Hệ thống báo cháy tự động bị tê liệt?

Trong vụ cháy chung cư Carina Plaza (phường 16, quận 8), dư luận đặt hàng loạt vấn đề: Vì sao có nhiều nạn nhân tử vong do bị ngạt khói đến vậy? Có hay không việc hệ thống báo cháy tự động của chung cư bị tê liệt, không hoạt động? Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan? 
Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định, công trình nhà cao tầng (trừ nhà ở gia đình) phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Trước khi đưa công trình vào sử dụng (cho dân vào ở), chủ đầu tư phải tổ chức nghiệm thu hệ thống PCCC. Việc thẩm duyệt và nghiệm thu hệ thống PCCC thuộc thẩm quyền của cảnh sát PCCC, tùy vào quy mô công trình mà cấp Phòng, Sở hoặc Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ sẽ nghiệm thu. Trong hệ thống PCCC của nhà cao tầng, hệ thống báo cháy tự động là hạng mục đặc biệt quan trọng, quyết định 80% khả năng phòng và chữa cháy của cả hệ thống.

Khi có sự cố cháy nổ xảy ra, các thiết bị sẽ tự động hoạt động, đồng thời kích hoạt các hệ thống dây chuyền như hệ thống tăng áp buồng thang thoát hiểm, hệ thống hút khói tầng hầm, hệ thống hút khói hành lang, hệ thống chữa cháy tự động… cùng hoạt động. Với hệ thống tăng áp buồng thang thoát hiểm, khi hoạt động, hệ thống này sẽ tạo ra áp suất dương (>2kg/m2) trong thang, không để khói, khí độc phía ngoài đám cháy tràn vào, giúp người dân thoát hiểm an toàn, không bị ngạt khói. Tương tự, các hệ thống hút khói hành lang, hệ thống hút khói tầng hầm khi hoạt động sẽ hút, làm giảm bớt lượng khói, khí độc trong khu vực xảy ra cháy. 

Ngoài ra, khi hệ thống báo cháy tự động kích hoạt, hệ thống đèn hướng dẫn thoát hiểm (Exit) và đèn chiếu sáng sự cố khẩn cấp (Emergency) sẽ tự động sáng do bình điện lưu được kích hoạt để người dân nhìn thấy, tìm đường (khi cháy, điện sinh hoạt sẽ bị ngắt) thoát nạn đúng cách, an toàn; hệ thống chữa cháy tự động cũng sẽ phun nước, góp phần làm giảm nguy cơ cháy lan cháy lớn.  

Anh Nguyễn Hùng Thuật (kỹ sư hóa học - xây dựng, chủ cơ sở kinh doanh thiết bị PCCC Hùng K., huyện Bình Chánh) nêu ý kiến: Cơ quan điều tra cần làm rõ thêm yếu tố hệ thống tăng áp buồng thang có hoạt động hay không, nếu hệ thống này hoạt động, cho dù cửa ngăn lửa - khói có mở thì khói vẫn khó tràn vào vì áp suất trong buồng thang lúc này đủ lớn để cản”. Một yếu tố khác có liên quan đến hệ thống PCCC của chung cư Carina Plaza mà anh Thuật cho rằng cơ quan điều tra cần làm rõ là cửa ra sân thượng ở cầu thang bộ bị đóng hay không khi xảy ra cháy? 

Trong khi đó, nhiều người dân sống ở chung cư Carina cho biết hệ thống báo cháy tự động của chung cư đã hư hỏng, không hoạt động được từ nhiều năm qua. Ngay cả bảo vệ chung cư cũng ngang nhiên hút thuốc trong hầm giữ xe, dù có bảng cấm hút thuốc. “Trước vụ cháy ngày 22-3 làm 13 người chết, ở chung cư này từng xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nhỏ, rất may cư dân kịp thời phát hiện dập tắt. Những lần như vậy, chuông báo, hệ thống chữa cháy tự động đều không hoạt động. Lo lắng và bức xúc, chúng tôi nhiều lần phản ánh việc này đến chủ đầu tư nhưng họ đều phớt lờ, lại còn thách thức thưa kiện. Buồn hơn, cư dân phản ánh đến phường và cảnh sát PCCC quận 8 cũng không được giải quyết, để rồi cuối cùng phải lãnh hậu quả”, ông Huỳnh Nguyên Tùng, ngụ ở block A bức xúc.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN (Văn phòng Luật sư Phan Law Vietnam):
Theo Luật PCCC sửa đổi 2013, các công trình cao ốc chung cư phải đáp ứng các điều kiện chung về PCCC. Cụ thể là: có quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về PCCC, thoát nạn phù hợp; có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ PCCC; bảo đảm an toàn PCCC hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, và thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt. Phải có quy trình kỹ thuật an toàn PCCC phù hợp; có lực lượng PCCC cơ sở được huấn luyện nghiệp vụ PCCC và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ. Đồng thời, phải có phương án chữa cháy, thoát nạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, phương tiện PCCC khác, phương tiện cứu người phù hợp; và có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC theo quy định của Bộ Công an.
Ngoài những điều kiện trên, cao ốc chung cư phải có giải pháp chống cháy lan, chống tụ khói, lan truyền khói và hơi độc do cháy sinh ra; bảo đảm các điều kiện thoát nạn an toàn nhằm cứu người, tài sản khi có cháy xảy ra; trang bị hệ thống tự động phát hiện cháy, trang bị phương tiện, hệ thống chữa cháy bảo đảm khả năng tự chữa cháy; sử dụng vật liệu xây dựng khó cháy; không sử dụng vật liệu trang trí nội thất, vật liệu cách âm, cách nhiệt dễ cháy.  
Trường hợp vi phạm quy định về PCCC thì tổ chức, cá nhân có thể bị xử lý vi phạm hành chính như bị cảnh cáo hoặc phạt tiền theo Nghị định 167/2013. Ngoài ra, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà đối tượng vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, hoặc buộc khắc phục hậu quả khác. Đối với những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng như làm chết người, gây tổn hại cho sức khỏe của một người hoặc nhiều người từ 61% trở lên, gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù 2 - 5 năm, cao nhất là phạt tù 7 - 12 năm, theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự hiện hành.  
Luật sư Nguyễn Văn Nhật (Đoàn Luật sư TPHCM):
Theo khoản 9 Điều 38 Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15-2-2016 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Trường hợp chủ đầu tư mua bảo hiểm cháy nổ nhưng chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư để bàn giao cho Ban quản trị chung cư thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản bị cháy cho cư dân. Trường hợp chủ đầu tư không mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định thì chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trong trường hợp chủ đầu tư đã thành lập Ban quản trị chung cư đúng theo quy định pháp luật, Ban quản trị không mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định thì Ban quản trị phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chủ đầu tư hoặc cá nhân tổ chức có liên quan có thể phải chịu trách nhiệm hình sự liên quan đến hành vi vi phạm về PCCC (Điều 313 Bộ luật hình sự năm 2015) nếu hậu quả cháy nổ để lại nghiêm trọng về người và tài sản. 

Tin cùng chuyên mục