Hệ lụy của việc thiếu vắng đạo đức công vụ

Thời gian qua, chúng ta đã phát hiện và xử lý được nhiều vụ án tham nhũng lớn mà người tham nhũng có chức vụ cao. Tuy nhiên, vẫn còn đó vấn nạn tham nhũng vặt, tức là các vụ việc tiêu cực với số lượng tiền bạc không nhiều nhưng diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Có thể liệt kê hàng loạt hành vi tham nhũng vặt bằng việc bôi trơn, phong bì lót tay để mua bằng cấp, học vị, danh hiệu, chạy quyền và nhiều kiểu “chạy” khác...

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, chúng ta đã nhận diện tham nhũng với những biểu hiện phức tạp, có tính đa dạng, muôn vẻ sắc thái về loại hình, mức độ, cũng như hậu quả. Tình trạng pháp luật có, pháp chế cũng có nhưng pháp trị thì không hoặc yếu kém và hình thức, là một thực tế phổ biến hiện nay.

Phải thấy rằng, địa chỉ của tham nhũng phổ biến là ở các cơ quan công quyền. Một anh bảo vệ cơ quan, cấp bậc thấp nhất trong thang bậc hành chính, cũng có thể làm khó để vòi vĩnh những ai có nhu cầu vào cửa công quyền. Một nhân viên tiếp nhận hồ sơ bắt người đi làm giấy tờ phải đi lại nhiều lần, bổ sung hết giấy này đến giấy khác và không hẹn bao giờ xong việc, cố tình để dân chờ đợi dài cổ cho đến khi... chìa ra phong bì. Người trực tiếp giải quyết công việc có thể cò kè ngã giá xin - cho ngay tại bàn làm việc hay qua trung gian “cò”... Người thiếu ngay ngắn cố tìm kiếm những khả năng, cơ hội để thu vén, hoặc ở mức độ cao hơn là đặt ra những tiêu chuẩn chế độ để thụ hưởng, thực chất là sử dụng “đặc quyền” để “trục lợi”. Thực tế đã có một bộ phận không nhỏ công chức hành chính nghĩ và cũng hành động như vậy. Chỉ khổ người nông dân, công nhân, những người làm ra của cải vật chất cho xã hội, những người không có cơ hội, chỉ có cách “tay làm thì hàm mới có nhai”.

Muốn xóa bỏ mọi loại tham nhũng, từ to đến tham nhũng vặt, phải có luật lệ thủ tục minh bạch, rõ ràng; phải tạo cho được sự cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. Phải có một hệ thống pháp luật nghiêm minh, chế tài cương quyết, mạnh mẽ để công chức không thể, không muốn và không dám tham nhũng. Quản lý xã hội để lập lại trật tự, công bằng là trách nhiệm chính trị của những ai được giao trọng trách.

Một nhược điểm ở Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức là ít đề cập đến nội dung hoạt động công vụ (các chuyên gia cho rằng chỉ có khoảng 10%). Hoạt động công vụ là thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công chức, viên chức trong các công sở nhằm giải quyết quan hệ giữa các cơ quan Nhà nước với nhân dân. Sự thiếu vắng những quy định có tính pháp lý cao về hoạt động công vụ lâu nay đã đưa đến những hệ luỵ, bất cập không thể tránh khỏi. Đó là mảnh đất màu mỡ tạo điều kiện cho những hành xử công vụ một cách tùy tiện, tự tung tự tác, tiêu cực nhũng nhiễu. Vì thế, chuẩn mực đạo đức cao trong nền công vụ đã trở thành một vấn đề thiết yếu đối với nền công vụ nước ta hiện nay. Cải cách quản lý trong khu vực công đòi hỏi giao trách nhiệm và ủy quyền nhiều hơn cho các công chức, những áp lực cung ứng dịch vụ công cộng thách thức các giá trị truyền thống trong nền công vụ. Toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ các quan hệ kinh tế quốc tế, các lĩnh vực thương mại và đầu tư đòi hỏi cần có những tiêu chuẩn đạo đức cao được công nhận trong nền công vụ.

Đã đến lúc chúng ta phải kiến tạo một nền hành chính phục vụ. Hành chính phục vụ đòi hỏi trước tiên là thay đổi hành vi trong hoạt động công vụ cho phù hợp với đòi hỏi của nền hành chính phục vụ. Đó là một nền hành chính đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Người lãnh đạo phải có sự ràng buộc nghĩa vụ trách nhiệm với đơn vị. Hoạt động hành chính phục vụ đòi hỏi tổ chức bộ máy hành chính thích hợp, hoạt động hiệu quả, hiệu lực; phân công phân cấp trách nhiệm rõ ràng; tăng cường giám sát hoạt động công vụ của công chức. Cần sớm thay thế chế độ “biên chế” bằng chế độ “hợp đồng linh hoạt”; tổ chức đối thoại, đề cao trách nhiệm giải trình của chính quyền với dân.

Tin cùng chuyên mục