Hãy cứu lấy rạp hát

Cải lương Nam bộ vừa kỷ niệm 100 hình thành và phát triển. Vui khi nói đến sức sống của cải lương sau 1 thế kỷ, dù lập lòe nhưng ráng cầm cự cùng thời cuộc. 

Dùng từ “cầm cự”, nghe đau lòng, nhưng sự thật là vậy, nhất là khi nhắc đến hệ thống rạp hát, niềm tự hào của thành phố một thời, nay ngập tràn sự hụt hẫng. Trong số những rạp hát còn hiện hữu, phần lớn đều xuống cấp trầm trọng, nhiều rạp ngưng hoạt động, có rạp hát đã chuyển công năng phục vụ và không ít rạp hát mất hẳn dấu tích. 

Dạo một vòng TPHCM, thấy cảnh đìu hiu của nhiều rạp hát từng một thời lẫy lừng tên tuổi, là nơi biểu diễn của các đoàn hát nổi tiếng, gắn liền với lớp nghệ sĩ thế hệ vàng sân khấu cải lương mới cảm nhận được sự héo hắt của sàn diễn nghệ thuật, sân khấu cải lương hôm nay. Hãy thử điểm qua: rạp Norodom (nay là Công ty Xổ số kiến thiết TP, số 23 Lê Duẩn, quận 1); rạp Aristo (nay là khách sạn New World); rạp Olympic (hiện là Trung tâm Văn hóa TPHCM bị ngăn ra cho thuê); rạp Lux (sau đổi thành rạp Lao Động B, từng biến chuyển công năng thành vũ trường, nhà hàng, karaoke, cà phê - ca nhạc trẻ… và đã đóng cửa nhiều năm qua); rạp Khải Hoàn (nay là nhà hàng - phòng trà); rạp Quốc Thanh (sau một thời gian dài được tận dụng làm trung tâm tiệc cưới thì những năm gần đây đã chuyển đổi công năng thành rạp chiếu phim Cinestar). 

Hàng loạt rạp hát khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Rạp Hưng Đạo được xây mới, giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, lại là câu chuyện đau lòng của giới làm nghệ thuật thành phố vì rạp thiếu chuẩn trầm trọng. Rạp Hào Huê (rạp Nhân Dân) đã bàn giao cho Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam trong nhiều năm qua, nhưng nhà hát chỉ sử dụng phần lớn phòng ốc cho công việc của khối văn phòng, nội thất khu vực sân khấu xuống cấp nên không thể tổ chức biểu diễn, mặt bằng sân khấu lần lượt cho các đơn vị múa thuê, mướn làm điểm tập, dựng vở. Rạp Nguyễn Văn Hảo nay là rạp Công Nhân, hiện là trụ sở của Nhà hát Kịch TPHCM. Rạp Thủ Đô đã giao cho Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM, xuống cấp nhiều nên chỉ là nơi làm việc của khối văn phòng, chỗ tập luyện, dựng vở, chạy chương trình, đào tạo diễn viên trẻ, kho đạo cụ, chứ không thể tổ chức biểu diễn. Rạp Kim Châu do đơn vị Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen quản lý, chỉ phục vụ cho việc tập luyện của diễn viên, không thể tổ chức biểu diễn vì xuống cấp, không có chỗ gửi xe cho khán giả. Rạp Nam Quang sau một thời gian làm phòng trà thì mấy năm gần đây cho Công ty cổ phần The V Show thuê, mỗi năm chỉ sáng đèn vài suất, một phần diện tích rạp hát được ngăn ra để cho thuê làm quán cà phê - bar. Rạp Lệ Thanh trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, hoang tàn, đóng cửa im ỉm suốt nhiều năm qua, một phần của rạp hát được cho thuê, trở thành Trung tâm đào tạo năng khiếu múa Lệ Thanh, là nơi hoạt động của đoàn kịch The Drama Theatre, CLB khiêu vũ Nghệ sĩ…

Rõ ràng, TPHCM không thiếu rạp hát, vấn đề là từ rất nhiều năm qua các rạp không được sử dụng đúng mục đích, đúng công năng, chức năng vốn có. Khi cơ sở vật chất không được tu bổ, sửa chữa, chăm sóc, bảo quản thường xuyên thì mỗi năm ắt hẳn phải xuống cấp một chút, hoang phế một chút. Rạp hát dần cũ kỹ, nội thất lần lượt hư hỏng, đến lúc rạp hát xuống cấp trầm trọng thì không thể đưa vào sử dụng phục vụ cho nghệ thuật. Không phục vụ nghệ thuật được nên các cơ quan chủ quản cứ thế vô tư cho thuê mướn lại mặt bằng rạp để có thêm nguồn thu! 

Việc cho thuê mướn vô tội vạ, không hề nghĩ và lo cho cái “hậu” của nghệ thuật truyền thống về sau này đã khiến không ít rạp hát dần chuyển công năng vốn có. Các đơn vị tư nhân khi thuê mướn mặt bằng rạp hát đã đập phá, sửa chữa, thay đổi gần như toàn bộ kiến trúc cũ khiến nhiều rạp hát gần như mất dấu trên mảnh đất Sài Gòn xưa, TPHCM hôm nay. Vậy người dân, học sinh, người lao động… sẽ đến đâu để xem ca diễn?

Nếu truy trách nhiệm đến cùng, phải chăng nên nói đến đơn vị chủ quản các rạp hát, không rõ vô tình hay cố ý tiếp tay để rạp hát ngày càng xuống cấp, mất dần? Hay lại là những lời đổ lỗi do cơ chế quản lý không sâu sát, cụ thể để kịp thời “cấp cứu” các rạp hát trước khi rạp hát thay đổi và vắng bóng? Nếu không, chắc là do lỗi của hoàn cảnh, thời cuộc, đã khiến loại hình sân khấu cải lương lâm cảnh heo hút, các sàn diễn leo lét ánh đèn, đóng cửa thường xuyên.

Những câu hỏi khó đó không phải không có câu trả lời, vấn đề là ý thức và hành động thực tiễn của đơn vị chủ quản các rạp hát trước tình hình rạp hát xuống cấp. Không chỉ có vậy, cơ quan quản lý văn hóa tại TPHCM ở đâu, khi hệ thống rạp hát tại TPHCM đang bị biến dạng, mất dần? Bảo vệ rạp hát bằng cách nào? Dĩ nhiên, cần có các dự án, kế hoạch, phương án bảo vệ, đầu tư sửa chữa, nâng cấp các rạp hát truyền thống, tạo điều kiện để rạp hát luôn sáng đèn. Nhưng cái cần ở đây là những quyết sách “ngay và luôn”, chứ không phải chủ trương... trên giấy. Và đó phải là hành động từ chính quyền, ngành văn hóa TPHCM. 

Tin cùng chuyên mục