Hệ lụy từ lò mổ thủ công

Thị trường thịt bò ở Việt Nam hiện đang phụ thuộc một phần vào nguồn cung từ thị trường Australia với ước tính khoảng 200.000 - 300.000 con/năm, nhưng “tin sốc” là mới đây Bộ Nông nghiệp Australia cho biết, có thể dừng xuất bò nguyên con vào Việt Nam… do cách giết mổ không đúng quy trình hiện đại. Nguy cơ mất thị trường nhập khẩu
Hệ lụy từ lò mổ thủ công

Thị trường thịt bò ở Việt Nam hiện đang phụ thuộc một phần vào nguồn cung từ thị trường Australia với ước tính khoảng 200.000 - 300.000 con/năm, nhưng “tin sốc” là mới đây Bộ Nông nghiệp Australia cho biết, có thể dừng xuất bò nguyên con vào Việt Nam… do cách giết mổ không đúng quy trình hiện đại.

Nguy cơ mất thị trường nhập khẩu

Theo số liệu thông báo của Cục Chăn nuôi và Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), lượng bò sống (nguyên con) từ Australia nhập khẩu vào Việt Nam những năm gần đây gia tăng mạnh do các doanh nghiệp nhập về nhiều để tiêu thụ, thị trường tiêu thụ thịt bò tại Việt Nam rất nhiều tiềm năng. Năm 2014 Việt Nam đã nhập khẩu gần 200.000 con bò từ Australia. Năm 2015 cũng trên 300.000 con và 5 tháng đầu năm 2016 đã kiểm dịch nhập khẩu trên 100.000 con. Hiện nay Việt Nam là thị trường tiêu thụ thịt bò đứng thứ hai ở Australia. Tuy nhiên mới đây, Bộ Nông nghiệp Australia cho biết đã nhận được cáo buộc và hình ảnh về việc một cơ sở giết mổ bò của một doanh nghiệp tại Hải Phòng - Việt Nam giết mổ bò bằng cách đập búa tạ vào đầu, vì vậy đã ra lệnh tạm dừng xuất khẩu bò cho doanh nghiệp này. Bộ Nông nghiệp Australia tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra toàn diện về việc giết mổ bò ở Việt Nam, nếu phát hiện vi phạm sẽ tạm dừng xuất khẩu bò sang Việt Nam.

Một dây chuyền hiện đại chuyên giết mổ bò Australia tại Việt Nam

Cục Thú y Việt Nam xác nhận trong năm 2015, nghi ngờ một vài cơ sở giết mổ nhỏ lẻ của Việt Nam bơm nước vào gia súc, đồng thời dùng búa đập vào đầu trong quá trình giết mổ bò, phía Australia đã từng có văn bản nhắc nhở. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để quản lý các hoạt động giết mổ bò Australia nhập khẩu theo đúng quy định, tuyệt đối không được dùng búa đập vào đầu. Tuy nhiên, tình hình vẫn chưa được cải thiện.

Một đại diện Cục Thú y cho biết, quy định của Australia về giết mổ gia súc rất chặt chẽ. Trước khi cho phép các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu bò sống từ Australia vào Việt Nam để giết mổ, họ đã cử cơ quan có thẩm quyền sang Việt Nam kiểm tra thực tế tại các cơ sở giết mổ xem có bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y không, đặc biệt là phải thực hiện việc giết mổ nhân đạo theo quy định ESCAS (chỉ sử dụng súng để bắn vào sọ não, cấm sử dụng búa để đập vào đầu), đồng thời yêu cầu cơ sở giết mổ bò Australia phải có camera để theo dõi xem bò có được giết mổ nhân đạo không; nếu bảo đảm các điều kiện nêu trên mới cho phép nhập khẩu vào Việt Nam. Trên thực tế, Australia đã từng ra quyết định tạm dừng xuất khẩu bò vào Indonesia năm 2011 (và trước đó là Arab Saudi, Ai Cập) vì vi phạm quy định ESCAS của nước xuất khẩu.

Cần đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện nay cơ cấu thịt bò trong bữa ăn của người Việt vẫn còn rất thấp nên việc một doanh nghiệp bị “đình chỉ” nhập khẩu cũng không gây ảnh hưởng tới thị trường thịt bò. Tuy nhiên, nếu sau khi điều tra, phía Australia tạm dừng xuất khẩu bò sống sang Việt Nam thì giá thịt bò sẽ có xáo trộn.

Theo giải trình của một đại diện Cục Thú y, hiện quy định về giết mổ động vật nhân đạo chỉ mới được Việt Nam đưa vào Luật Thú y năm 2015 và có hiệu lực từ 1-7-2016. Trong khi tình trạng giết mổ gia súc theo quy mô và hình thức thủ công đã tồn tại nhiều năm nay. Song đứng trước tình thế hiện nay các doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến, tiêu thụ thực phẩm của Việt Nam phải nâng cao hơn ý thức trong thực thi các quy định của quốc tế, tăng đầu tư cho dây chuyền, công nghệ chế biến thịt hiện đại.

Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, mặc dù phía Australia chưa ra quyết định dừng xuất khẩu bò sang Việt Nam nhưng nếu lệnh cấm được thực hiện, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp nhập khẩu.

Hiện mỗi lô bò (một tàu chở khoảng 15.000 con) xuất đi các nước, trong đó có Việt Nam, Australia kiểm soát từng con một, yêu cầu gắn camera giám sát suốt cả quá trình bò được nuôi nhốt trong trang trại như thế nào và được giết mổ ra sao, có đảm bảo đúng quy định về giết mổ nhân đạo không. Và nếu các doanh nghiệp Việt Nam không thực hiện đúng các cam kết thì việc mất nguồn cung thịt bò từ Australia là khó tránh khỏi.


PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục