Hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm nặng

Bất chấp luật pháp nghiêm cấm mọi hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, rất nhiều cơ sở sản xuất tại TPHCM vẫn ngang nhiên xả nước thải đầu độc hệ thống thủy lợi từ năm này qua năm khác.
Hệ thống thủy lợi bị ô nhiễm nặng

Bất chấp luật pháp nghiêm cấm mọi hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường, rất nhiều cơ sở sản xuất tại TPHCM vẫn ngang nhiên xả nước thải đầu độc hệ thống thủy lợi từ năm này qua năm khác.

Luộc thủy sinh, nhuộm nguồn nước

Con kênh Liên Vùng cấp nước tưới cho các xã Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) và xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), hiện đang bị ô nhiễm do việc xả thải ở 3 xã này. Dòng nước kênh chia hai màu rõ rệt, phía đầu nguồn từ sông Sài Gòn đổ về thì nước trong, còn phía các hộ dân đổ ra thì nước có màu nâu nhớt thải. Kinh khủng nhất là đoạn kênh chảy qua khu trại heo ở xã Vĩnh Lộc A, mặt nước luôn có lớp màng phủ phía trên và các loại bồ hóng, côn trùng bu dày đặc. Ven bờ đầy rác thải, những họng xả nước thải từ các trại heo chảy xối xả vào lòng kênh. Năm trước, khu vực này có đến trên 100 trại heo, nay chính quyền địa phương đã cưỡng chế, di dời 30 trại, vẫn còn đến 70 trại với trên 30.000 con heo đang được nuôi trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nước và không khí.

Ngoài các trại heo, kênh Liên Vùng còn bị đầu độc bởi các cơ sở dệt nhuộm. Tại ấp 3A xã Vĩnh Lộc A, 3 cơ sở sản xuất tư nhân gồm doanh nghiệp tư nhân Hoàng Long, hộ cá thể Lưu Văn Sơn, doanh nghiệp tư nhân Thu Trang đang xả nước thải chưa qua xử lý qua 2 cống xả chạy xuyên bên dưới đường giao thông, đấu thẳng vào kênh NT5 đổ về kênh Liên Vùng. Dòng nước thải sôi sùng sục, khói bốc lên nghi ngút, lúc xanh, lúc tím, lúc đỏ… cứ ồng ộc đổ vào kênh.

Đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi cho hay, đã nhiều lần có văn bản đề nghị địa phương và các sở, ngành chức năng liên quan xử lý việc xả thải ô nhiễm của các cơ sở sản xuất tư nhân này, nhưng sự việc vẫn tiếp diễn, các họng xả vẫn ngày đêm xả nước thải ô nhiễm ra dòng kênh và được ngụy trang, che phủ bằng vải hoặc các cành cây.

Nước thải từ một cơ sở sản xuất đang nhuộm xanh đầu nguồn rạch Cầu Suối, đoạn qua xã Vĩnh Lộc A, Bình Chánh

Ông Phan Văn Đương (ngụ ấp 2, xã Vĩnh Lộc A, phía bên kia con rạch) chia sẻ bức xúc: “Tôi đã sống ở đây 74 năm, ngày trước dân ở đây bắt cá kiếm sống khỏe, làm ruộng cũng đủ ăn. Gần 10 năm nay, từ khi có các cơ sở sản xuất này về, thì lội ruộng về là ngứa chân, cá tôm chết sạch không còn con nào. Đến ruộng cấy cũng chịu không nổi chết luôn. Hơn một mẫu đất tôi cho thằng cháu trồng sen và rau nhút, ô nhiễm nên sen chết sạch, rau nhút còn mọc nhưng không lớn nổi. Tôi không phản đối hoạt động sản xuất, chỉ kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết triệt để tình trạng xả nước thải ô nhiễm vào kênh rạch, gây thiệt hại cho môi trường sống và sản xuất nông nghiệp...”

Ở đầu nguồn rạch Cầu Suối qua địa bàn xã Vĩnh Lộc A, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều họng xả từ các cơ sở xay nhựa, nhuộm vải xả nước thải ra rạch với đủ thứ màu và mùi. Tại vị trí rạch Cầu Suối đổ ra kênh C, nước cũng mang 2 màu khác nhau.

Sông Sài Gòn lãnh hậu quả

Hầu hết các cơ sở sản xuất đều xả thải công khai nhưng hoạt động bí mật: không bảng hiệu, không tên tuổi, cửa đóng im ỉm nhưng vẫn có tiếng máy móc chạy bên trong và đặc biệt cảnh giác khi có người lạ đến gần. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh (thuộc Công ty Thủy lợi), cho biết, hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh cung cấp nước tưới và tiêu thoát cho các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và một phần quận 12, tổng diện tích phục vụ hơn 9.000ha đất nông - lâm nghiệp, trong đó có hơn 1.600ha đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Thế nhưng hiện nay, từ các rạch nhánh đến rạch chính, dường như không còn nơi nào không ô nhiễm. Kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước mới nhất cho thấy, nhiều chỉ số vi sinh và kim loại nặng vượt ngưỡng. Quy chuẩn Việt Nam 08:2008 về chất lượng nước mặt, giới hạn cho phép với coliform là 7.500 MPN/100ml. Vậy mà chỉ số coliform tại điểm giao kênh B và kênh C12 là 930.000 MPN/100ml, tại kênh C18 là 900.000 MPN/100ml, tại cầu Tân Tạo là 150.000 MPN/100ml.

“Chất lượng nước xấu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, thủy sản của nông dân, nên chúng tôi rất vất vả để ngăn chặn ô nhiễm xâm nhập hệ thống thủy lợi. Tại các điểm có nồng độ các chất ô nhiễm cao, chúng tôi đóng cống nội bộ không cho nước ô nhiễm tràn vào hệ thống và bơm nước từ nơi khác về để pha loãng. Vì thế, xí nghiệp mất rất nhiều chi phí và nhân công cho việc xử lý này. Bà con nông dân cũng phải tốn chi phí để bơm nước vì mực nước bị hạ xuống thấp không thể tự chảy như bình thường. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế và thật lòng mà nói, nguồn nước ô nhiễm vẫn len vào diện tích sản xuất, không thể tránh tuyệt đối được!”, ông Nguyễn Văn Chí lo lắng.

Về tổng thể, hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bình Chánh bị ô nhiễm không chỉ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và một phần quận 12, mà còn ảnh hưởng cả TPHCM, vì nước kênh mang tải lượng ô nhiễm qua một số kênh rạch rồi đổ ra sông Sài Gòn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến sông Sài Gòn đang “chết dần”.


KHÁNH LÊ

Tin cùng chuyên mục