Hé lộ những mỹ nhân trong thơ nhạc Việt Nam qua bộ sách của Hà Đình Nguyên

Nghề chính là làm báo nhưng tác giả Hà Đình Nguyên lại nổi tiếng trong lĩnh vực khảo cứu âm nhạc qua bộ tác phẩm Chuyện tình nghệ sĩ và Những bóng hồng trong thơ nhạc tiết lộ các nhân vật, chi tiết trong các ca khúc nổi tiếng một thời.
Vừa qua, tác giả Hà Đình Nguyên đã gửi đến bạn đọc cùng lúc 3 tác phẩm mới, 2 trong số đó là tái bản với nhiều chỉnh sửa, bổ sung gồm 35 Chuyện tình nghệ sĩ  60 bóng hồng trong thơ nhạc. Và một tác phẩm mới có nhan đề 50 chuyện kỳ thú phương Nam.
3 tác phẩm vừa ra mắt của tác giả Hà Đình Nguyên
Theo tác giả, nhà báo Hà Đình Nguyên thì nguồn gốc của Chuyện tình nghệ sĩ bắt đầu từ một tai nạn giao thông năm 2012. Trong thời gian phải nằm một chỗ, anh nhận lời phụ trách chuyên mục “Chuyện tình nổi tiếng” cho tờ báo Dòng đời với bút danh Hà Hải Lăng (Hà Đình Nguyên quê gốc huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Sau đó, trước sự yêu cầu của bạn đọc cũng như giới hạn của trang báo, tác giả quyết định sử dụng những thông tin mình biết để viết thành sách và tác phẩm Chuyện tình nghệ sĩ ra đời.
Khi đó, tác phẩm được đánh giá là đã hé lộ một cách đầy hệ thống những chuyện hậu trường của các ca khúc, của các nhạc sĩ nổi tiếng dòng tân nhạc trước đây. Điều đáng nói là tác phẩm còn được xem là một hình mẫu của lối viết chuyện đời tư khi không chủ trương bới móc chuyện riêng tư của các cá nhân mà tập trung thông qua những câu chuyện tình cảm, rung động của người nghệ sĩ để phản ánh giá trị của những tác phẩm, tôn vinh nét đẹp của sáng tạo nghệ thuật.
Nhà báo, tác giả Hà Đình Nguyên tâm sự về quá trình hình thành những tác phẩm của mình
Cũng giống với Chuyện tình nghệ sĩ được đổi tên thành 35 chuyện tình nghệ sĩ, 60 bóng hồng trong thơ nhạc vốn có tên gốc là Những bóng hồng trong thơ nhạc nay được thêm con số 60 ở phía trước.
Theo tác giả, nguyên bản thì tác phẩm gốc chỉ có 12 bài viết, nhưng sau đó rất nhiều bạn bè, bạn đọc đề nghị, tranh luận về những nhân vật xuất hiện trong các tác phẩm khác nên cuối cùng con số bóng hồng đã lên đến 60 và một tác phẩm tái bản có sự bổ sung lớn đã ra mắt.
Khác với 2 tác phẩm trên mang đậm tính lãng mạn, 50 chuyện kỳ thú phương Nam lại mang đậm tính lịch sử, khảo cứu. Từ các địa đanh, nhân vật đặc thù của vùng đất phương Nam.
Bạn đọc với tác phẩm "35 chuyện tình nghệ sĩ"
35 chuyện tình nghệ sĩ từ khi ra mắt bạn đọc đã nhận được nhiều ý kiến tích cực, thông qua các bài viết, tác giả góp phần giải đáp những câu hỏi mà nhiều người yêu nhạc từng thắc mắc, tò mò.
Như ở phần viết về nhà thơ Hoàng Cầm, nhân vật “chị” trong Lá Diêu bông đã từng một thời gây bao tranh cãi nơi người nghe nhạc. Trong tác phẩm, tác giả đã miêu tả về hai người chị đã góp phần tạo nên những xúc cả trong tác phẩm của Hoàng Cầm.
Trước câu hỏi của bạn đọc về việc làm thế nào để có được những chi tiết mà đôi khi khá riêng tư. Tác giả Hà Đình Nguyên thừa nhận việc có được những thông tin đó và đặc biệt là còn được nhân vật đồng ý cho phổ biến là cả vấn đề. Có những nghệ sĩ khá dễ tính, dễ hỏi, để kể thì cũng có những người rất khép kín. Có trường hợp phải qua 15-20 lần trò chuyện, gặp gỡ, dần dần tìm được sự đồng cảm, họ mới hé lộ.
Ở đây cần phải nói thêm là tác giả Hà Đình Nguyên còn là một chuyên gia trong lĩnh vực tân nhạc, vốn kiến thức này góp phần không nhỏ tạo nên sự gần gũi, thân thiết giữa anh với các nghệ sĩ.
Tuy nhiên, như chính tác giả thừa nhận, cũng không phải không có sự cố, khi viết về tác phẩm "Tôi đưa em sang sông" do tin tưởng và thân thiết với nhân vật nên anh đã sơ sót trong khâu kiểm chứng nguồn tin. Kết quả bài viết sau đó bị góp ý và đó trở thành bài học kinh nghiệm của tác giả sau này.
Còn với tác phẩm 50 chuyện kỳ thú phương Nam, cuốn sách mang đến cho bạn đọc những thông tin độc đáo. Chẳng hạn câu chuyện tấm bia mộ Quốc công Phạm Đăng Hưng (cha Thái hậu Từ Dũ) được vua Tự Đức đặt Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn và thực hiện, nhưng trên đường chuyên chở vào Nam bị người Pháp tịch thu. Sau đó, bị viên Trung úy Pháp là Barbé trưng dụng, viên sĩ quan này sau bị nghĩa quân Trương Định ám sát (câu chuyện này đã được sân khấu hóa thành vở cải lương Nàng Hai Bến Nghé rất nổi tiếng) và thấy tấm bia lớn khá đẹp nên bạn bè đã dùng luôn tấm bia, sơn đen viết tên Barbé để làm bia mộ.
Mãi sau này, năm 1998 trong quá trình di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, người ta tìm thấy tấm bia và rất bối rối khi thấy bia có đến 2 tầng thông tin, một Pháp, một Hán. Và sau khi kiểm chứng thông tin, tấm bia đã được chuyển đến dựng tại mộ Quốc công Phạm Đăng Hưng, chậm gần 140 năm so với dự định ban đầu.
Nghệ sĩ, kỷ lục gia Mai Đình Tới cây đàn mới nhất được làm từ ống nước và biểu diễn ca khúc "Trống cơm"
Câu chuyện về năng lực săn thông tin nghệ sĩ của nhà báo, tác giả Hà Đình Nguyên còn được nghệ sĩ Mai Đình Tới, kỷ lục gia Việt Nam về biểu diễn nhạc cụ từ công cụ, hàng ngày kể lại.
17 năm trước khi lần đầu tiên đặt chân vào TPHCM, nghệ sĩ Mai Đình Tới hoàn toàn không được ai biết đến nhất là với phong cách nghệ thuật đầy khác lạ. Sau một lần biểu diễn ở Suối Tiên, gặp Hà Đình Nguyên, cả hai ngồi hàn huyên suốt một đêm và bài viết về nghệ sĩ Mai Đình Tới xuất hiện trên trang báo. Đó được xem là sự khởi đầu đáng quý để tên tuổi người nghệ sĩ dần dần đến với khán giả.
Đôi song ca "nhí" Thanh Hà, Thanh Hằng
Đôi song ca “nhí” Thành Hà, Thanh Hằng cũng là một câu chuyện giống như vậy. Từ một hoàn cảnh không may trong cuộc sống, họ tự vươn lên, đi con đường nghệ thuật và có sự giúp sức của các nhà báo mà Hà Đình Nguyên là một trong số đó.
Và như chính tác giả Hà Đình Nguyên cho biết, đó cũng là một câu chuyện độc đáo mà có lẽ đến một lúc nào đó, anh sẽ viết để mọi người biết được những nỗ lực của những nghệ sĩ có hoàn cảnh đặc thù, khó khăn. 
Thanh Hà, Thanh Hằng được xác lập kỷ lục “Đôi song ca chị em ruột có vóc dáng thấp nhỏ nhất Việt Nam” với hình thể như trẻ lên 10 trong khi tuổi thật của hai chị em là 39 và 29.
Trong bộ 3 tác phẩm thì 60 bóng hồng trong thơ nhạc được chính tác giả Hà Đình Nguyên thừa nhận, không phải dành cho những con người lãng mạn. Bởi có đôi khi hình ảnh bóng hồng trong thơ, nhạc rất đẹp, rất tuyệt vời thế nhưng con người thực tế của cuộc sống lại có những vấn đề khác, phức tạp hơn rất nhiều. Hãy mơ tưởng về người con gái Hoàng Thị, về một Diễm xưa đầy trữ tình hay một cô em Bắc Kỳ nho nhỏ… nhưng nếu đọc 60 bóng hồng trong thơ nhạc thì bạn đọc lại có thể thấy được cả những cái hậu không mấy vui vẻ, lãng mạn như tưởng tượng, mơ ước của người nghệ sĩ.

Tin cùng chuyên mục