Hết mình với tập thể

Tháng 5-2016, xảy ra tình trạng cá chép, trê, rô phi... chết hàng loạt trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Số lượng cá chết lên đến hơn 100 tấn, nếu vớt xác cá theo cách thủ công thì công nhân của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM phải mất rất nhiều thời gian. 

Nhưng nhờ có thiết bị vớt rác đường sông, công việc hoàn tất chỉ trong 2 ngày 2 đêm. Thiết bị này là một trong những sáng kiến cải tiến kỹ thuật do anh Hứa Minh Tuấn (Phó xưởng Chi nhánh Môi trường đô thị Sài Gòn - Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM) tham gia thực hiện cùng đồng nghiệp. Riêng bản thân anh cũng có nhiều sáng kiến đem lại lợi ích thiết thực cho đơn vị.

Hết mình với tập thể ảnh 1 Anh Hứa Minh Tuấn bên bồn hút chân không tự hành
Không nản lòng 

Lâu nay, khi thực hiện dịch vụ hút bùn các loại tại các công trình, nhà cao tầng, bệnh viện, trường học, hầm xử lý nước... Chi nhánh Môi trường đô thị Sài Gòn phải đưa bồn tự hành đặt trên xe tải lớn đến làm công việc này. Sử dụng thiết bị trên hiệu quả không cao như mong muốn vì các hầm thu bùn, hầm thu tách mỡ ở các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại đều đặt ở tầng hầm có độ sâu so với mặt đất từ 12 - 16m; do đó, xe không thể xuống để hút bùn, còn nếu xe đậu trên mặt đất thì chiều dài đường ống đưa xuống đi theo đường vòng lên đến hàng trăm mét.

Chưa kể, nếu dùng bồn tự hành chỉ hút được lớp mặt ở trên chứ không hút được lớp bùn bên dưới; đồng thời còn phải phụ thuộc vào hệ thống điện 3 pha. Vì vậy, lãnh đạo chi nhánh phân công anh Tuấn cùng một số đồng nghiệp trong xưởng tìm giải pháp chế tạo bồn hút chân không tự hành, phục vụ cho công tác hút bùn trung chuyển. 

Thực hiện công việc được giao, bước đầu mọi người gặp không ít khó khăn, loay hoay thử nghiệm mà bồn vẫn chưa đạt yêu cầu. Thêm vào đó, muốn đưa mẫu bồn hút chân không ra công trình để kiểm tra chỗ nào còn khiếm khuyết là chuyện không đơn giản. Không nản lòng, mỗi khi có trở ngại, anh Tuấn cùng các anh em kiên trì bàn bạc rút kinh nghiệm, sửa từ từ.

Sau vài tháng (cuối năm 2016), thiết bị bồn hút chân không tự hành được hoàn thiện. Bồn có dung tích 0,7m3 và 2m3 (sử dụng tùy địa hình), đặt trên xe tải nhẹ nên rất thuận tiện khi đưa xuống hầm hút bùn rồi trung chuyển vào bồn chứa 12m3 ở phía trên mặt đất. Với bồn hút chân không tự hành, bùn được hút sạch từ lớp mặt đến lớp đáy, nhận được sự hài lòng từ khách hàng và đưa doanh thu của Chi nhánh Môi trường đô thị Sài Gòn năm 2017 tăng hơn 5,2 tỷ đồng so với năm 2016.

Điều quan trọng khác là việc sử dụng bồn hút chân không tự hành còn giúp giảm áp lực công việc của người lao động, vì chỉ cần 2 công nhân làm việc với thời gian 15 - 20 phút, thay 4 - 5 công nhân làm việc trong 60 phút như trước đây; tổng giá trị đầu tư chỉ khoảng 300 triệu đồng so với chi phí 1,5 - 2 tỷ đồng mua mới xe hút bùn. 

Truyền lửa 

Trong năm 2017, anh Tuấn cùng đồng nghiệp cũng thiết kế, chế tạo máy nghiền cắt 1 trục (có hệ thống bàn lùa) chuyên hủy vải cuộn, quần áo, giày dép... phục vụ công đoạn hủy hàng tại đơn vị. Lên ý tưởng là một chuyện, còn vận hành được hay không lại là chuyện khác. Những lần lắp ráp thử nghiệm ban đầu, máy chỉ chạy một chút rồi dừng lại vì các lưỡi dao cắt hàng trùng lên nhau. Không nản lòng, anh Tuấn lên mạng nghiên cứu thông tin, tìm cách khắc phục và đã chế tạo thành công. Có chiếc máy này, hàng muốn hủy chỉ cần bỏ vào máy là được nghiền ra; đơn vị không còn hủy hàng theo cách thủ công như trước kia (chạy xe ủi qua rồi dùng nước xịt vào), không gây khói bụi, tiếng ồn. 

Đặt niềm tin vào sự chuyên nghiệp của Chi nhánh Môi trường đô thị Sài Gòn, năm 2017, khách hàng ký hợp đồng hủy hàng với đơn vị nhiều hơn, đưa doanh thu hoạt động này tăng hơn 2,2 tỷ đồng so với năm trước.

Gặp chúng tôi, anh Tuấn nói nhiều về những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cả nhóm nghiên cứu chứ không một lời về bản thân. Dường như với anh, góp phần giải quyết những mặt còn hạn chế trong công việc hàng ngày của đơn vị là chuyện phải làm. Là ủy viên ban chấp hành công đoàn, anh cũng luôn lắng nghe nguyện vọng chính đáng để giúp đỡ anh em công nhân; quyên góp, vận động thăm hỏi người lao động bản thân mang bệnh hoặc người thân bị bệnh hiểm nghèo.

Nhắc về người cán bộ đầy tâm huyết, ông Trương Thành Hoàng, Chủ tịch Công đoàn Chi nhánh Môi trường đô thị Sài Gòn, nhận xét: “Những sáng kiến của anh Tuấn đã giúp đưa năng suất lao động của anh em lên cao hơn mà công việc lại nhẹ nhàng hơn. Không chỉ tâm huyết và giỏi nghề, anh Tuấn còn tham gia huấn luyện tay nghề, tận tâm truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho anh em công nhân khác. Từ năm 2015 đến 2017, anh huấn luyện cho 20 thợ máy, thợ điện thi nâng bậc và cả 20 người đều được nâng lương; huấn luyện 4 đội viên trong tổ bảo vệ về công tác phòng cháy chữa cháy. Với chúng tôi, anh Tuấn là tấm gương hết mình vì tập thể”.

Tin cùng chuyên mục