báo ra xét xử.

Tin cùng chuyên mục