Hệ thống cống ngăn triều phải đảm bảo đồng bộ

Hệ thống máy bơm cần lắp đặt sớm để đồng bộ với hệ thống các cống ngăn triều.
Một cống cống ngăn triều của TPHCM. Ảnh minh họa
Một cống cống ngăn triều của TPHCM. Ảnh minh họa

 Chiều 29-5, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các sở, ngành thị sát tình trạng ngập tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh và các cống ngăn triều thuộc dự án “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (dự án 10 ngàn tỷ đồng).

Báo cáo nhanh với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân về tiến độ xây dựng dự án 10 ngàn tỷ, Tổng giám đốc Trungnam Group Nguyễn Tâm Tiến cho biết, dự án được khởi công từ tháng 6 - 2016 với qui mô vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, gồm 8 cống kiểm soát triều, 7,8 km đê kè và nhiều hạng mục phụ trợ, điều hành…với mục tiêu điều tiết nguồn nước do triều cường và mưa lớn, giúp giảm ngập đô thị trên diện tích 570 ha với 5,6 triệu người dân sinh sống thuộc nhiều quận huyện.

Hiện tại, dự án đã triển khai xây dựng đồng loạt các cống kiểm soát triều đạt 38% khối lượng công trình. Trong quá trình thi công, tất cả các khâu đều đảm bảo an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, điều băn khoăn hiện nay là mặt bằng để thi công đê kè. Hiện tại, diện tích đất của hơn 335 hộ dân và 20 tổ chức, doanh nghiệp chưa được đền bù bàn giao mặt bằng. Cụ thể, cống kiểm soát triều Tân Thuận (2 doanh nghiệp), cống Phú Xuân (14 hộ dân và 2 doanh nghiệp), cống Mương Chuối (99 hộ), cống Cây Khô (95 hộ), cống Phú Định (16 hộ và 1 tổ chức), đê kè, cống cầu Kinh, rạch Bà Bướm (198 hộ và 12 doanh nghiệp).

Đơn vị thi công cam kết dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành vào 30-4-2018 nếu TP bàn giao mặt bằng kịp theo tiến độ thi công dự án. Chủ đầu tư kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương dịch chuyển tuyến đê kè nhằm hạn chế tối đa việc đền bù giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Tại buổi làm việc hầu hết ý kiến các quận, huyện liên quan kiến nghị TP sớm phê duyệt đơn giá đền bù và chủ đầu tư tạm ứng tiền để chi trả cho dân. UBND TP cũng nên điều chỉnh ranh giới đê kè để hạn chế mức độ bồi thường giải phóng mặt bằng.

Về đơn giá đền bù, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương trình phương án giá ngay trong vòng 10 ngày để TP duyệt. Đối với việc điều chỉnh ranh giới đê kè, Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa cho rằng, cái được của việc điều chỉnh là giảm đền bù giải tỏa, tuy nhiên, điều chỉnh như vậy cần phải xem xét các yếu tố tác động liên quan như dòng chảy có ảnh hưởng gì không, môi trường có bị tác động gì… Vì vậy, TP đang chờ Hội đồng Khoa học đánh giá lại toàn bộ có bị ảnh hưởng gì nếu không có trở ngại gì TP sẽ duyệt.

Đồng chí Lê Văn Khoa cũng yêu cầu Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP sau khi dự án đưa vào hoạt động, trung tâm phải đảm bảo đồng bộ hệ thống thu gom nước để đảm bảo đáp ứng cho hệ thống máy bơm của dự án này. TTCN hứa sẽ đảm bảo đáp ứng đủ nước để trạm bơm hoạt động. 

Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn manh: Đây là công trình quan trọng nên mọi vấn đề liên quan đến dự án cần phải tuyệt đối đảm bảo an toàn. Vì vậy, Bí thư đề nghị UBND TP phải nhờ các bộ, ngành liên quan kiểm tra, thẩm định thật kỹ về điều chỉnh đê kè để sớm phê duyệt. Đối với hệ thống máy bơm cũng cần lắp đặt sớm để đồng bộ với hệ thống các cống ngăn triều và các công đoạn khác liên quan đến dự án này cũng phải đồng bộ.

Tin cùng chuyên mục